Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1: 'Cần sự đầu tư tốt cho các tài năng thể thao'

17/09/2014 05:56 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa đã đánh giá cao ý nghĩa kinh tế và xã hội của chương trình “Chung sức cùng Thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games và ASIAN Para Games 2014" mà Báo Thể thao & Văn hóa cùng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) phối hợp thực hiện.

“Việc tiến hành trao thưởng cho VĐV giành huy chương ASIAN Games là rất quan trọng và mức thưởng như vậy rất là tốt. Đoàn TTVN tham dự ASIAD 17 muốn giành HCV là khó khăn nhưng tôi dự đoán số HCB và HCĐ sẽ là trên dưới 20 huy chương.

Như vậy, đây sẽ là khoản tiền thưởng lớn động viên các VĐV. Lâu nay, VĐV tồn tại tâm lý ham thích SEA Games và dễ lấy huy chương để lĩnh tiền thưởng hơn. Trong hoàn cảnh như thế, TTVN hướng đến đấu trường ASIAN Games thì việc Báo Thể thao & Văn hóa kết hợp với nhà tài trợ tổ chức trao thưởng như thế chuyển hướng nỗ lực về tâm lý và nỗ lực thi đấu, đó là ý nghĩa tích cực.

Về mặt kinh tế, đối với những người được huy chương ý nghĩa như vậy là rõ rồi, còn ở phía sau, nếu dư luận xã hội và báo chí quan tâm, động viên, khen thưởng cho các VĐV dự ASIAN Games thì sẽ tạo ra tâm lý, nỗ lực cho các VĐV đang có sự tiến bộ, các VĐV trẻ đang nỗ lực vươn lên.

Phải thừa nhận việc người hâm mộ yêu bóng đá hơn các môn thể thao khác là thực tế không thể bác bỏ, bóng đá là môn thể thao đối kháng, mang lại cảm hứng cho nhiều người. Đó là vấn đề xã hội, kéo theo việc các nhà tài trợ tập trung vào. Và việc tuyên truyền trên báo chí đối với các môn thể thao khác ít hơn thì kéo theo sự quan tâm, hiểu biết của người hâm mộ cũng hạn chế, lượng fan ít.

Cá nhân tôi suốt những năm làm việc đã cổ vũ và dồn sức làm thế nào cho tất cả các môn thể thao khác đều phát triển và được quan tâm hơn nhưng chưa thể thay đổi nhiều. Nếu truyền thông tập trung với các môn thể thao ASIAN Games và Olympic thì người hâm mộ sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn.

Sự nỗ lực của nhiều VĐV các môn thể thao khác hiện nay là rất lớn lao nhưng nhiều người bị lãng quên hoặc không được quan tâm đúng mức. Nhận thức, sự hiểu biết của xã hội với các môn thể khác ngoài bóng đá còn hạn chế. Động viên cho các em chỉ là một phần nhưng cái chính là để xã hội quan tâm, hiểu biết các môn thể thao khác ngoài bóng đá như điền kinh, TDDC, cử tạ, karatedo...

Thể thao Việt Nam hiện nay tồn tại và phát triển trên nền tảng bao cấp, chờ sự bao cấp của Chính phủ, rất ít kinh phí xã hội hóa, điều này khác các nước phát triển. Thể thao chưa phải có vai trò trọng yếu nên sự bao cấp của Chính phủ không thể đáp ứng việc nâng cao thành tích cao.

Việc chăm sóc đời sống các VĐV thể thao cũng không thể có ưu việt nào lớn cả. Ngân sách Nhà nước cho thể thao còn tương đối hạn hẹp. Như trường hợp của Lý Hoàng Nam hay Tiến Minh, Ánh Viên phải có nguồn tài trợ mới đáp ứng được sự tập huấn, chăm sóc ở nước ngoài. Đội tuyển bắn súng, TDDC.. nếu được tập huấn như Ánh Viên hay Thạch Kim Tuấn ở Hungary thời gian qua chắc chắn thành tích sẽ tốt hơn nhiều.

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Chính phủ ngành thể thao cần có phương án tìm nguồn tài trợ nhiều hơn nữa để có sự chăm sóc, đầu tư tốt nhất cho các tài năng thể thao của nước nhà, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn”.

Lâm Chi (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm