“Ơn trời con đừng lớn”

14/05/2009 18:05 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - “Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau nó để lại vẫn đang hiện hữu từng ngày qua số phận của những con người đã từng là nhân chứng sống, qua con cái họ và …còn bao thế hệ tiếp theo không ai đoán được. Những đứa trẻ sinh ra không thấy bom đạn, tiếng súng nhưng nỗi đau chúng gánh chịu vẫn bởi “chiến tranh”.

Tại sao lại là con?

Chúng tôi đến gia đình anh Quảng, chị Ngàn (thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình) trong cái rét nàng Bân tê tái và những cơn mưa phùn rả rích. Hỏi thăm mấy lần mới đến được ngôi nhà nằm ngoằn nghoèo ở con đường cuối thôn.Mẹ anh Quảng vừa mở cửa cho chúng tôi vừa loay hoay giữ đứa trẻ trên tay. “Mẹ nó thì đi làm cỏ, còn bố nó thì vẫn đang ngủ trong nhà , tối qua con lớn nó quấy nên không ngủ được”.

Trong lúc ngồi chờ bà cụ đi gọi anh Quảng tôi kịp nhìn lướt qua gian nhà. Đồ đạc đơn giản 1 cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế uống nước, chiếc xe máy 82 đời cũ… Đập vào mắt tôi là “chiếc cũi” rất to kê ngay bên cửa lách. “Các cô, các bác trong họ góp tiền mua cho cháu đấy. Những lúc bận quá cho cháu vào đó, tranh thủ làm được gì thì làm”. Người đàn ông năm nay đã ngoài bốn mươi, giọng buồn buồn kể cho chúng tôi nghe. “Có lần mải làm quá quên không để ý đến cháu, cháu cùn, đập đầu vào thành cũi. Lúc mẹ cháu chạy lên thấy mặt mũi con sưng vù, máu chảy vòng quanh mũi…”

Vẻ mặt mệt mỏi, mái tóc bù xù, đôi mắt, giọng nói ẩn chứa những lo toan anh Quảng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của vợ chồng mình. “ Năm 90 vợ mình mang thai cháu Huê, thấy sức khỏe vẫn bình thường. Nhưng sau khi sinh mấy tháng cháu có những triệu chứng không bình thường. Đưa cháu đi khắp viện này viện kia nhưng cũng không ích gì. Sau đó lên tận Hà Nội khám mới biết cháu bị ảnh hưởng của chất độc da cam”. Ba năm sau anh chị có thêm 1 cháu trai nhưng cũng như chị, Huy không phát triển như những đứa trẻ bình thường. Không biết khóc, biết cười, biết nói ...

“Khi biết các cháu bị bệnh như vậy, ông bà ngoại cháu cứ khóc suốt. Ông thì cứ vật vã tại ông mà cháu như thế. Nhưng trách ai được, giá mình có thể mang bệnh thay các cháu được”.

Huê năm nay đã 18 tuổi vậy mà nặng không đầy 20 cân. Chân tay dài khẳng khiu, cứng như cành củi khô.Không cử động được , không nhận biết ai lạ ai quen, chân tay lại co quắp nên cũng không thể bế lâu được.Cuộc sống của cô bé suốt 18 năm qua gắn với chiếc giường và căn buồng nhỏ chừng 8 mét vuông. Mọi sinh hoạt, nhu cầu của em đếu phải nhờ cả vào bà, vào mẹ . Huy thì may mắn hơn chị vì em vẫn được mọi người bế ẵm, đưa đi chơi quanh xóm . 15 tuổi mà nhỏ như đứa trẻ lên 5, nặng hơn chục cân, tay chân bé tong teo.Nhưng may mà cũng không may bởi Huy không “hiền” như chị nên lúc naò cũng phải có người bên cạnh thậm chí ngay cả khi ngủ. Ông bà nội yếu nên những lúc cháu “lên cơn” không biết xoay sở ra sao. “Nhìn cháu cào cấu khắp người, giật tóc, giật áo mà chỉ biết khóc, không giúp gì được. Bằng tuổi đó con cái người ta đi học, đi làm cả …”, bà nội Huy vừa mặc thêm áo cho Huy vừa nói “2 thanh niên nhà tôi đấy…”.
 
Huê và Huy bên bố và ông nội

Ngày mai…ra sao ?

Hiện tại vẫn chưa có chế độ trợ cấp cho “thế hệ thứ 3” khi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên Huê và Huy đều chưa được hưởng chế độ gì cả. Năm trước Huê đủ 18 tuổi nên nhận được tiền hỗ trợ tàn tật 120000 mỗi tháng.

“Cũng không bắt nhà nước phải nuôi con mình, nhưng nhiều lúc túng quá nhìn con lại nhìn chồng tủi thân mà khóc”, chị Ngàn ngậm ngùi chia sẻ.

Chăm hai “thanh niên” mà vắt vả gấp năm gấp mười trẻ mọn. Đi làm hay có công việc gì bận mải cũng chỉ một người đi còn lại phải quẩn quanh ở nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân của Huê đều nhờ tay bố, tay mẹ bởi em không thể ngồi hoặc tự trở mình được. Nơi em nằm là chiếc giường gỗ chỉ để vài thanh dát cho tiện lúc sinh hoạt. Trên đó là mảnh chiếu cũ đã được khoét phần giữa, “những lúc không để ý kịp là cháu đi vệ sinh vô thức nên phải làm vậy để không mất nhiều công dọn dẹp”. Những hôm trời mưa, ẩm ướt hay lúc Huê ốm thì vất vả hơn nhiều. “Tôi phải giải 1 lớp nilong dưới sàn nhà rồi cho lên đó ít tro bếp cho thấm nước và đỡ hơi”. Huệ không nặng nhưng chân tay cứng đơ, lại dài gần mét sáu nên việc thay quần áo, tắm giặt, dỗ dành em phải phó cả vào tay mẹ. “Hôm có hai ông bà ở nhà , cho Huy lên giường ngồi chơi với chị, sơ ý thôi mà Huê đạp phay em xuống đất”.

Huy thì có thể tự ngồi hoặc vịn vào thành giường, thành ghế mà đứng được nhưng em lại hay ốm “vặt”. Ốm vặt vì không biết là em bị bệnh, bị đau ở đâu. Đi khám thì không phát hiện ra được nên cũng không biết cho em uống thuốc gì. Những ngày như vậy, bố mẹ phải thay phiên nhau giữ em vì những cơn co giật, cào cấu ... Chị Ngàn rơm rớm nước mắt khi kể về những cơn giật ấy “ai bế cháu cũng cào vào mặt, giật tóc, cắn áo, cho cháu vào cũi thì cháu đập đầu vào thành có khi sưng u cả trán.” Những lúc Huy lên cơn như vậy anh Quảng thường phải quát to, tát mạnh vào mặt Huy. “ Huy cũng biết sợ nên khi bị bố mắng, đánh thì cháu cụp mắt xuống, ú ớ một lúc rồi thôi”.

Hàng ngày âm thanh quen thuộc trong ngôi nhà nhỏ không phải là tiếng trẻ ríu rít mà chỉ là tiếng nghiến răng, tiếng khộc khộc, ú ớ của Huê và Huy. Cả hai đều không thể phát âm những từ đơn giản, thậm chí cả khóc như bình thường . Đến bây giờ món ăn duy nhất mà 2 em có thể ăn đó là “ cháo hầm”, ngày hai bữa , mỗi bữa lưng bát con . Đến bữa ăn, mỗi người bế một đứa, chạy góc nọ, góc kia, chạy khắp xóm , nhiều khi phải đè ngửa ra mà cho ăn. “Những lúc không chịu ăn, các cháu nhổ, phì cả cháo ra mặt bố mẹ, hất đổ cả bát”…Bữa ăn hàng ngày thôi cũng phải đánh vật cả tiếng đồng hồ.

Không công ăn, việc làm, không nghề phụ, không thể đi làm xa…tất cả chi tiêu trông ngóng vào mấy sào ruộng, con gà, con lợn nuôi được. “Nếu không có anh em bạn bè giúp đỡ chắc không thể nuôi nổi hai đứa”… Vậy nhưng chung quanh hàng xóm không ai thấy anh chị kêu ca, than thở bao giờ… “âu cũng là số phận cả”.

Chia tay anh chị chúng tôi cứ mãi băn khoăn khi nghe câu nói của người mẹ đã khóc hết nước mắt vì hai đứa con mình “Bây giờ mình còn khỏe mạnh, còn ông bà giúp đỡ còn vậy…sau này không còn ai nữa biết trông cậy vào ai.” Ngày mai rồi sẽ ra sao “ơn trời con đừng lớn…”.


Vũ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm