Olympic mùa Đông - Sochi 2014: Olympic của giá trị gia đình

19/02/2014 16:56 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Từ cặp song sinh người Hà Lan của đội trượt băng tốc độ, anh em người Áo ở môn trượt băng nằm ngửa, đến những cặp anh chị em ở môn trượt tuyết bắn súng… đã cho thấy: Thế vận hội mùa Đông năm nay trở thành nơi tôn vinh giá trị gia đình.

Giấc mơ về việc giành trọn bộ huy chương của ba chị em gái nhà Dufour-Lapointe đã không thành khi người chị cả Maxime chỉ đứng thứ 12. Tuy nhiên việc Justine và Chloe cùng có mặt trên bục nhận giải cũng là một thành tích tuyệt vời với gia đình họ. Justine, cô em út đã giành điểm số cao nhất và thừa nhận rằng thật thú vị khi đánh bại các bà chị của mình.

Cuộc cạnh tranh của những người một nhà

Ba cô gái nhà Dufour-Lapointe không phải là “gia đình” duy nhất tại Thế vận hội 2014. VĐV trượt băng vòng tròn tính điểm Park Se-Yeong của Hàn Quốc cũng đang thi đấu tại Sochi bên cạnh hai cô chị, Park Seung-Hi (VĐV trượt băng vòng tròn tính điểm) và Park Seung-Ju (VĐV trượt băng tốc độ). Ba cô gái đến từ Thụy Sỹ: Selina, Elisa, Aita đều mang họ Gasparin và cạnh tranh ở môn trượt tuyết bắn súng. Ở nội dung này, còn có 7 cặp anh chị em cùng một nhà tranh tài.

Cặp song sinh người Hà Lan Michel Mulder và Ronald Mulder đã giành HCV và HCĐ ở môn trượt băng tốc độ chặng 500m dành cho nam. “Tất nhiên, kịch bản hoàn hảo là tôi sẽ giành HCV, còn em trai tôi sẽ xếp sau tôi. Nhưng tôi thực sự hạnh phúc khi được đứng trên bục nhận huy chương” – Ronald nói.

Hai VĐV trượt tuyết hỗn hợp của Mỹ là Bryan và Taylor Fletcher cũng thừa nhận rằng luôn có sự ganh đua trong các cuộc thi nhưng họ coi đó là động lực để cả hai cùng phát triển khả năng. “Chúng tôi ủng hộ cho nhau, làm việc cùng nhau và cố gắng giành được thành tích cao nhất cho cả hai thay vì một người thành công còn người kia thất bại” - người anh Bryan bộc bạch.

Sự thấu hiểu của tình anh em

Nhưng không phải môn thi đấu nào tại Thế vận hội cũng là cuộc cạnh tranh của các cá nhân. Môn trượt băng nằm ngửa đôi đòi hỏi sự thấu hiểu gần như thần giao cách cảm giữa hai đồng đội. Môn thi này cần sự đồng bộ tới từng chi tiết và sự tin tưởng lẫn nhau của hai người tham gia, bởi chỉ cần một giây sai sót cũng có thể dẫn đến tai nạn. Thế nên chẳng ngạc nhiên khi có nhiều đội với thành viên là những anh chị em ruột và những đội đó thường có được thành công.

Cặp anh em người Áo Andreas và Wolfgang Linger từng vô địch Thế vận hội Vancouver cách đây 4 năm. Tại Sochi, họ giành HCB. Đoàn thể thao Latvia cũng xem xét đến tình huynh đệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa họ để sản xuất “công thức” đoạt huy chương Andris và Juris Sics, những người rời Sochi 2014 với 2 HCĐ.

Không chỉ có tình anh em, Sochi 2014 còn đánh dấu sự hiện diện của các thế hệ trong gia đình. VĐV trượt băng nằm ngửa kỳ cựu của Nga, Albert Demchenko, người giành HCB ở nội dung cá nhân tại Sochi ở kỳ Thế vận hội thứ 7 trong sự nghiệp, đã kỳ vọng sẽ được cạnh tranh với con gái Viktoria nhưng tiếc rằng cô gái 18 tuổi này đã không vượt qua được vòng đấu loại. Đội khúc côn cầu trên băng của Slovenia tại Sochi cũng thể hiện tình cha con giữa HLV trưởng Matjaz Kopitar và con trai Anze.

Tuy vậy, cá nhân ông Kopitar cho rằng không quan trọng ai là anh em, ai là cha con. Điều cần thiết là phải làm cho cả đội tuyển cảm thấy rằng họ đang thi đấu bên những người một nhà.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm