NSND Như Quỳnh: Nếp nhà Tràng An

10/02/2010 20:43 GMT+7 | Người Hà Nội

 May thay phong thái thanh lịch, đơn sơ nhưng trang nhã, lối sống trọng về nề nếp và thẩm mỹ của người Tràng An vẫn được lưu giữ ở trong những mái ấm của nhiều gia đình Hà Nội gốc.

 
Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – NSND Như Quỳnh có một nếp nhà như thế.

Như Quỳnh là ái nữ của hai nghệ sĩ Tiêu Lang- Kim Xuân, cặp tài tử lừng lẫy một thời của sân khấu cải lương phía Bắc. Kim Xuân, cô đào thương của đoàn cải lương Kim Chung (tiền thân của đoàn Chuông Vàng Hà Nội) như được dành riêng để thể hiện các vai nữ hồng nhan bạc mệnh, và là nữ diễn viên đầu tiên thủ vai Thúy Kiều trên sân khấu kịch hát, và, gần một thế kỷ trôi qua, không ai cạnh tranh được với bà danh hiệu “nàng Kiều khả ái nhất”.

Chủ đoàn cải lương Kim Chung có người em trai tên Tiêu Lang, tướng mạo tuấn tú, đàn hay ca ngọt, thường đệm đàn cho Kim Xuân hát. Rồi họ đóng cặp với nhau, với cách diễn giản dị, xúc động và đầy thuyết phục, những vở ca kịch “Đời cô Lựu”, “Trinh nữ Xuân Hương”, “nàng tiên Mẫu Đơn”, đặc biệt là “Kim Trọng- Thúy Kiều”... đã đưa tên tuổi Tiêu Lang- Kim Xuân thành cặp nghệ sĩ nức tiếng.

Như Quỳnh giống mẹ như hai giọt nước. Trước khi đến với điện ảnh, Như Quỳnh là diễn viên cải lương. Dường như duyên nghiệp, vai đầu tiên của Quỳnh là Thúy Kiều- vai diễn mà cách đấy hàng chục năm mẹ cô đã diễn.

Hà Nội thời thuộc Pháp có hiệu vải "Tam Kỳ" nổi tiếng khắp Bắc-Trung- Nam, chủ yếu buôn lụa Hà Đông, rất có uy tín trong giới thầu vải. Ông chủ Tam Kỳ là Nguyễn Hữu Nhâm – một nhà tư sản yêu nước của Hà Nội. Ông bà Tam Kỳ có 10 người con thành danh ở các ngành nghề nhưng các con trai không ai nối nghiệp thương gia mà đều theo nghệ thuật, như: đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, NSND- nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

Trong kháng chiến, ông bà Tam Kỳ từng nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà, may cả kho quần áo tặng bộ đội Nam tiến. Khi Chính phủ non trẻ kêu gọi sự hiệp lực của các nhà tư sản trong Tuần Lễ Vàng – ông bà đã hiến hơn 300 ký vàng đóng góp cho công quỹ quốc gia. Sau này ông bà đã được Chính phủ ghi nhận là “Có công với nước”. Thời gian trôi, bây giờ cái tên ông chủ Tam Kỳ chỉ còn sống trong ký ức của những người Hà Nội xưa.

Đám cưới của Hữu Bảo-“cậu công tử út” nhà Tam Kỳ và Như Quỳnh- giai nhân phố cổ khiến Hà Nội xôn xao một thời. Nếu hôn nhân của giới nghệ sĩ thường khiến người ta nghi ngại về sự an toàn thì Hữu Bảo- Như Quỳnh lại bên nhau yên ả và bền bỉ. Họ cùng trải qua những ngày vất vả hay an nhàn với một phong thái sống thư thả, khiêm nhường, đồng thời không kém phần tinh tế được thụ hưởng từ nề nếp gia phong hai gia đình Hà Nội gốc.

Tổ ấm của Như Quỳnh nằm trong một phần nhà 48 Hàng Đào, trước kia vốn thuộc gia sản của cụ Nguyễn Hữu Nhâm. Nếu không bận đóng phim, Như Quỳnh chỉ ở nhà, chăm chút bữa cơm cho chồng con, thư giãn bằng việc đọc sách và xem phim một mình. Là người của công chúng, nhưng Như Quỳnh lại không hợp với đám đông. Chị ưa cách sống kín đáo, khiêm nhường của những người phụ nữ Hà Nội cũ. Chính nhan sắc uể oải mà thanh khiết, nét đẹp sang trọng và bí ẩn mang đậm tinh thần Á Đông, đã khiến Như Quỳnh trở thành lựa chọn số một cho những đạo diễn từ nước ngoài muốn tìm một gương mặt rất Việt Nam. Có người nói rằng, nhan sắc của Như Quỳnh ám ảnh, bởi ẩn phía sau là chiều sâu văn hóa của tâm hồn Hà Nội.

Thế nhưng bây giờ khi đi đóng phim, chị vẫn dậy từ 5h sáng để hóa trang, và một ngày lao động nặng nhọc có thể kết thúc khi đã 22h tối. Ở độ tuổi này của chị mà có một Đạo diễn trẻ viết riêng cho mình một film vai chính là hầu như không có. Chị vẫn luôn hy vọng vài năm tới Điện ảnh sẽ trở lại rực rỡ như một thời đã có.

Nếu Như Quỳnh có phong thái nhu thuận, có phần khép mình, thì Hữu Bảo lại ưa ngao du và rong chơi. Yêu Hà Nội theo cách hơi “bảo thủ”, nhà nhiếp ảnh này đã từng thú nhận mình khó thích ứng với một Hà Nội đang thay đổi từng ngày: “Đi ra đường tôi ngơ ngác như một người nhà quê, lạ lẫm vì những gì thấy không giống với hình dung của mình. Có lẽ tôi phải nhìn Hà Nội khoan dung hơn? Nhưng tôi lại có nỗi sợ rằng nếu thích nghi thì tình yêu của tôi với Hà Nội không còn nguyên vẹn”. Nhiều năm nay Hữu Bảo lặng lẽ chụp những vết tích có thể còn lại, có thể bị mất đi hoặc biến dạng về Hà Nội của anh.

Như Quỳnh có 2 con gái: Đan Huyền và Đan Khuê nhan sắc hứa hẹn sẽ rực rỡ có phần hơn mẹ. Hai cô gái trẻ được bố mẹ tập cho từ bé không có ảo tưởng về “gia đình toàn người nổi tiếng” mà mình sinh ra. Mẹ giản dị không xâu hoa tai nên các con cũng không xâu, không sơn móng tay, càng không xăm trổ.Cô chị cả Đan Huyền có một vẻ đẹp lạ lùng, rất xi-nê, từng được nhiều đạo diễn nước ngoài đến VN làm phim lựa chọn. Nhưng Đan Huyền từ chối tất cả các cơ hội “một bước thành sao” đến với mình, cô thích nghề báo và muốn trở thành một cây bút bản lĩnh. Hiện Đan Huyền đang du học ngành báo chí tại Trung Quốc. Bé Đan Khuê cá tính, khoáng đạt và cởi mở, cô bé thường được mẹ “nắn” để giữ khuôn nếp tế nhị, nhẹ nhàng của con gái Hà Nội.

Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đạt đến hạnh phúc và ấm cúng. Giữ nếp kính trên nhường dưới, có chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau không ai to tiếng, cư xử nhã nhặn, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, sống giản dị mà thanh nhã, trọng thị bạn bè, chăm chút cái ăn- cái mặc - không gian sống của mình, coi trọng giá trị đời sống tinh thần làm thước đo chất lượng sống... Những “căn cốt” ấy truyền từ thời cha mẹ hợp duyên nhau, được duy trì đến đời sau như “của để dành” cho con cháu. Bằng phong thái sống, họ đang lưu giữ tinh thần Hà Nội dưới mái ấm gia đình mình.

Khiết Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm