Nhà văn Tô Hoài: một đời viết không ngừng nghỉ

28/02/2010 20:28 GMT+7 | Người Hà Nội

Bây giờ dù mắt Tô Hoài đã không còn tinh tường, muốn xem tin tức phải có người đọc báo giúp, chân tay ông làm mọi việc đều khó khăn, nhưng tết này vẫn viết được hai bài báo. Trước đây ông chỉ viết trong một ngày, nhưng giờ đây để có hai bài báo chưa đầy 3000 chữ ông phải viết nó trong cả tháng. Nhưng ông ấy hoan hỉ lắm, bà Cúc kể.

Người phụ nữ đài các Nguyễn Thị Cúc thưở xưa giờ vẫn đẹp. Bà kể rằng, khi nhìn thấy Tô Hoài lần đầu tiên trong dịp ông về nhà cùng với anh trai mình, bà đã nhận thấy sự khác thường của người thanh niên ấy. Nhìn đôi dép cao su mòn vẹt làm bà tin ngay lời anh trai kể, ông ấy đã đi bộ nhiều năm từ nhà lên trường ở phố Hàng Than để học. “Anh ấy chỉ mặc một bộ đồ cũ kỹ duy nhất ấy trong nhiều lần đến nhà tôi”. Và cô gái lãng mạn thích thơ và hay đọc truyện ấy hiểu rằng, người đàn ông này có chí, nhất định sẽ làm nên sự nghiệp.

Ngày quen nhau Tô Hoài đã có Dế mèn phiêu lưu ký, bà Cúc kể. Nhưng ngày đó văn chương của ông chưa nổi tiếng như thời sau này. Tuy nhiên có một điều bà Tô Hoài lấy làm ngạc nhiên là từ ngày gặp nhau cho đến cả những ngày tháng nằm trên giường bệnh, ông chưa bao giờ ngừng viết. Bà luôn thấy ông viết khi tác phẩm được hân hoan chào đón, cả khi nhà xuất bản trả lại bản in, cả khi dư luận lên tiếng. Mỗi ngày ông đều cầm bút và tập bản thảo của ông cứ dày theo thời gian.  Ngay cả khi những trận bút chiến nảy lửa về tác phẩm của mình diễn ra ở trên khắp mặt báo, Tô Hoài cũng vẫn lẳng lặng ngồi vào bàn và tiếp tục viết. Đối với Tô Hoài viết là việc cần phải làm mỗi ngày, cho dù ông không nhớ tất cả các tác phẩm và những câu chuyện mình đã kể.
Về những người bạn trong cuộc đời của Tô Hoài, bà Cúc cho biết, trong cuộc đời của ông có nhiều bè bạn, bà không nhớ hết tên những người bạn đã đến thăm ông. Bà cũng tin người như ông thì hiếm người ghét. Nhưng có một người bạn từ thưở hàn vi của ông mà bà không bao giờ quên đó là Vũ Ngọc Phan. Bà Cúc bảo: “cách mà ông ấy giúp cho chồng tôi một cái cần câu thay vì cho một con cá là cách ông Phan giúp cho Tô Hoài luôn vững một niềm tin để viết”. Chính vì thế cho đến bây giờ những người con của ông Phan như Vũ Tuyên Hoàng, Giáng Hương đều coi gia đình Tô Hoài như những người thân, bà Cúc kể.

Tô Hoài tính tình lành lắm. Sự lành hiền mà theo bà Cúc thường mang theo đi của vợ con ông nhiều cơ hội tốt. Bà Cúc kể, cái nhà ở Đoàn Nhữ Hải ông có được bây giờ là nhờ bạn, nhà ở Nghĩa Đô cũng do một người giúp đỡ tận tình mà có. Cứ như ông ấy thì không khéo chẳng có nhà để ở.

Cũng vì sự liêm khiết và luôn làm những điều mà mình cho là đúng nên cái thời người ta đi nước ngoài còn là cả niềm mơ ước, có thể làm giàu sau mỗi chuyến đi thì quà ông “Dế mèn” mang về cho vợ chỉ là một xâu ớt cay. Món quà giá trị nhất bà Tô Hoài nhận được từ chồng mà bà vẫn giữ đến giờ là một chiếc áo dài ông mua tặng bà sau một chuyến đi Lào. Tất nhiên bà không giận ông về những điều đó, bởi bà hiểu không có ai hoàn hảo, và cuộc đời bà được ông bù đắp bằng những niềm tin mạnh mẽ hơn.

Tô Hoài đã đi không biết bao nước, đến hầu khắp tất cả các vùng ở Việt Nam. Ông luôn coi những chuyến đi là tiền đề cho việc viết. Ông cho rằng, Cervantes có được Đôn - ki – hô – tê là nhờ làm nghề đi thu thuế khắp đất nước, Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng nhờ những chuyến vể thăm vùng phía Bắc Trung Hoa. Vì thế, cứ rảnh ông lại lên đường. Chính vì quan niệm đó, sau mỗi chuyến đi Tô Hoài đều có sản phẩm. Chuyến lên Tây Bắc 8 tháng năm 1992 ông có Tập truyện Tây Bắc, Ba người khác cũng là sản phẩm sau ba năm làm đội phó phụ trách tòa án thời cải cách ruộng đất ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình.

"Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài đã làm sinh động tâm hồn bao nhiêu thế hệ trẻ thơ của Việt Nam. Ông viết được tác phẩm ấy cũng là do đã từng "chơi dế rất khiếp" khi còn nhỏ, ở ven sông Tô Lịch. Ông viết được vì ông hiểu loài dế. Tác phẩm nổi tiếng ấy của ông giờ đã được dịch ra 25 nước và ông vẫn nhận tiền tái bản của NXB Kim Đồng hàng năm, chừng 4 - 5 triệu. Những ngày này, khi chúng tôi đến thăm, ông đương viết tác phẩm cho thiếu nhi: "Hoa râm bụt - hoa hồng bụt". Ông nói, râm bụt là tả lá, "rậm rạp" - theo cách giải thích của cụ Nguyễn Lân, còn người Nghĩa Đô gọi loài cây này theo hoa, là cây hồng bụt. Ông nói, Cụ Hồ quý loài hoa này lắm, vì quê Cụ có rất nhiều. Cụ Hồ cho trồng nhiều râm bụt quanh nơi ở, "vì thèm nhớ quê hương". Về cuối đời, Tô Hoài nói ông học Tolstoy, lại trở về viết cho trẻ em, viết cho tâm hồn còn trắng như tờ giấy của chúng.

1.000 năm Thăng Long, Tô Hoài cộng tác với nhiều NXB và sẽ cho ra mắt hàng loạt tác phẩm trong thời gian tới, như "Nhà Chử", "Quê nhà - quê người", "Miếu Đồng Cổ"... Còn NXB Kim Đồng vừa mới cho ra mắt tập "Chuyện ngày xưa" của ông, tinh tuyển 100 truyện cổ tích tuyệt vời nhất mà chính Tô Hoài yêu mến và muốn kể lại cho trẻ em nghe. Ông nói, ông đã viết chúng bằng thứ ngôn ngữ đẹp như thơ. Về Tấm Cám, ông bỏ đi chi tiết Tấm ướp mắm Cám; về Mỵ Châu - Trọng Thủy, ông lược đi chi tiết vua Thục chém con gái khi giặc đuổi đến gần mà cả hai cha con đều nhảy xuống biển quyên sinh... Ông muốn viết lại những câu chuyện cổ tích theo cách của Tô Hoài - người một đời cầm bút.

Giờ đây, ông sống với vợ chồng người con gái làm bác sĩ ở Nghĩa Đô. Ông cùng lúc mắc nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường, bệnh gút nên ở cùng con gái để tiện việc chăm sóc. Việc cầm bút của ông đã khó khăn rất nhiều do tay ông bị run, nhưng những lúc tinh thần minh mẫn là Tô Hoài ấy lại cầm lấy bút. Cuối năm2009 nhà văn phải nhập viện mấy lần, may thay thời gian này ông đã đi lại được chứ không phải ngồi xe lăn. Nhưng trong căn phòng làm việc cửa đóng kín cả ngày vẫn bề bộn giấy tờ trên bàn viết.

Hà Thủy - Thu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm