Nhà quay phim Trần Hùng: Họa sĩ vẽ bằng ánh sáng

12/05/2010 12:03 GMT+7 | Người Hà Nội


Hiện Trần Hùng là đạo diễn hình ảnh của phim Huyền sử thiên đô, 70 tập (KB: Nguyễn Mạnh Tuấn, ĐD: Tất Bình - Phạm Thanh Phong),  một tác phẩm về Lý Công Uẩn nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
1. Nói về cái gốc gia đình mình, Trần Hùng tâm sự: “Gia đình tôi đã sống ở đây 3 - 4 đời nhưng thực lòng tôi chưa dám nhận mình là người Hà Nội gốc. Những kỷ niệm về Hà Nội với tôi là những ngày Tết, ngày giỗ, ở đấy, tôi được gặp những hình ảnh rất riêng về các bác, chú, cô, dì. Đặc biệt, hình ảnh những ông chú mặc áo veste, thắt cà vạt, đi giày mũi nhọn, chải đầu bóng lộn, chuyện trò rôm rả, bàn luận về văn học, hội họa và chơi đàn guitar rất hay. Phải nói rằng những nét hào hoa của các chú, bác, đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Bây giờ khó mà nhìn thấy được những hình ảnh, những nét sinh hoạt như thế. Thỉnh thoảng đi trên đường Hà Nội, tôi lại nhìn thấy một cụ ông chống gậy đi đứng nhưng vẫn đàng hoàng, khoan thai. Phong cách đấy, dáng vẻ đấy… tôi biết ngay là những người Hà Nội cũ còn sót lại”.
Nếu có dịp đi chơi với Trần Hùng ở Hà Nội thì mới thấy được hết sự lọ mọ kiểu “ma xó” của nhà quay phim này. Trần Hùng không nhận mình biết hết và biết đủ về nơi này, cũng chẳng mấy khi nói về cái biết của mình, anh thuộc típ người nhỏ nhẹ, vui tính và kín đáo. Nhưng khi anh chọn một quán vỉa hè để ngồi, một quán để ăn… thì sẽ “hiện nguyên hình” sự tinh tế của một người từng trải. Tại Hà Nội, Trần Hùng là một “tổng đài” văn hóa với những ai ở xa, đặc biệt với các phóng viên còn ít kinh nghiệm, muốn biết gì thì gọi hỏi anh, nếu biết thì y như rằng sẽ được hướng dẫn chu đáo, thậm chí dẫn đến từng ngóc ngách, gặp từng chứng nhân để tìm hiểu thêm.
“Thực ra tôi là thằng nghệ sĩ lang thang khắp chốn cùng nơi để nhìn về Hà Nội và nhận diện ra nơi mình đã sinh ra. Có lẽ phải ở rất xa thì mới thấm được cái nhớ da diết từng gốc cây, từng góc phố, những quán nước chè vỉa hè với bà hàng nước răng đen quấn khăn, những món quà quê bình dị, đậm đà. Muốn biết hay thật hiểu về đất và con người Hà Nội, bạn không thể không sống thật lâu, chiêm nghiệm, gắn bó với nó. Hà Nội không phải là ở quán nước, quán nhậu, ngoài đường phố, mà là cái gì đó ẩn sâu trong từng căn nhà, góc phố. Phải đi vào trong mới thấy hết được...”, Trần Hùng khẳng định.
2. Trần Hùng, sinh 1957 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Từng quay các phim truyện nhựa: Thiếu phụ chưa chồng (ĐD: Vũ Châu), Thời xa vắng (ĐD: Hồ Quang Minh), Chuyện của Pao (ĐD: Ngô Quang Hải), Hải quỳ (ĐD: Nguyễn Thế Vĩnh)…; các phim truyện video: Sống mãi với thủ đô (ĐD: Lê Đức Tiến), Sóng ở đáy sông (ĐD: Lê Đức Tiến), Chim phí bay về cội nguồn (ĐD: Đặng Lưu Việt Bảo), Lửa đáy hồ (ĐD: Châu Huế)…; và khoảng 300 tập phim truyền hình. Trần Hùng nhận giải quay phim của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003 và 2004.
"Cho tôi ôm cậu một cái. Tôi đọc được ánh sáng trong phần bóng tối của cậu". Đó là câu nói rất thật của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh (một người khá kiệm lời, không dễ tính khi khen ai bao giờ) nói với nhà quay phim Trần Hùng ngay sau khi ông vừa xem xong những cảnh quay của Thời xa vắng.
Trần Hùng hơi nghênh ngang, lãng tử một cách hiền lành; xởi lởi và đam mê khi nói về duyên nợ cầm máy của mình. Gọi là duyên nợ thật đúng vì năm 1990, chàng quay phim vừa mới ra trường, mới cưới vợ này bị một tai nạn nặng đến nỗi mất trí nhớ trong vòng vài năm. Vậy là sau bao nhiêu năm lăn lóc phụ quay, 5 năm mài quần trên giảng đường Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh, giờ trở lại con số không.
Vậy là vẫn là người của Hãng nhưng chẳng được phân công việc gì cả; sống nhờ vợ; cuộc đời vẫn tươi vui. Ngoài ăn và mặc, vợ vẫn lo được cho thú chơi ảnh. Rồi trí nhớ phục hồi dần dần. Bắt đầu cầm máy quay video để có thêm thu nhập. 10 năm sau, khi ngấp nghé tới phần "đuôi của TS" thì được phân công quay phim Thiếu phụ chưa chồng của đạo diễn Vũ Châu, cũng là vì một lý do khách quan mà tình cờ được thế chỗ người khác. Mà cũng đâu có nhiều phim nhựa để làm. Đã được phân công một phim rồi thì ngồi chơi vài năm đã, để dành lượt cho người khác.
Đạo diễn Hồ Quang Minh vốn rất khó tính mời Hùng quay phim với một câu nói hết sức đơn giản: "Anh tạo điều kiện để Hùng chơi với nghề cho tới bến luôn". Vậy là bao nhiêu năm chơi với nhau, cùng say mê nói về quan niệm sáng tác, cùng bàn kịch bản, cấu trúc phim, cảnh quay, cách thức thể hiện..., thế là cũng chẳng phải công cốc khi đạo diễn Hồ Quang Minh biết chắc Trần Hùng là sự lựa chọn tốt nhất cho phim.
3. Ngoài thú chơi ảnh, Hùng còn "đa mang" chơi thêm đồ cổ và tranh (tất nhiên chưa được coi là có "hạng" ở đất Hà Thành). Chơi ảnh thì đam mê rất nhiều. Giúp ích cho nghề cũng dễ giải thích được. "Nhưng chơi đồ cổ thì giúp được gì?". Hỏi thì Hùng ngúc ngoắc cái đầu: "Giúp được nhiều chứ. Mà cũng chỉ thích chơi đồ cổ VN thôi. Đồ cổ Trung Quốc đẹp tròn trịa, tinh xảo, mịn màng quá, như cô gái đẹp bộc lộ hết mình rồi, chẳng còn gì để nói nữa. Đồ cổ VN thì giản dị, đơn sơ hơn nhưng lại chứa đựng rất nhiều duyên thầm, tình cảm của đất, nước, lửa và quá khứ trong đó. Nó giản dị đến mức dường như còn chất chứa trong đó nhiều điều muốn nói". Cứ tưởng không mấy liên quan nhưng cái "gu" trong chơi đồ cổ cũng chính là cái "gu" trong sáng tác của Hùng.
Hỏi: "Hãy định nghĩa về nghề bằng một câu thật ngắn gọn?". Hùng nói: "Quay phim là họa sĩ vẽ bằng ánh sáng". Vậy là Hùng đã chọn được đường cho mình rồi. Các nhà quay phim khác, người thì mạnh về bố cục, người thì mạnh về đường nét, người khác lại mạnh về góc độ... còn với Hùng thì là ánh sáng. Hùng quan niệm cảnh quay không chỉ là "sáng mặt đặt tên" mà quan trọng nhất phải tải được không khí của từng cảnh quay, không khí ấy lại phải là điểm nhấn ấn tượng trong cả cảm xúc chung. Và với Hùng, "làm việc để tự kiểm tra bản thân chứ không phải để phô diễn bản thân".
Là người dễ tha thứ, nhưng Hùng rất ít bạn thân. Nhiều khi buồn vì sự dối trá của con người, anh tìm đến những món đồ xưa. Hùng tâm sự: “Với một nghệ sĩ, biết nhiều không bao giờ là đủ. Nhiều đêm đi quay về tôi hết sức cô đơn. Những khoảng riêng của mình không ai chia sẻ được, ngay cả vợ con. Có những ngày tôi ngồi hàng giờ nhìn một chiếc bình gốm cổ, nhiều người bảo tôi điên, nhưng cuộc trò chuyện với chiếc bình ấy là lúc tôi chạm được vào biết bao số phận. Cảm giác đỡ mệt mỏi, thanh thản hơn nhiều. Những chiếc bật lửa đã qua tay nhiều người, méo mó, sứt mẻ cũng gợi lại cho tôi bao kỷ niệm.
Lê Thiết Cương, bạn tôi, có nói một câu mà tôi thấy rất đúng: “Bao năm lăn lộn với đồ cổ, tranh pháo của ông chỉ để làm được Thời xa vắng”. Tôi nghĩ chuyện bản sắc, suy cho cùng là tình yêu, là đam mê với cái đẹp của con người mình, dân tộc mình, ẩn giấu trong từng đồ vật, từng lá cây, ngọn cỏ. Đó là một “bảo tàng sống” hiện hữu trong mình, như những người bạn gần gũi, chân thành.
Tôi không bị cái mới hớp hồn, kể cả hàng hiệu. Tôi yêu tất cả những cái gì đã cũ, ở đó có cuộc sống, có bao câu chuyện thú vị. Đồ cổ không cần nhiều tiền mới mua được. Có những vật ít tiền nhưng rất độc đáo, kỳ lạ. Thời gian giống như con người, cứ bào mòn đi những gì hỗn tạp, để những gì còn lại chính là cái đẹp”.

4. Phim Huyền sử thiên đô, 70 tập, được Tất Bình - Phạm Thanh Phong và Trần Hùng phân tích kịch bản, chọn từng góc quay khá công phu từ cuối năm 2009. “Tôi nghĩ mình là người Hà Nội, làm phim thì suốt cả đời rồi, nhưng cơ hội làm phim nhân 1.000 năm là một cơ duyên. Nên khi được đề nghị, tôi đồng ý ngay và bỏ tất cả các dự án khác để trở về Hà Nội chuẩn bị cho phim. Đã 8 tháng qua chúng tôi chuẩn bị và bộ phim thì sắp khởi quay, nhưng cái cảm giác bồi hồi vẫn còn y nguyên. Hy vọng rằng đây sẽ là những đóng góp nhỏ bé của tập thể làm phim vì tình yêu Hà Nội”, Trần Hùng nói.
Phim này, tuy thuộc thể loại cổ trang, mô tả các sự kiện và biến cố lớn trong lịch sử, nhưng dưới góc nhìn của một đạo diễn hình ảnh, Trần Hùng nói rằng anh và đoàn phim sẽ không chọn những đại cảnh, mà sẽ đi vào chi tiết, với những góc máy hẹp. Lý do của việc chọn lựa này, một phần để tránh cho nhà sản xuất mức đầu tư quá lớn, phần còn lại, quan trọng hơn, là để có dịp đi vào những nét riêng về cá tính và đặc trưng của người Hà Nội.
Khi được hỏi, nếu anh có đủ điều kiện để làm một phim về Hà Nội theo ý mình, anh sẽ quay thế nào? Trần Hùng cho biết đó sẽ là phim về văn hóa của người Hà Nội với những hình ảnh có tính so sánh. Theo nhà quay phim này, chỉ những hình ảnh mang tính so sánh về lịch đại và đồng đại thì mới có thể làm bộc lộ được những nét rất riêng của vùng đất và con người nơi đây. Từ sinh hoạt, ngôn từ, ẩm thực… phải nhiều thế hệ mới phủ kín hết được, nó không lộ diện mà ẩn sâu trong mỗi con người đặc trưng của Hà Nội.

Văn Bảy

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm