Nhà ở cho VĐV đỉnh cao: Giấc mơ có thật, nếu...

21/03/2010 07:24 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Lương tháng của VĐV được hưởng mức cao nhất ở TP. HCM (gồm hai khoản chính là chế độ dinh dưỡng 90.000 đồng/ngày và chế độ đẳng cấp 1,1 triệu đồng/tháng) chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Nếu so với giá nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp mà một dự án ở quận 12 đưa ra trước khi chưa công bố căn hộ mẫu là khoảng 600 triệu đồng (với 44m2/căn ở tầng 5), thì VĐV liệu có khả năng mua nhà bằng tiền lương?

Khen thưởng: Điển hình là chính

Ngày 2/10/2008, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã công bố quyết định của UBND TP. Đà Nẵng về việc cấp lô đất 100m2 tại khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ cho Hoàng Anh Tuấn nhờ thành tích huy chương bạc Olympic 2008. Nên nhớ, Hoàng Anh Tuấn sinh trưởng ở Bắc Ninh và chỉ đầu quân cho đội cử tạ Đà Nẵng từ năm 2007. Sau khi lập kỷ lục Đông Nam Á ở giải điền kinh Thái Lan mở rộng năm 2005 với thành tích 1m94, VĐV nhảy cao Bùi Thị Nhung được Hải Phòng khen thưởng một lô đất có diện tích 140m2  thuộc khu đô thị mới, cách thành phố chỉ 1km và miễn thu tiền sử dụng đất. Trước đó, Trần Hiếu Ngân cũng được Phú Yên cấp đất khi là đem về HCB Olympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Sidney 2000.



    Gia đình Thanh An ở nhà riêng do UBND TP. HCM cho thuê với giá ưu đãi. Ảnh: Oanh Vàng.

Trên đây chỉ là vài trường hợp hiếm hoi tưởng thưởng cho những thành tích đi vào lịch sử thể thao nước nhà chứ thực tế đời sống VĐV hầu hết đều éo le. Từ năm 2004-2006, dư luận vẫn chưa quên những “nữ hoàng điền kinh” Khánh Hòa như Khánh Đoan, Trúc Vân, Thu Lan, khi lập gia đình và giã từ nghiệp VĐV thì vợ chồng, con cái đều phải gói ghém ở tạm trong căn phòng thời VĐV chưa được 10m2 hoặc ở nhà kho của Sở VH-TT-DL Khánh Hòa - mà đó cũng là một dạng ưu tiên, và tạo điều kiện trong khuôn khổ ngành TDTT chứ không phải VĐV nào cũng được vậy. Xa xưa hơn, lực sĩ thể hình đầu tiên đoạt chức vô địch châu Á Lý Đức kết hôn năm 1998, rồi phải ở nhờ trong căn phòng 3x3m của CLB Nguyễn Bỉnh Khiêm (thuộc Trung tâm TDTT quận 1), đến khi vợ anh sắp sinh con đầu lòng thì UBND TP. HCM giải quyết cho thuê nhà chung cư đường Bùi Hữu Nghĩa (quận 5) với giá ưu đãi (100.000 đ/tháng) vào năm 2000, và cho hóa giá nhà vào năm 2001.

Nỗ lực nhưng chỉ là bất chợt


Một lần thăm nhà VĐV Mai Hoàng Mỹ Trang, Giám đốc Sở TDTT TP. HCM Nguyễn Hoàng Năng bất ngờ trước cái cảnh gia đình Mỹ Trang sống trong căn phòng chưa đầy 7m2, trần cao khoảng 1,2m. Điều này thôi thúc ông Năng tìm đến bạn bè ở tổng công ty Địa ốc Sài Gòn nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho những người trực tiếp làm nên thành tích thể thao của TP. HCM. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, hai bên xúc tiến mọi việc liên quan để tiến hành ký kết về hỗ trợ nhà cho VĐV, HLV và CB-CNVC ngành TDTT gặp khó khăn theo hướng: Đợt đầu bán trả góp với giá ưu đãi 10 căn hộ chung cư cho HLV, VĐV.

Cuối tháng 3/2005, Ban giám đốc Sở TDTT TP. HCM nhận được đơn xin hỗ trợ của 10 trường hợp, gồm 8 VĐV: gia đình cố VĐV Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), Mai Hoàng Mỹ Trang (bóng bàn), Trương Minh Sang (TDDC), Hoàng Thị Hải Bình và Trềnh A Sáng (đều ở cờ tướng), anh em Lê Quan Khang và Lê Minh Triều (đá cầu), Trần Đình Hòa (billiards), Nguyễn Thị Thanh An (cờ vua); 2 HLV: Lâm Minh Châu (cờ vua), Trần Kim Long (TDDC). Hầu hết trường hợp gửi đơn dịp này đều có hoàn cảnh giống nhau là không có nhà (ở nhờ, ở thuê), hoặc nhà hiện hữu quá chật hẹp (chẳng hạn diện tích từ 10m2 đến 21m2 mà phải nhồi nhét 4-13 nhân khẩu), riêng trường hợp gia đình cố VĐV xe đạp Đỗ Xuân Tâm là được giải quyết theo chế độ chính sách.


Tháng 5/2005, Sở TDTT TP. HCM cũ mời các VĐV, HLV xem  hơn chục căn hộ từ lầu 1- lầu 7 ở lô C, khu chung cư 336/24 Nguyễn Văn Luông, quận 6. Căn cứ vào phương thức thanh toán là đưa trước 60% giá bán khi được giao nhà, và trả góp 40% (với ngân hàng do tổng công ty chỉ định) còn lại trong vòng 5 năm, ông Nguyễn Hoàng Năng lại “gõ cửa” Quỹ phát triển nhà thành phố để hai bên thống nhất gửi tờ trình cho UBND TP. HCM về việc cho phép quỹ này hỗ trợ cho VĐV, HLV vay tiền mua nhà. Đến ngày 20/6/2005, PCT UBND TP. HCM Nguyễn Văn Đua đã ký văn bản “chấp thuận cho Quỹ phát triển nhà TP giải quyết cho 10 VĐ HLV vay tiền mua nhà trả góp”. Thế nhưng, chỉ có 7 trường hợp tham gia bốc thăm, chọn nhà; 3 trường hợp còn lại đề nghị được vay tiền (tối đa 100 triệu) để sửa nhà cũ, hoặc mua nhà ở nơi khác với giá rẻ hơn vì khó có khả năng thanh toán. Trước hoàn cảnh này, UBND TPHCM đi đến phương thức khác là giải quyết cho thuê 10 căn hộ ở  lầu1, lầu 2 lô B1, chung cư An Sương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12). Các căn hộ này có diện tích trên 50m2/căn, HLV, VĐV chỉ trả hơn 100.000 đ/tháng, tức là khoảng 1/10 chi phí thuê nhà hiện thời của họ nên ai cũng vui mừng. Đến nay, gia đình 10 VĐV, HLV này xem như “an cư, lạc ngiệp”, và họ thường gọi đùa với nhau đó là “chung cư hạnh phúc” khi nhiều gia đình có con đầu lòng, hoặc sinh thêm con khi về đây.


***

Tuy vậy, nỗ lực ngoạn mục vừa nêu của ngành TDTT TP. HCM cũng là chuyện mới xảy ra lần đầu. Nói cách khác, chuyện cấp đất, tạo điều kiện vể nhà ở cho VĐV còn tùy thuộc vào sự quan tâm tùy-từng-lúc của lãnh đạo các cấp chứ chưa hình thành chủ trương, chính sách chung về mặt xã hội. Còn nhớ, cuối năm 2005, khi họp duyệt kế hoạch năm 2006 trước PCT UBND TPHCM, Sở TDTT TP. HCM cũ bắt đầu đề xuất chế độ “vượt khung” là tặng nhà cho VĐV có thành tích châu lục, thế giới, Olympic, nhằm tạo đòn bẩy khích lệ sự đột biến thành tích đỉnh cao. Sau đó, đề xuất này tiếp tục được ngành TDTT TP. HCM lặp lại ở tất cả những lần họp, tiếp xúc với lãnh đạo UBND và HĐND TP. HCM từ ấy đến nay, cuối cùng vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.


Ngọc Doanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm