Nguyễn Mạnh Hùng: “Phù thủy" hoa nghệ thuật

04/05/2010 12:46 GMT+7 | Người Hà Nội

Hoa trở thành một nhu cầu không mang tính thực dụng, mà như một món ăn tinh thần đã mắt, đã tâm không thể thiếu của người Hà Nội. Nhưng không phải yêu hoa đã là người biết chơi hoa, thưởng hoa, nhất là lại biến thú chơi ấy mang tầm nghệ thuật như Nguyễn Mạnh Hùng, người được mệnh danh “phù thủy làm hoa nghệ thuật” số 5 Hàng Da thì quả không hề dễ.

1. Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1970), từ nhỏ đã được cụ Hoàng Thị Ðào – cố nghệ nhân chuyên làm hoa giấy “mớm nghề” bằng những câu chuyện về thú chơi hoa của người Hà Nội. Nào là, từ đời Lý, (thế kỷ XI), quanh Thăng Long đã có mấy làng trồng hoa để phục vụ cho nhu cầu trong kinh thành mà tên đất tên làng còn ghi dấu đến ngày nay: Yên Hoa nay là làng Võng Thị (gần Bưởi); Nghi Tàm gần Hồ Tây; rồi các tên như Hồng Mai, Hoàng Mai, Tương Mai còn gọi là Kẻ Mơ cũng là đất hoa xưa. Xa hơn là Tây Hồ, Quảng Bá, Hữu Tiệp, Đại Yên nối tiếp nhau thành đất hoa cùng với dinh đào Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân), tạo thành một vành đai hoa xung quanh chốn kinh kỳ.

Các triều đại Lý, Trần, Lê đều xây dựng những vườn hoa đẹp trong kinh thành Thăng Long dành riêng cho vua chúa. Sử cũ còn ghi tên nhiều vườn hoa nổi tiếng ở thời Lý như vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh, vườn Xuân Quang, vườn Thương Lâm...

Giờ đây đất trồng hoa Hà Nội vẫn còn nhưng đă bị thu hẹp dần do sự đô thị hóa. Nhưng thú chơi hoa - một nét văn hóa trong đời sống của người dân thủ đô không có nhiều thay đổi. Nét văn hóa ấy không và chưa chắc phải là do “di truyền” từ thế hệ trước tiếp đến thế hệ sau mà có lẽ chỉ là một thói quen trong thưởng thức cái đẹp hàng ngày của người Hà Nội từ bao đời. Không biết hoa từ đâu đồ về trung tâm thành phố Hà Nội mà nhiều đến thế?! Hoa nở trên cây, hoa cài trên áo, hoa dạo trên đường, hoa e ấp, vô thường trên ban công, phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ và đặc biệt là phòng khách. Lúc nào hoa cũng tỏa hương, khoe sắc…

2. Với người Hà Nội, thưởng hoa là một nhu cầu không thể thiếu. Nhu cầu ấy, đôi khi trở nên “trầm trọng” đến mức đặt hoa cao hơn cả lợi ích kinh tế, sẵn lòng vì hoa mà bỏ ra một khoản tiền đáng kể trong thu nhập của mình.

Là một người Hà Nội gốc, Hùng bén duyên với hoa và đối xử với hoa bằng nghệ thuật khi mới 14, 15 tuổi. Hằng ngày, Hùng đi học một buổi, còn một buổi đến của hàng của cụ Hoàng Thị Ðào phụ giúp cụ làm những việc vặt như cắt dây thép, nhuộm mầu, vê cành ... Dưới sự hướng dẫn của cụ, dần dần đôi tay “đàn ông” của Hùng đã uyển chuyển, bắt những bông hoa được làm từ giấy can, giấy pơ-luya mịn màng, đẹp đẽ, hay nói như ngôn ngữ bây giờ “chuẩn không cần chỉnh”.Và dường như, cả tính cách con người cũng có phần uyển chuyển hơn. Xưa Hùng nghịch ngợm, bướng bỉnh. Giờ lành như một cánh hoa cắm trong những suy nghĩ về cái đẹp, và hành trình đi tìm cái đẹp. Chính anh, nhiều khi cũng ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của mình. Bởi lẽ, nghề hoa giấy, hoa lụa đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì rất cao mà với một người kiên trì nhất nhiều khi cũng nản. Lúc ấy, Hùng lại chỉ là một cậu bé, còn hiếu động, ham chơi, ham vui. Thế nhưng, chính sự tỉ mỉ, nắn nót để tạo ra những bông hoa tinh xảo đã đánh thức đam mê sáng tạo trong anh.

Khởi nghiệp từ hoa giấy, kiêm hoa lụa, bản thân Hung cũng ngỡ tưởng cả đời sẽ chỉ làm hoa giấy, hoa lụa, nhưng đến những năm 90, hoa giả Trung Quốc được nhập về ồ ạt, vừa “đồng bóng” vừa rẻ tiền nên được nhiều người ưa chuộng. Hoa giấy, hoa lụa Hà Thành vì thế bị lép vế, thua ngay trên sân nhà. Khi đó, Hùng có học thêm cắm hoa nghệ thuật theo phong cách Ikabana của người Nhật và quyết định chuyển qua làm hoa tươi. Thêm một lần thay đổi nhưng lại khiến Hùng bị cuốn sâu hơn vào thế giới của những loài hoa. Mỗi sớm mai, Hùng thức dậy cùng hoa, choàng lên hoa những bộ cánh của sự sáng tạo nhằm đạt đến cái đẹp mới cho hoa, cái đòi hỏi phải được ngắm đã đời của người thưởng thức. Nhiều đêm, Hà Nội đã đằm yên trong giấc ngủ nhưng Hùng vẫn cắm cúi trên căn gác nhỏ sát nách chợ Hàng Da với những ý tưởng tạo hình mới…

Gia đình anh cũng chuyển hướng sang làm hoa tươi chuyên cung cấp hoa tươi cho các đại sứ quán, nhà hàng, khách sạn nước ngoài, cho đám cưới, lễ hội... Kinh nghiệm của Hùng rút ra là ngoài sự kiên trì còn là sự tự ý thức nâng tầm nghệ thuật cho hoa. Mà nghệ thuật ở đây là nghệ thuật trình diễn hơn là cắm chơi thông thường. Hùng còn ví nghệ thuật trình diễn ấy như làm dâu trăm họ. Người con dâu ấy phải hội đủ tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”: “Công trong nghệ thuật cắm hóa chính là sự ưa nhìn đối với tác phẩm mình làm ra. Tác phẩm ấy phải đẹp (Dung), hàm ẩn một ý nghĩa nào đó với người thưởng thức (ngôn) và thể hiện được cái chất con người – tác giả của tác phẩm đó (hạnh)…” - Hùng giải thích.

3. Gần ba mươi năm nay Hùng vẫn làm “tròn phận dâu con” với thiên hạ. Các mẫu thiết kế hoa của anh ngày càng được ưa thích và đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

Có thể sơ qua một vài thành tích của Hùng như: Tác giả của con ong hoa cao 6m năm 2005, con rồng hoa dài 12m tại Festival hoa Đà Lạt 2007. Mâm lễ 2.000 hoa cúc xanh xếp thành hình đất nước dây lên bàn thờ Quốc tổ tại đền Hùng, dâng đền mẫu Âu Cơ với hai cánh tay ôm lấy trái tim kết bằng 1.000 đóa hồng môn. Hùng cũng chính là người thiết kế bó hồng (hoa cưới) dài 1,6m lượn sóng, có đính những viên pha lê lấp lánh cho “đám cưới triệu đô” giữa chú rể tỉ phú Mỹ và cô dâu triệu phú Nga ở khu resort sang trọng Nam Hải (Hội An) năm 2008. Ngoài ra Nguyễn Mạnh Hùng còn được biết đến với nhiều tác phẩm kết hoa tươi độc đáo, mang đầy tính nghệ thuật như: đôi rồng kết bằng hoa tại Lễ hội phố hoa 2009 Hà Nội, chiếc áo dài bằng hoa đạt kỷ lục tại Lễ hội hoa 2010 Hà Nội … hay gần đây nhất là đôi rồng cao 7m với hơn 60 ngàn bông hoa tại cố đô Hoa Lư mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nhưng đằng sau chuỗi “thành tích” ấy là những nỗi niềm rất con người của một nghệ nhân. Anh tâm sự: “Với mỗi tác phẩm hoa, mình nâng niu từng cánh, từng bông. Nhưng rồi mỗi tác phẩm ấy cũng như một đời hoa. Là hoa tươi nên sớm nở tối tàn. Nâng niu bao nhiêu, tiếc nuối bấy nhiêu sau mỗi lần hội tan, tiệc tàn, đám rã… Mấy chục năn trong nghề, tôi đã cố gắng để xua đi cảm giác ấy nhưng khó quá…”. Cũng chính từ nỗi niềm ấy lại tạo cho Hùng một động lực mới. Dường như, khi người ta đã thành “phù thủy rồi” thì nguồn cảm hứng có thể đến bất cứ lúc nào, từ tất cả mọi vật chung quanh. Không dừng lại ở việc phát triển nghệ thuật cắm hoa, Nguyễn Mạnh Hùng còn có ý tưởng kết hợp nghệ thuật tạo hình cho hoa từ những loại hoa giấy, hoa nhựa, hoa lụa, hoa khô cả các nghệ nhân Việt. Theo anh, đó chính là cách để tôn vinh các sản phẩm hoa Việt vốn mang trong đó cả tinh hoa, tâm hồn và phẩm chất Việt Nam.

Hà Nội bốn mùa hoa, ở đâu cũng có hàng hoa bán, mỗi sáng hoa tươi vẫn ngập quay dù ngày nắng hay ngày mưa. Hoa được chở từ làng hoa Tây Tựu, làng hoa Ngọc Hà hay từ chợ hoa Yên Phụ... Hoa cứ mải miết theo người, người cứ mải miết yêu hoa, hoa và người tô thắm cho nhau. Hoa đối với người bằng hương, bằng sắc. Người đối xử với hoa như với người thân yêu. Trong cái mới vô vàn kiểu cách, ngày càng phong phú, tân kỳ hơn người Hà Nội vẫn dành cho hoa một sự nâng niu đầy văn hóa, hay nói cho đúng hơn là một phong tục tao nhã lâu đời của người Thăng Long - Hà Nội. Trong đó có nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng.

Nguyễn Vũ
Chú thích ảnh:

1 – Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng chuẩn bị tác phẩm

2- Một tác phẩm do nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện tại cố đô Hoa Lư (4/2010)
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm