Nguyễn Đức Minh - chàng trai Hà Nội làm sống dậy nghệ thuật đàn môi

06/04/2010 10:47 GMT+7 | Người Hà Nội

Chỉ bé bằng vài ngón tay chụm lại, được cấu tạo bởi những miếng đồng hay tre mỏng có lưỡi di động, đầu nhọn đó là những chiếc đàn môi. Thoạt nhìn đàn môi trông giống như chiếc kim thêu cỡ lớn, có người còn lầm tưởng là chiếc... phi tiêu. Tuy nhiên, khi người nghệ sĩ đưa chúng lên miệng, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những âm thanh tuyệt diệu phát ra. Đàn môi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, riêng ở Việt Nam có tới 10 loại khác nhau, trong đó loại đàn môi của người Mông  được thế giới đánh giá rất cao. Đàn môi trên thế giới được gọi là  Jew's harp, dịch là: đàn hạc Do Thái.

Trong khi thị trường âm nhạc dân tộc Việt Nam còn đang bỏ ngỏ loại nhạc cụ cũng như âm thanh tuyệt vời của đàn môi thì trên Thế Giới, đàn môi được biết đến không chỉ là thước đo tài năng của những người nghệ sĩ mà còn là một niềm tự hào dân tộc của mỗi Quốc Gia tham dự. 4 năm một lần Festival Đàn môi  Thế giới được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ đến từ các nước. Năm 2006, lần đầu tiên Festival đàn môi Thế Giới đón chào sự xuất hiện của một người nghệ sĩ trẻ đến từ Việt Nam. Bằng tài năng của mình, người nghệ sĩ trẻ tên gọi Nguyễn Đức Minh đã chinh phục Hội đồng nghệ thuật và khán giả.

 Học thổi sáo từ năm lên 5 tuổi, cho đến khi tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội bộ môn sáo trúc,   Nguyễn Đức Minh vẫn chưa có khái niệm gì về đàn môi và âm thanh của loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc này. Phải đến khi Minh gặp và xem một người nghệ sĩ Đức biểu diễn đàn môi, mà lại là đàn môi của Việt Nam, chàng trai Hà Nội - Đức Minh đã bị cuốn hút vào chiếc đàn nhỏ xíu và những âm thanh đầy chất phóng khoáng hoang dã phát ra từ nó.

Bộ sưu tập đàn môi của Minh từ năm 2002 đến nay, đã có trên 20 loại khác nhau. Để có được một bộ đàn môi độc nhất vô nhị như thế, ngoài việc dầy công lặn lội đi tìm  và sưu tập thì sự ủng hộ của gia đình về mặt tài chính đã giúp cho Đức Minh thực hiện được khát khao đam mê khôi phục được nghệ thuật đàn môi của Việt Nam.

Hiểu con không ai bằng cha mẹ. Với Nguyễn Đức Minh thì cha mẹ không chỉ có công dưỡng dục sinh thành ra mình mà cha mẹ còn là mạnh nguồn vun đắp cho anh đến với âm nhạc dân tộc, cho dù, bố mẹ của anh không phải là nghệ sĩ .

Cây sáo trúc mà Minh tự làm khi còn học sáo vẫn được người mẹ gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng của mình. Bởi đó chính là bước thành công ban đầu mà người mẹ đã kỳ vọng ở cậu con trai  cả trong nhà.

Bà Nguyễn Khánh Vân – mẹ của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh cho biết: “Ngày Minh còn nhỏ tôi thường hát ru cho con, không ngờ đến khi cháu vào học nhạc viện lại làm cây sáo trúc tặng tôi và nói, chính âm thanh từ lời ru của mẹ đã giúp con đến với những âm nhạc dân gian truyền thống, và con làm nên cây sáo này để có thể thổi cho mẹ nghe những làn điệu của quê nhà.”

Âm nhạc – quả thực có sự liên kết màu nhiệm khiến cho những con người ở các xa nhau hàng ngàn dặm, không có chung một tiếng nói, một màu da lại tìm được đến với nhau và cùng chia sẻ với nhau những điều mà học biết về âm nhạc dân gian như những người có chung một chí hướng. Nghệ sĩ CLAYMAN – một thành viên của Hiệp hội đàn môi Thế Giới cũng tình cờ gặp Đức Minh trong một diễn đàn về đàn môi trên mạng Internet cũng đã nhận định về nghệ thuật đàn môi ở VN:

“Đàn môi là một loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng ở đất nước tôi.  Không chỉ có tôi, mà bạn bè quốc tế ai cũng say mê đón nhận đàn môi Việt Nam vì chúng có kiểu dáng thật đẹp, lại có khả năng tạo ra những âm thanh cao và rộng chứ không trầm đục như đàn môi châu Âu. Tôi không nghĩ rằng tôi đã dạy Minh về nghệ thuật đàn môi, vì đây là một loại nhạc cụ phổ biến ở  dân tộc các bạn,  nhưng tôi rất vui vì có một người bạn Việt Nam biết và hiểu về đàn môi cũng như cách chơi chúng. Và tôi tin rằngcác bạn sẽ yêu thích đàn môi bởi đây là loại nhạc cụ có khả năng sáng tạo âm thanh đặc biệt.”

Sự gặp gỡ của người bạn phường Tây không chỉ giúp cho Đức Minh chuyển hướng trên con đường sự nghiệp của mình mà nó còn mang đến cho Minh một cơ hội bất ngờ. Đó là việc làm quen, rồi theo học đàn môi của một bậc thầy về đàn môi Thế Giới – Giáo sư Trần Quang Hải – một Việt Kiều hiện đang sinh sống và làm việc tại Paris. Ông cũng là người đã đưa chàng trai Hà Nội đến với Festival đàn môi Thế Giới. Những cơ duyên đó đã giúp chàng trai trẻ chinh phục được hội đồng nghệ thuật, khán giả và nhận giải thưởng nghẹ sĩ trẻ tuổi xuất sắc nhất.  

Sau buổi biểu diễn thành công tại đại hội đàn môi Thế Giới, Đức Minh đã tham gia biểu diễn và làm từ thiện tại một số thành phố lớn của Hà Lan và Đức. Đồng thời tranh thủ thời gian tìm hiểu và ghi lại những nghiên cứu về đàn môi Việt Nam từ những năm 1950 của thế kỷ trước hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo tàng Con Người của Pháp.

 Đã hơn 4 năm kể từ ngày Minh nhận được tấm bằng công nhận nghệ sĩ xuất sắc nhất, Đức Minh đã có nhiều buổi lưu diễn thành công trên khắp Thế giới như: Hà Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Tâp Ban Nha, Ý..v..v. Và ở đâu anh cũng đựoc chào đón nồng nhiệt. Hiện tại Đức Mình đang theo đuổi một  nhiệm vụ mà thầy giáo Trần Quang Hải đã giao phó. Đó là việc đi đến những miền đan tộc Tây Nguyên để tìm hiểu về nghệ thuật đàn môi, những nơi mà người ta chưa tìm đến. Đồng thời viết sách về đàn môi Việt nam để giới thiệu cho các thế hệ trẻ của Việt Nam về đàn môi.

Báo chí gọi anh là chàng mục đồng thành thị, là người duy nhất trong 85 triệu dân Việt Nam tìm hiểu về đàn môi, một hiện tượng của âm nhạc dân tộc v..v., nhưng với nghệ sĩ trẻ Đức Minh thì anh lại cho rằng:  “Tôi chỉ là người đi tìm lại những gì đã có mà bị lãng quên. Tôi chỉ sợ đến khi ta bắt đầu hiểu được giá trị của đàn môi , muốn nghiên cứu đàn môi thì chẳng còn gì để nghiên cứu nữa. Nhiều vùng từng là "đất" của đàn môi, giờ không còn ai chơi được nhạc cụ này. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay việc nghiên cứu và bảo tồn, khi những nghệ nhân cao tuổi không còn nữa, thì những bài bản cổ của loại nhạc cụ này cũng sẽ biến mất vĩnh viễn cùng họ".

Nguyễn Như Hoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm