Người mẹ và nỗi đau da cam

14/05/2009 18:04 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Cả bốn lần sinh nở, là cả bốn lần xé ruột gan của người mẹ tên Bích ở thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội… Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, kết quả người mẹ nhận lại là những đứa con không vẹn người.

Thiên chức làm mẹ không trọn vẹn

Lấy chồng năm 1968, chồng bà là Nguyễn Văn Thư, làm lái xe trong quân đội, vợ chồng không mấy khi được gặp nhau, nên vợ chồng bà Bích luôn muốn có những đứa con cho vui cửa vui nhà những lúc ông Thư không ở nhà. Thế nhưng, số phận ập đến với gia đình bà, khi đứa con đầu lòng Nguyễn Thị Bài ra đời lại khờ khạo, ngu ngơ. Bài không nhận thức được thế giới xung quanh, chỉ ngồi một chỗ và trông chờ vào người mẹ.

Được sự động viên của mọi người, với mong muốn sinh đứa con tiếp theo đề bù đắp phần nào nỗi tủi nhục trong bà, năm 1974 bà sinh đứa con thứ hai, thế nhưng vừa lọt lòng mẹ, đứa bé đã ngừng thở. “Lúc đó tôi chả muốn sống nữa, nhưng nghĩ đến đứa con đang bệnh tật và người chồng và động viên của mọi người nên tôi tiếp tục sống và nuôi con”. Bà Bích nghẹn ngào.

Thời gian sau đó, người con cả cũng bỏ bà ra đi. Lại một mình âm thầm chịu đựng nỗi đau, nhiều người “xấu bụng” xì xào bàn tán, lời ra tiếng vào càng làm lòng người mẹ thắt lại.
 
Hai người con của bà Bích

Điều làm bà day dứt nhất đó chính là chồng và gia đình nhà chồng, “Là vợ mà không sinh được cho chồng những đứa con khoẻ mạnh thì quả thật có tội”. Bà tâm sự.

Bà tiếp tục nhận được sự động viên của mọi người và nhất là không muốn người chồng phải buồn phiền vì gia đình, bà lại “rốn” lần nữa, nào ngờ nỗi đau lại ập xuống gia đình bà khi hai người con tiếp theo sinh ra đều không vẹn người.

Ngày ấy, bà tủi phận và đau đớn lắm, người đàn bà vốn đã khổ lại càng thêm day dứt khi nghe bao lời nọ kia, lành thì ít, tiếng xấu thì nhiều. Không chỉ thế, ngay cả trong gia đình nhà chồng cũng hắt hủi bà. Bà xúc động kể lại: “Lúc đó, mẹ chồng cũng cứ cho rằng tôi có bệnh trong người, nên rất khổ tâm, ngay đến cả tôi cũng còn nghĩ là do mình, nên chỉ biết cắn răng mà chịu đựng”.

Bà vẫn thường nghe những câu nói cay nghiệt của nhà chồng và nhiều người khác, nhất là bà mẹ chồng: “Có mỗi việc sinh con mà cũng không nên, kiếp trước gia đình tôi có ăn ở phụ bạc với ai đâu mà kiếp này toàn những đứa cháu “không ra người”.

Ngay cả khi bà đi khám, và có kết luận là không bị làm sao cả, thì những lời rỉ rói, cay nghiệt vẫn ra rả bên tai, làm bà nhiều khi không còn muốn khóc nữa.

Hai người con “không ra người” của bà Bích hiện đang sống cùng bà là Nguyễn Văn Thu (SN 1975) và  Nguyễn Thị Tĩnh (SN 1983). Nhìn hai người con thơ dại của bà Bích không ai không xúc động. Cậu con trai đã hơn 30 tuổi như đứa trẻ, người con gái cũng đã 25 tuổi cũng chỉ ngồi đó, thân hình quặt quẽo, chân tay co ro, không nói năng. Thỉnh thoảng thấy người con trai nói ra những tiếng: Te..te..te…không rõ nói gì, rồi dùng cái gậy đạp xuống đất, nhoẻn cười một cách vô thức Mỗi khi nhìn con lòng bà Bích lại quặn đau.

Nỗi lòng của bà được vơi bớt phần nào khi mọi người vỡ lẽ biết những đứa con bà bị nhiễm chất độc màu da cam từ người cha, khi ông tham gia những trận đấu ác liệt và ở những cánh rừng không có lá... Thế nhưng nỗi đau bà nhận được là quá lớn. Khi nhìn hai Thu và Tĩnh, nỗi đau, nỗi buồn, nỗi tủi phận lại đeo đẳng và có lẽ nó sẽ đeo đẳng bà đến suốt cuộc đời.

Bà Bích tâm sự: “Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nên với tôi bây giờ, hai đứa con không vẹn người chính là niềm vui, là động lực để tôi sống đến giờ”. Quả thật, người mẹ này đã quá vất vả để nuôi hai người “không biết gì” này. Bênh gai cột sống quái ác làm lưng bà bị còng đến 2/3 người, với đủ thứ bệnh của tuổi 64.

Về già chỉ mong được con phụng dưỡng, nhưng với bà Bích thì lại vẫn đang phải ngày ngày chăm sóc những đứa con ngây ngô của mình. Lưng còng nhưng bà vẫn cõng các con trên lưng để hóng nắng, rồi bón cho con ăn, vệ sinh cá nhân cho con, trông nom giấc ngủ cho con… Nhất là những hôm trái gió trở trời, Tĩnh hay bị ốm, bà lại thức trắng lo cho con. Có đợt, Tĩnh ốm hàng tháng trời, cũng là thời gian mà sức khoẻ của bà mẹ già sa sút đi nhiều, cứ mỗi lần như thế, bà phải thức đêm để trông nom con. Bà xót xa: “Khi sốt rét, chúng nó chân tay run run, bình thường trông đã đáng thương, khi ốm tôi càng thương con hơn”.
 
Con trai bà Bích

Bà kể, có nhiều người bảo bà cho hai con đi trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng bà không đồng ý, bà bảo: “Chẳng ai chăm sóc con được bằng như mẹ. Tôi không đành gửi chúng cho người lạ dẫu họ có tận tình đến mấy, dù con tôi không biết gì, dù tôi đã già!”.

Cho đến bây giờ, khi hỏi về nỗi đau lớn nhất của bà, bà vẫn không khỏi kìm lòng: “Công lao lớn nhất của người phụ nữ là đẻ những đứa con khỏe mạnh cho gia đình nhà chồng, nhất là trong xã hội phong kiến trước đây ở gia đình nông thôn, nhưng tôi không làm được, đây là nỗi day dứt và dằn vặt nhất trong tôi”. Suy nghĩ này cũng buộc bà phải chấp nhận hy sinh thêm lần nữa khi đồng ý cho chồng bà lấy thêm vợ hai.

Cùng… “chia sẻ” chồng

Biết cái số hẩm hiu trong phận làm mẹ, bà đã gắng hết sức để làm phận vợ. Nhìn chồng mà bà không khỏi xót xa, dù bà có cố gắng đến đâu, thì chồng bà cũng không khỏi phiền lòng khi nhìn đứa con. Bà không khỏi cầm lòng khi nghe những lời chua chát từ chồng bà: “Tôi già rồi, nhưng chưa có đứa con nào ra người, chứ đừng nói gì đến con trai khi cần chông cậy về già, bà phải cố gắng cho tôi một đứa con khỏe mạnh để còn bảo ban nó, nhờ vả nó chứ, cứ thế này thì…”. Mỗi lần nghe, bà cố nén nỗi đau, không một lời oán trách, vì điều này hơn ai hết bà rất hiểu, không có gia đình nào lại không muốn có đứa con nối dõi, nhất là gia đình ở nông thôn Việt Nam.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà có một quyết định không hề dễ đối với bất kì một phụ nữ nào - đó là “chung chồng”. Và bà đã đi “tìm vợ cho chồng”, để mong có những đứa con lành lặn.

Đám cưới của chồng năm 1986 với bà hai Duệ được tổ chức, cũng từ đây bà chịu cảnh “chia sẻ chồng” với người đàn bà khác. Người vợ khốn khổ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Nhất là những hôm, ông Thư sang “chung chăn” với bà hai, trong căn nhà vắng lặng, chỉ nghe tiếng rưng rức tủi phận.
 
Mặc dù bị còng lưng nhưng bà vẫn phải làm việc hàng ngày

Thế nhưng, cuộc sống chung chồng của bà cứ thế tiếp diễn cho tới khi ông Thư nằm xuống, đến bây giờ căn nhà vẫn không một tiếng cãi vã.

Bà Bích tâm sự: “Chúng tôi sống rất ôn hoà, người nào việc nấy, giúp đỡ nhau cho cửa nhà ấm êm”, Bà xúc động khi nói về bà hai Duệ: “Cả đời này tôi mang ơn bà hai, nhờ bà mà chúng gia đình chúng tôi có thêm 3 đứa con khoẻ mạnh, đứa đi làm, đứa đang đi học, chúng nó rất ngoan và không bao giờ phân biết với hai đứa con đẻ của tôi. Tôi giờ đã yếu, không làm nổi việc gì, nên tất cả công việc trong nhà đều do một mình bà hai lo”.

Bà hai Duệ cảm kích: “Làm vợ hai nhưng tôi thấy may mắn và hạnh phúc, bà cả rất điềm đạm, nhân hậu, sự hi sinh vất vả của bà cả là quá lớn, bà luôn xem các con tôi như con bà, chưa bao giờ nghe lời nói nặng của bà cả, việc gì bà cũng nhẹ nhàng chỉ bảo đến nơi đến chốn”.

Khi nói về ước muốn lớn nhất, bà chỉ có ước muốn là “Mong nhà nước ho chồng bà là Liệt sỹ để các con của bà hai được hưởng trợ cấp cho bớt khó khăn trong việc học, để các con học hành thành đạt”.

Với riêng bà, bà chỉ muốn hai con bà được mạnh khoẻ, bà vẫn sẽ chăm sóc các con từng ngày đến đâu hay đến đó mà bà chưa hề nghĩ đến sau này sẽ ra sao!

Cứ mỗi lần kể về các con nước mắt bà lại chực trào ra. Dường như đôi mắt đờ đẫn, dáng người mệt mỏi ấy, từ lâu lắm rồi không có một giấc ngủ trọn vẹn.

Ong Lý – Thu Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm