Một nhà 6 cảm tử quân

24/02/2010 18:05 GMT+7 | Người Hà Nội

64 năm về trước, một gia đình ở phố Đồng Xuân – Hà Nội có 3 người con gái (và sau này có thêm 3 chàng rể) đều đã gia nhập cảm tử quân bảo vệ thủ đô.

1. Ba người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Bích Hạnh và Nguyễn Bích Thảo ở nhà  34, 36 Đồng Xuân. Họ đều đã bước qua tuổi xưa nay hiếm từ lâu, bà Nguyễn Bích Hạnh đã mất cách đây 2 năm. Người em gái út, bà Nguyễn Bích Thảo nay cũng đã bước sang tuổi 85, nhưng bà vẫn còn minh mẫn và nhớ rành rẽ mọi chuyện lắm.

Họ sinh ra trong một gia đình gốc gác nhiều đời ở Hà Nội, ông nội là cụ Nguyễn Văn Viễn từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Cha mẹ là các cụ Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Thị Nhung là những người tham gia cống hiến ủng hộ kháng chiến ngay từ những ngày đầu, chính hai ngôi nhà ở phố Đồng Xuân cũng được các cụ hiến cho Nhà nước phục vụ kháng chiến.

 

Chiến sĩ cảm tử quân Nguyễn Bích Thảo thời trẻ
Người đưa ba cô gái “phố Hàng” tham gia cách mạng chính là người anh trai ruột - nhà văn, nhà báo Như Phong, tên thật là Nguyễn Đình Thạc, người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Đoàn thanh niên dân chủ, viết bài cho các báo kêu gọi thanh niên đấu tranh Cách mạng. Năm 1942, ông Như Phong bí mật tham gia thành lập Hội văn hóa cứu quốc và nằm trong Ban chấp hành hội.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông lần lượt làm Chủ nhiệm kiêm Tổng biên tập các báo Cứu quốc khu 12, khu 10, liên khu ba và Cứu quốc Hà Nội. Từ năm 1957, ông làm Trưởng ban văn hóa - văn nghệ của báo Nhân Dân. Năm 1965, ông làm Giám đốc NXB Văn học, Uỷ viên ban thường vụ Hội Nhà văn VN, Uỷ viên đảng đoàn văn nghệ trung ương.

Từ năm 1942, khi mới là thiếu nữ Hà thành tuổi mười tám đôi mươi, bà Bích Thảo và hai người chị đã được anh trai giác ngộ Cách mạng. Năm 1944 bà Thảo tham gia Ban thanh vận thành Hoàng Diệu, vận động thanh thiếu niên tham gia các hội Cứu quốc. 15 ngày trước ngày Tổng Khởi nghĩa 19/8, người anh trai bí mật trở về nhà và bảo các em đi mua vải hai màu đỏ và vàng. Mỗi loại vải phải mua riêng ở một cửa hàng, mỗi cửa hàng chỉ được mua một ít để tránh bị phát hiện. Ông đưa cho 3 cô em một bức vẽ lá cờ đỏ sao vàng và dặn bí mật khâu vải theo mẫu, khi nào đến Tổng Khởi nghĩa thì mang ra. Ngày 19/8, ba chị em bà nhận nhiệm vụ treo cờ tại khắp phố Đồng Xuân và nhiều tuyến phố Hàng, sau đó họ phát cờ đỏ sao vàng hòa cùng dòng người tuần hành cướp chính quyền. Ngày Tổng khỏi nghĩa, bà Thảo được Việt Minh chọn làm hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất đất nước diễu hành khắp thủ đô. Bà mặc quần trắng, áo dài tím Huế, tượng trưng cho Trung Kỳ, đi cùng với một người mặc quần áo bà ba Nam Bộ màu đen, và một người mặc áo tứ thân chít khăn mỏ quạ Bắc bộ.
Thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, gây nhiều tội ác với nhân dân, bà nhớ như in lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhật định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Toàn quốc Kháng chiến bùng nổ, Hà Nội bước vào cuộc tản cư, ba chị em bà viết đơn xin ở lại chiến đấu bảo vệ thủ đô. Ba người nhập ngũ vào đơn vị Trung đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu tại Liên khu 1 Đồng Xuân. Chị cả Nguyễn Thị Tần làm công tác quân lương, quân trang quân dụng. Chị Nguyễn Bích Hạnh làm công tác văn thư đánh máy cho chỉ huy. Nguyễn Bích Thảo vốn đã được “các anh Việt Minh” dạy về y tế nên tham gia trực tiếp cứu thương tại trận địa. Sau khi nhập ngũ, ba người lại đồng lòng xin gia nhập đội Cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô. Ngoài khả năng chiến đấu, những người được cấp trên xét duyệt để đứng vào đội cảm tử, tiêu chuẩn trước hết là phải gan dạ, sẵn sàng hy sinh khi nhận nhiệm vụ. Lúc ấy, ba chị em không ai bảo ai nhưng đều xác định sẽ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ đã tham gia lễ tuyên thệ sẵn sàng chết để bảo vệ thủ đô.

2. Trận chiến ác liệt nhất trong toàn quốc kháng chiến là “60 ngày đêm khói lửa” ở Hà Nội, mà sau này mối khi nhắc đến một “Thăng Long phi chiến địa” người ta đều không quên nhắc đến cuộc chiến giành giật từng tấc đất, từng góc phố này. Nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà văn Nguyễn Quang Thân đều đã từng nhấn mạnh về trận chiến đấu này, bởi lẽ ít có trận nào mà những người con thủ đô lại làm lễ truy điệu, xác định trước cái chết khi chuẩn bị ôm bom lao vào kẻ thù hoặc trường hợp tử thủ khi bị kẻ thù vây hãm trong thành Hà Nội.
 
“Rồi những trận đánh dữ dội với sức mạnh của hoả khí Tây phương, nay còn lưu dấu trên mặt thành Cửa Bắc khiến Hà Nội hai lần thất thủ và hai vị tổng đốc đều hy sinh lẫm liệt cách nhau không đầy một thập kỷ... Và một trận chiến dữ dội kéo dài tới 60 ngày đêm giành giật từng con đường góc phố Thủ đô giữa những kẻ chiếm đóng không chịu buông bỏ thuộc địa với những con người mới trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập mang tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" – nhà sử học Dương Trung Quốc viết.
 
Hay “Chỉ trong vòng trăm năm lại đây thôi chúng ta vẫn còn nhìn thấy hằng ngày vết đạn đại bác Cửa Bắc thành Hà Nội, người xưa gọi là “Long Đỗ bách chiến thành”, những lỗ xuyên tường phố cổ và bom ba càng tông xe tăng địch trước ngõ chợ Đồng Xuân… Nỗi đau chiến tranh trong lòng người dân Hà Nội vẫn chưa nguôi” – nhà văn Nguyễn Quang Thân viết.

Trận đánh ác liệt nhất trong 60 ngày đêm ấy chính là trận Đồng Xuân. Và họ trở thành một phần trong lịch sử trận chiến ấy. Sáng sớm 14/2/1947 khu phố Đồng Xuân rung chuyển dữ dội, địch ném bom, nã đại bác phá các trận địa chướng ngại vật của ta để bộ binh chúng tiến sâu vào trung tâm trận địa Liên khu 1 Hà Nội. Trong cuộc chiến đấu không cân sức của các chiến sĩ cảm tử đã xuất hiện bao tấm gương hy sinh oanh liệt, trong đó có cô gái cảm tử Nguyễn Bích Thảo.

Cuốn sách: Những người cảm tử (Kể chuyện chiến đấu ở Liên Khu 1 Hà Nội) - NXB Hà Nội năm 1987 đã viết: “7 giờ, các mũi tấn công của địch vào đến tầm súng của ta… Qua một giờ chiến đấu, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mà được nói đến nhiều nhất là các cô gái Hàng Ngang, Hàng Đường, những nữ chiến sĩ trinh sát, liên lạc, y tá. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo có mặt tại vị trí này từ lúc mờ sáng. Người đầu tiên bị thương ở đây là đồng chí Thọ. Bích Thảo băng bó cho anh, hướng dẫn anh về trạm cấp cứu cách đó khoảng một trăm mét, ở nhà số 48 phố Đồng Xuân. Tiếp đến là hai đồng chí nữa bị thương được cấp cứu tại chỗ, rồi cũng được đưa về trạm thương binh phía sau. Nhưng rồi, để đề phòng địch thọc qua được tuyến phòng ngự của ta, Bích Thảo phải quay về trạm để chăm sóc và bảo vệ thương binh thì tắc đường, đường thông tường kín đáo vẫn đi bị địch phá sập mấy gian nhà làm tắc nghẽn. Không ai nghĩ rằng, cô gái hàng phố mảnh mai này lại có quyết định táo bạo như thế: Bích Thảo nhảy từ trên gác nhà số 2 phố Đồng Xuân xuống hè đường phố Hàng Lược đi lối khác về trạm”.

Hai chiến sĩ cảm tử quân Nguyễn Bích Thảo – Đỗ Đình Sửu chụp ảnh cưới bên Hồ Gươm, nơi họ đã nguyện hy sinh để giữ gìn

3. Điều kì diệu là cuộc chiến ấy đã tác thành tình yêu cho 3 cô gái với 3 người chiến sĩ cảm tử quân. Họ cảm mến nhau ở lòng dũng cảm dám chấp nhận hy sinh. Hà Nội khi ấy chia làm 3 liên khu, ba cô gái tại Liên khu 1 Đồng Xuân gặp 3 chàng bộ đội ở Liên Khu 2 Đông Thành và liên khu 3 Đông Kinh Nghĩa Thục. Những lá thư tay viết vội vài dòng, những lời nhắn gửi qua các em vệ út giao liên đã tạo lên mối tình của máu và hoa đẹp tuyệt diệu của những thanh niên Hà Nội. Sau này, họ đều nên vợ nên chồng. Chiến sĩ cảm tử quân - Đại tá Nguyễn Đình Thụ, chồng chị cả Tần, ông đã mất sau ngày Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Đại Tá Phạm Thư Chương, chồng chị hai Nguyễn Bích Hạnh, nguyên Chính ủy sư đoàn 395 Quân Khu Ba. Trung tá chính ủy Trung đoàn Đỗ Đình Sửu, người chồng của Nguyễn Bích Thảo đã hy sinh tết Mậu Thân 1968. Họ lập gia đình khi các ông trở về trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
 

Bà Nguyễn Bích Thảo xúc động khi kể lại câu chuyện năm xưa
 
Khi Trung đoàn Thủ đô mở đường máu rút khỏi Hà Nội, các cô gái chia tay các đơn vị chủ lực. Bà Thảo chiến đấu tại các bệnh viện tiền phương Khu 11, sau đó bà học y sĩ và làm việc tại bệnh viện Bạch Mai cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1968, khi đang theo học thi sĩ ở nơi sơ tán Hà Tây, bà được anh rể báo tin về nhà làm lễ truy điệu chồng. Lớp học y sĩ, đa số chị em đều có chồng đi B, lại chuẩn bị bước vào kì thi hết năm. Bà nghĩ nếu xin về truy điệu chồng, sẽ không còn ai có tâm trí để thi nữa. Nuốt nước mắt vào trong, bà ở lại thi hết các môn rồi mới vội vã quay về Hà Nội lặng lẽ thắp nhang viếng chồng.

Giờ đây, tại số nhà 32 phố “Nhà Binh” Lý Nam Đế, bà Thảo sống một mình trong căn phòng nhỏ. Niềm vui sống của bà là khi thấy các con và cháu ngoại sum vầy. Và một điều nữa ít khi bà nhắc đến nhưng luôn lấp lánh trong tâm khảm bà là kỉ niệm về những tháng ngày “sống mãi với thủ đô”.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm