Một lần lạc trong sa mạc Xahara

14/05/2009 17:53 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đúng vào ngày nhận quyết định nghỉ hưu, chính thức kết thúc sự nghiệp làm báo, tôi chợt nảy ra ý định gửi bài viết này tham gia ‘’Một chuyến đi’’. Tại sao không kể một câu chuyện hiếm có đến vậy nhỉ?

Cuối tháng 8/2003, tôi, phóng viên nữ đầu tiên của Việt Nam, được cử làm Trưởng Phân xã của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Angiêri, đất nước Bắc Phi rộng lớn có phần lớn diện tích nằm trong sa mạc Xahara, sa mạc lớn nhất thế giới với hơn 8 triệu km2.

Vừa chân ướt chân ráo đến xứ sở xa lạ, tôi lập tức được ban lãnh đạo Công ty Đầu tư và Phát triển dầu khí (PIDC), nay là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (trực thuộc PETROVIETNAM) mời xuống hiện trường để ‘’mục sở thị’’  công việc thu nổ địa chấn, một trong những phần việc đầu tiên của dự án thăm dò và khai thác  mà công ty này mới trúng thầu tại Angiêri. Vào thời điểm đó, đây là dự án lớn nhất của tập đoàn này ở nước ngoài.

Quả thực, chưa bao giờ trong đời tôi dám mơ một lần được đặt chân tới  sa mạc Xahara. Mặt khác, muốn tận mắt chứng kiến công việc của số anh em đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam tại sa mạc, tôi đã nhận lời lên đường, mặc một số lời can gián - chủ yếu là lo ngại các nhóm khủng bố hoạt động ở sa mạc này, đặc biệt là vụ bắt cóc 34 khách du lịch nước ngoài vừa xảy ra mấy tháng trước khi tôi tới Angiêri.


Đoàn chúng tôi gồm một phó giám đốc công ty cùng ba kỹ sư và tôi, nữ thành viên duy nhất. Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Touggourt, sau vài giờ chậm trễ. Khỏi phải nói nỗi choáng váng khi cánh cửa máy bay vừa hé mở, tôi suýt té ngửa vào khoang máy bay : nhiệt độ ngoài trời là 51 độ C! Phải băng qua cả những đường băng nóng bỏng chúng tôi mới tới được chiếc ôtô địa hình đã chờ sẵn. Cát lập tức chui vào mắt, mũi, miệng, nhai lạo xạo.

Ngày hôm sau, chúng tôi được hai môtô cảnh sát Angiêri có trang bị định vị toàn cầu tháp tùng, bắt đầu tiến vào sa mạc bằng đường bộ, để tới Hassi Messaoud, thủ phủ của dầu khí Angiêri, cũng là nơi đóng ‘’đại bản doanh’’ của PIDC. Đây là khu vực đặc biệt quan trọng về các mặt an ninh và kinh tế, vì thế, để vào khu vực này, trước đó, phải xin giấy phép giống như thị thực nhập cảnh(visa), sau đó, vì lý do an ninh, phải có cảnh sát đi kèm. Dưới cái nắng, nóng của sa mạc, chiếc xe địa hình không chịu nổi cùng một lúc cả bật máy lạnh và trèo dốc! Thế là, khi nào lên dốc thì phải tắt máy lạnh và chỉ bật máy lạnh khi đường bằng!

Vì thời gian quá ngắn, trong ngày hôm đó, chúng tôi phải chạy  gần 400 km trên sa mạc để có thể từ công trường trở lại ‘’đại bản doanh’’ trước khi trời tối. Sau khi vật vã vượt qua gần 200 km núi cát không thấy đâu là ngọn và những cánh đồng cát bất tận, chúng tôi đã tới được công trường và tận mắt chứng kiến những chiếc máy cơ giới khổng lồ mang nhãn hiệu Đức đang hoạt động thu nổ địa chấn trên lô mà PIDC trúng thầu. Thật không sao tả hết cảm giác vui sướng và tự hào về sự có mặt của ngành dầu khí Việt Nam trên mảnh đất châu Phi xa xôi, lại càng cảm thông hơn với những kỹ sư trẻ tuổi của PIDC phải sống và làm việc trong những điều kiện quá khắc nghiệt!

Song, ‘’cuộc trở về đầy sóng gió’’ mới làm cho chuyến đi sa mạc đầu tiên của tôi thêm ý nghĩa. Số là, khi từ công trường về lại căn cứ của PIDC, vì không có định vị toàn cầu nữa, chúng tôi được bàn giao cho hai xe cảnh sát khác tháp tùng, cùng một hướng dẫn địa phương được giới thiệu là ‘’thuộc sa mạc như lòng bàn tay’’! Lúc đầu, cả đoàn còn hào hứng chuyện trò, tuy mệt nhưng rất vui. Rồi, mọi người, gần như cùng một lúc, chợt phát hiện ra rằng ‘’hình như lạc đường’’. Thực ra, trong sa mạc không có đường. Vài lần, xe dừng lại trên đỉnh núi cát, người hướng dẫn lầm bầm mấy tiếng arập, rồi lái xe lại chạy theo hướng anh ta chỉ, lúc lên bắc, lúc xuống nam, rồi lúc sang tây, lúc lại sang đông. Trời đã gần tối, tôi nghe kỹ sư Ánh ngồi bên lẩm bẩm: ‘’Trời tối sập xuống ngay bây giờ’’. Thế rồi ông mặt trời, không nhẫn nại thêm được nữa, cũng đã đi ngủ. Sa mạc lúc này hoàn toàn tối đen, cảm giác sợ hơn đêm ở giữa đại dương. Không ai nói với ai câu nào nữa. Tất cả điện thoại di động của chúng tôi đều tắt ngấm. Nói dại, lỡ có bề gì, ai biết chúng tôi ở đâu trong cái mênh mông hơn 8 triệu km2 ấy? Rồi, nhỡ đâu khủng bố tấn công…

Trong cái đen kịt mênh mông ấy, xa xa, thỉnh thoảng lại lóe lên một ánh sáng nhỏ nhoi, lóe lên một tia hy vọng, biết đâu chỗ ấy có người! Thật lãng mạn khi tôi thấy mình giống cô bé lạc rừng đêm trong truyện cổ Anđécxen. Thực ra, những đốm lửa ấy chỉ là chút dầu còn lại của những giếng người ta đã bỏ không khai thác nữa. Không biết đã mấy giờ trôi qua như thế, cả xe cảnh sát và chúng tôi cứ chốc chốc lại dừng, rồi lại chạy. Thế rồi, lạy Đức Allah, một con đường mòn chợt hiện ra trong đêm tối, và xa xa, có ánh điện. Chúng tôi biết mình chắc sống. Không ai bảo ai, vừa chạy qua cái làng có điện đó, tất cả các điện thoại di động đều đồng loạt mở. Tôi cảm thấy anh bạn đồng nghiệp ở văn phòng tại thủ đô Angiê như nhảy chồm lên khi nghe thấy tiếng tôi ở đầu máy. Nửa đêm, chúng tôi mới về tới đại bản doanh, lấm lem, vali bẹp móp. Ai cũng bảo, lo cho chị quá!

Năm tháng trôi đi, những người đồng hành của tôi chuyến ấy, nay đã trở thành những cán bộ nòng cốt của ngành dầu khí, trong đó có Tổng giám đốc TCT Thăm dò và Khai thác dầu khí Nguyễn Quốc Thập. Giờ đây, anh em đã có máy bay để xuống tận sa mạc. Còn tôi, chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về cống hiến lặng thầm của những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Nguyễn Thị Hồng Nga

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm