Một chuyến đi với giáo sư Tạ Quang Bửu

14/05/2009 17:56 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Khoảng đầu mùa hè năm 1973 tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Halle (CHDC Đức hồi trước) thì có điện khẩn của đại sứ quán gọi lên công tác. Tôi gặp giáo sư hướng dẫn xin tạm nghỉ việc rồi lên tầu đi Berlin.

Lên tới đại sứ quán, một anh ở ban Quản lí lưu học sinh đưa tôi sang khách sạn Berlin. Ở đó tôi được giới thiệu với GS Tạ Quang Bửu, bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (ĐHTHCN), để làm phiên dịch cho bộ trưởng.

Cái tên Tạ Quang Bửu đối với tôi là một huyền thoại. Tôi nghe những anh lớn tuổi nói rằng ông giỏi nhiều thứ, nhưng giỏi nhất là tiếng Anh và đấm bốc. Trước đó tôi chưa hề biết mặt ông. Tôi hình dung ông là một người to lớn, mang kính cận, trí thức và cao ngạo. Nhưng Tạ Quang Bửu trong đời thực hoàn toàn khác. Ông thuộc tạng người mà thuật xem tướng gọi là ngũ đoản. Ở ông cái gì cũng ngắn hoặc lùn (đoản) nhưng những cái đoản của ông hòa hợp với nhau. Ông có đôi mắt sáng nhưng đầm ấm. Sau khi nghe giới thiệu xong, ông thân mật bắt tay tôi rồi vào việc ngay.

Tướng Pháp Delthei, trái, và ông Tạ Quang Bửu ký hiệp định Geneva tháng 7, 1954.


Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên bộ trưởng Bộ ĐHTHCN của Việt Nam thăm CHDC Đức. Phái đoàn của Việt Nam khá đông, ngoài bộ trưởng còn có các ông vụ trưởng và sáu, bẩy thành viên khác. Cùng đi với đoàn còn có anh Phan Tống Sơn. Tôi biết anh Sơn từ dạo ở Leipzig, khi đó anh Sơn đã là nghiên cứu sinh còn tôi mới bắt đầu học tiếng Đức.

Ngay hôm sau là buổi tiếp xúc chính thức giữa đoàn của bộ ĐHTHCN Việt Nam và CHDC Đức. GS bộ trưởng Boehme trực tiếp chào đón và tham gia đàm phán với phái đoàn Việt Nam. Phái đoàn Đức dành cho tôi một bất ngờ. Đó là lúc ông thứ trưởng bộ ĐHTHCN Đức báo cáo về thành tích đào tạo tại chức trong thời gian vừa qua. Ông nói đại khái: "CHDC Đức có cả một hệ thống đào tạo tại chức hoàn chỉnh cho mọi đối tượng, mọi ngành nghề, số sinh viên học tại chức xấp xỉ gần bằng số sinh viên học chính qui", ông đưa ra cả con số cụ thể.

Sau khi đã kết thúc bản báo cáo và ngồi xuống, ông quay sang nói nhỏ đủ để ông Bửu và tôi nghe được: "Nhưng các đồng chí đừng làm như chúng tôi nhé!". Tôi rất sửng sốt nhưng vẫn cứ dịch lại đúng nguyên văn. Chờ đến lúc về phòng nghỉ tôi mới hỏi ông Bửu tại sao ông thứ trưởng lại bổ sung bản báo cáo của mình bằng câu nói kì lạ vậy thì ông Bửu bảo: "Đó là vì các ông ấy cũng biết đào tạo tại chức quá nhiều, chất lượng chẳng ra gì nhưng vẫn phải dập khuôn mô hình Liên Xô theo chỉ thị của cấp trên".

Ngoài những lần đàm phán, kí kết ở Berlin chúng tôi đi dọc ngang khắp cả CHDC Đức. Phía Đức cử hẳn một ông thứ trưởng đi theo đoàn. Ngoài ra còn có ba người Đức nữa cùng đi để phục vụ đoàn: Một ông thư kí phụ trách lễ tân, một bà nhân viên chuyên lo về các sinh hoạt vật chất cho đoàn, bà Nietzsche, người thứ ba là ông Doering, giảng viên tiếng Đức.

Ngồi trong xe đường  trường đôi khi ông chủ động gợi chuyện. Có lần ông đề cập đến vấn đề bản chất của sự sống. Tôi láng máng biết rằng  nhà vật lí trứ danh Schroedinger(1) đã viết cuốn "Sự sống là gi?" gây tiếng vang rất lớn. Khi tôi nhắc đến cuốn sách này ông bảo: "Tôi đã nghe ông Schroediger thuyết trình về đề tài này". Tôi ngạc nhiên hỏi ông sao có chuyện lạ như vậy, ông trả lời: "Dạo đó chúng tôi đang đàm phán ở Fontainebleau  thì nhận được tin sắp có hội nghị khoa học tổ chức ở gần đó. Anh Đồng (2) bảo tôi: "Anh đi nghe xem họ nói gì!". Ngoài toán học là môn sở trường của ông thì ông rất quan tâm đến vật lí và sinh học.

Một đặc tính đáng quý, rất hiếm thấy ở những người có tuổi tác và địa vị cao như ông là sự trân trọng, đánh giá vô tư đối với lớp trẻ. Một buổi tối Ngô Việt Trung (giải nhất toán học toàn miền Bắc) và Nguyễn Tự Cường từ Halle kéo lên "để hỏi chuyện bác Bửu về toán". Ông say sưa thảo luận với Trung và Cường như với những đồng nghiệp bằng vai bằng lứa.Tôi loáng thoáng nghe thấy ông nói với Trung và Cường: "Trong một hội nghị toán học, ông Grothendieck(3) đứng dậy hô: "Đả đảo tam giác!" để phản đối cách tiếp cận hình học cổ lỗ trong các nhà trường".

Hôm đến thăm trường ĐHTH Leipzig, các giáo sư ở đó biết ông là chuyên gia toán học, bày ra mấy tập luận văn để ông xem. Ông vui vẻ bảo: "Cám ơn các bạn đã lưu tâm cả đến cái tật của tôi". Đây là một câu tế nhị rất khó dịch, nhất là phải dịch ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ hôm đó đã xử lí tình huống được khá hợp lí. Vào một lúc khác, khi nhắc đến những kỉ niệm học toán ở Pháp, ông kể cho tôi về cả cái "ngông dại" lúc tuổi trẻ của mình, đó là lần ông dám mạo muội sửa lỗi bài giảng của giáo sư thầy học của mình.

Hôm đến Rostock chúng tôi lưu lại ở khách sạn Mercur, một khách sạn hiện đại, ở tầng hầm của khách sạn có bể bơi lấy nước từ biển vào. Nhưng chúng tôi chẳng có thời gian nào để bơi lội. Hôm sau bà Nietzsche dẫn chúng tôi đi thăm cảng. Tôi nghĩ chỉ đi xem qua quẩn thôi, nào ngờ ra tới cầu cảng đã có riêng một chiếc thuyền máy đợi sẵn. Khi mọi người đã xuống hết, người hưóng dẫn du lịch đưa cho tôi một cái micro để chuẩn bị thuyết minh khi du thuyền chạy vòng quanh cảng.

Tôi thấy hơi lo - ông này mà nói tiếng "Đức bẹt" (Plattdeutsch) thì có khi mình không hiểu nổi. Rất may là ông ta dùng tiếng Đức chuẩn, chỉ thỉnh thoảng xen vào một ít thổ âm. Sau khi dịch xong, tôi về chỗ ngồi, ông Bửu bắt tay tôi cám ơn, tôi thấy rất được khích lệ. Các lần khác cũng vậy, mỗi khi tôi dịch xong, ông đều bắt tay cám ơn một cách rất trọng thể trước mắt tất cả cử tọa. Còn những lúc riêng tư ông vẫn thân tình và cởi mở.

Vào thời điểm 1973 suy nghĩ của ông đã hướng về một nước Việt Nam thống nhất. Khi nói về lớp trí thức mới, ông tính đến số trí thức được đào tạo ở miền Bắc và số do ta gửi đi học ở nước ngoài nhưng ông cũng tính đến cả những trí thức ở miền Nam và những người được đào tạo hay đang làm việc ở phương Tây nữa. Ông nói về một anh ngành vật lí đang làm việc ở Pháp muốn xin về Hà Nội công tác, về giáo sư hóa học Bửu Hội. Ông cho biết: Trước khi qua đời giáo sư Bửu Hội di chúc tặng lại toàn bộ thư viện riêng của mình cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau khi đi thăm và làm việc với một loạt trường đại học và kĩ sư thực hành, chúng tôi trở lại Berlin để hai đoàn kí kết văn bản. Khi bàn về cách gọi các học vị, ông bảo anh Sơn và tôi tạm dùng chữ hoàn thành Nghiên cứu sinh I và II cho học vị Doktor A và B của CHDC Đức, vì ông không đồng ý gọi Doktor A là phó tiến sĩ như người ta thường dùng lúc bấy giờ.

Hôm sau đoàn ra sân bay Schoenefeld để lên đường về nước thì đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông, sau này không bao giờ còn có dịp gặp lại nữa.

-------------------------------------------

1. Erwin Schroedinger: Nhà vật lí người Áo.

# Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.
# Alexander Grothendieck: Nhà toán học Pháp gốc Đức.

Nguyễn Hữu Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm