"Một cây cầu rất Việt Nam"

20/09/2010 14:57 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kinh Bắc, tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bởi hình ảnh bình yên của làng quê mình quanh những con sông hiền hòa và những cây cầu nho nhỏ.

Ngày bé lần đầu tiên được bố cho lên Hà Nội, khỏi nói tôi đã háo hức nhường nào. Hà Nội trong tôi ngày ấy là điều gì tuyệt vời và cổ tích lắm. Tôi nhớ qua một cây cầu rất lớn bố nói: “…qua cây cầu này là con bắt đầu đặt chân đến Hà Nội…”. Cây cầu kỳ vĩ hơn hẳn những cây cầu tre nơi quê tôi, bắc qua một con sông có cái màu rất lạ và dài hơn hẳn những con sông ở quê tôi. Ký ức trong đôi mắt trẻ thơ của tôi không có tên cây cầu ấy, tên dòng sông ấy, tên địa điểm ấy, chỉ có một cây cầu rất lớn, một con sông màu rất lạ và một lời dặn dò khắc cùng thời gian.


Lần đầu tiên lên Đại học, qua cây cầu “kỳ vĩ của tuổi thơ”, tôi đã hân hoan chào Hà Nội. Mang những lo lắng, hồi hộp, hạnh phúc và cả những điều chưa gọi thành tên của một cuộc sống xa nhà bắt đầu học để trưởng thành hơn, tôi bước chân sang bên này Hà Nội… Cây cầu vẫn hơn hẳn những cây cầu ở quê tôi nhưng không còn kỹ vĩ như trong ký ức tuổi thơ. Con sông vẫn giữ cái màu rất lạ nhưng không còn lạ như hồi ấy. Tôi đã biết cho thêm vào từ điển sống của mình tên một cây cầu, tên một dòng sông và giữ mãi một lời dặn dò khắc cùng thời gian. Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, “…qua cây cầu này là con bắt đầu đặt chân đến Hà Nội…”.


Festival Ký ức cầu Long Biên 2010

Tôi quen với cầu Long Biên mỗi lần về thăm quê rồi trở lại Hà Nội. Là ngày tựu trường khăn gói thật nhiều lương thực cho một năm học mới còn nhiều bộn bề. Là mùa đông lạnh hơn hẳn khi qua cây cầu với mênh mông là gió sông Hồng. Là ngày Tết muốn đi thật nhanh qua cầu để về đoàn tụ cùng gia đình. Là những cơn gió mát rượi trong cái nắng hè oi ả. Thời gian xếp chồng lên nhau, làm tan dần những cảm xúc, cầu Long Biên dần trở thành cây cầu cũ trên lộ trình cũng đã thành quen. Có lần khi đi qua cây cầu đúng tầm tan sở, giữa sự chờ đợi mệt mỏi và bất an, tôi đã vô tâm nghĩ: “Sao người ta không trùng tu lại cây cầu này nhỉ? Có khối cách để xây lại một cái hoành tráng và rộng rãi hơn chứ cứ để thế này…”. Tôi đã làm đau một phần hồn cầu mà không hề biết.

Mùa hè năm thứ ba Đại học, tôi đón một cô bạn Nhật - cô ấy học tiếng Việt, muốn tìm hiểu về văn hóa Việt và đây là lần đầu tiên cô ấy sang Việt Nam. Tôi thực sự say mê với vai trò hướng dẫn viên du lịch của mình. Tôi đã tra cứu khá kỹ về những địa điểm mà tôi cho là bất cứ người nước ngoài nào đặt chân đến Hà Nội cũng mong muốn được đến: là Lăng Bác, là Văn Miếu, là Phố cổ, là mênh mang hồ Tây mà nếu còn thời gian tôi sẽ dẫn cô ấy đi cả Bát Tràng và làng lụa Hà Đông nữa. Tôi nghĩ với danh sách những địa điểm ấy tôi sẽ làm cho cô bạn thích thú với ít ngày tại đây. Vừa đặt chân đến sân bay Việt Nam, cô ấy đã muốn bắt đầu cuộc hành trình khám phá. Cô đã tìm hiểu về Hà Nội và cô ấy muốn kiểm chứng những cảm xúc của mình qua những gì đã đọc được. Tôi hỏi: “Bạn thích đi nơi nào đầu tiên?’" Câu trả lời là: “Nếu có thể tớ muốn đến cầu Long Biên”.

Tôi vô cùng bất ngờ, và có đôi chút bối rối. Tôi hướng cô ấy về Lăng Bác, Văn Miếu vì lộ trình ấy dễ đi hơn và vì tôi sợ cô ấy vẫn còn mệt với chuyến đi dài. Tôi đã dành nguyên tối hôm ấy để tra cứu cụm từ “cầu Long Biên” vì tôi hiểu chẳng phải vì một sự tò mò ngẫu nhiên mà cô ấy muốn đến đó. Những thông tin về Long Biên hiện ra trên máy tính đã để lại một khoảng lặng dài trong lòng tôi.

Ngày hôm sau tôi đưa cô bạn Nhật đến cầu Long Biên. Khi đang đứng giữa cầu, tôi nói tôi muốn nghe cảm xúc của cô ấy sau khi đọc những trang viết về cầu Long Biên. Cô bạn trả lời bằng thứ tiếng Việt chưa thật chuẩn: “Tớ thấy rất Việt Nam”. Lời nói thả vào gió sông Hồng, len vào lòng tôi những xúc động sâu sắc. Tôi đã không giới thiệu với cô ấy những gì mình đã đọc về cầu Long Biên, tôi muốn cô ấy giữ được cảm xúc nguyên sơ khi đứng trên cây cầu.


Thật khó để bắt một người yêu cầu Long Biên khi chưa từng hiểu về cây cầu này. Tôi cũng từng là người không hiểu về cây cầu dù nó vẫn tồn tại trong tiềm thức của tôi.  Đến giờ tôi không dám nói tôi đã hiểu hết về cây cầu, về giá trị của những điều không gọi được cụ thể thành tên nhưng tôi đã bắt đầu biết trân  trọng những gì thuộc về quá khứ. Tôi viết để chia sẻ những cảm xúc của bạn tôi - một người nhìn thấy cầu Long Biên "rất Việt Nam", và giống như rất nhiều những người tham gia “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” tôi muốn góp một chút cảm xúc, suy nghĩ của mình và mong muốn sẽ nối kết tình yêu của nhiều người với cầu Long Biên. Tôi không đủ hiểu biết sâu rộng, những gì tôi biết về cầu Long Biên được tích góp từ những trang viết của những người đi trước. Tôi giữ nó trong tim mình. Tôi không sinh ra ở Hà Nội, không có điều kiện để trải nghiệm những khắc khoải của cây cầu, không được chắt chiu tình cảm bên những nhịp cầu. Nhưng tôi lớn lên tại Hà Nội mà đi xa lúc nào tôi cũng nhớ cầu Long Biên.

Tôi đã tham gia Festival Ký ức cầu Long Biên và tôi tin chắc rằng ai từng tham gia dù tình cảm dành cho cây cầu nhiều hay ít cũng nhận thấy vẻ đẹp, giá trị văn hóa và lịch sử vô giá của cây cầu. Giống như nhiều người, tôi mong muốn cầu Long Biên sẽ thành bào tàng lịch sử, văn hóa của mấy ngàn năm để người Việt Nam hiểu hơn về cầu Long Biên, để lớp thế hệ sau còn có một giá trị để giữ gìn, tìm về và hiểu. Cho đến thời điểm hiện tại cầu Long Biên chưa từng được công nhận là di tích hay di sản nhưng Long Biên luôn là biểu tượng đẹp trong tâm thức của người dân Việt.

Trương Thị Cẩm Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm