Món nợ vô hình

14/05/2009 18:04 GMT+7 | Một chuyến đi


Món nợ vô hình - BackVan
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 26/03/2009


(Bài dự thi) - Khi bước chân xuống xe ở bản Tả Phìn (Sapa - Lào Cai), tôi thực sự cảm thấy choáng váng khi có đến hàng trăm phụ nữ người Dao gồm cả già trẻ, lớn bé vây đặc xung quanh xe tôi để tìm kiếm một khách hàng béo bở. Tôi không phải người sành đồ thổ cẩm, nhưng chỉ cần nhìn liếc qua đã biết những thứ họ đưa ra mời toàn là đồ chợ Đồng Xuân nên thờ ơ với tất cả những thứ họ chìa ra trước mắt.
 
Một cô bé người Dao chừng 14 tuổi, hai má đỏ hồng vì nắng mới, hai tay cứ thọc vào trong cái túi thổ cẩm đeo trước ngực, không đưa ra món hàng nào chào tôi mà chỉ hỏi: “Chị ơi, chị tên là gì?”. Trước đôi mắt đen ấy tôi không thể thờ ơ, mà phải trả lời tên của mình, nhưng không vui vẻ. Cô bé khen: “tên chị thật đẹp” và không chịu “tha” tôi, cô bé hỏi tiếp: “Nhà chị ở đâu?” vẻ rất thân tình. Tôi lại phải trả lời rồi sải bước thật nhanh để tránh sự đeo bám. Cô bé bước theo tôi, hai tay vẫn thọc vào cái túi thổ cẩm như một thói quen. Đi cùng cô bé là một phụ nữ gần 40 tuổi. Chị phụ nữ này chìa ra nào mũ trẻ em, nào khăn, áo bảo tôi mua giùm, tôi lắc đầu. Chị nói: “Nếu em mua cái gì thì chỉ mua cho chị và em này thôi nhé, đừng mua của ai khác”. Tôi gật đầu cho xong chuyện. Cảnh sơn cước thanh bình và màu áo, những chiếc mũ đỏ rực của những phụ nữ Dao làm tôi thấy vui vẻ và chấp nhận việc một phụ nữ Dao và một em gái Dao đi theo lang thang vào bản. Nhìn quanh, hóa ra tôi vẫn là người may mắn vì mỗi người khách khác đều có hàng chục phụ nữ Dao bám theo, có lẽ tại tôi có cái vẻ thờ ơ với những món hàng dân tộc.
 


(Ảnh Internet)

Đi dọc đường, cô bé Dao nói rất nhiều, cô giới thiệu đủ thứ trên đời của người Tả Phìn, từ cách đan thêu, cách trồng bắp, đến những ngày kiêng gió, những thứ người Dao phải kiêng, chỉ cho tôi xem những chỗ hay và còn nói về tập tục của người Dao rất rành rọt. Giọng cô bé sôi nổi, lôi cuốn và dễ thương khiến tôi cũng vui lây. Nhưng, tôi vốn thường nghe cảnh báo về những người “dẫn đường” kiểu này ở các điểm du lịch, tôi sẽ phải trả cho họ chi phí dẫn đường không nhỏ.

Tôi ghét điều này, nó vô tình làm mất đi sự thoải mái, tự nhiên và tự do của tôi. Vì thế, lúc nào tôi cũng có sự “đề phòng” với hai người dẫn đường bất đắc dĩ. Trời đổ nắng, cái nắng mới của cuối mùa Đông khiến người ta rất mệt, tôi mệt đứ đừ sau khi đi bộ hàng mấy km, hai người dẫn đường vẫn đi theo, vẫn nói chuyện hăng say, tôi muốn thoát khỏi cái sự đeo bám này nên nói: “Hai người dừng lại đi, đi theo tôi chỉ mệt thôi”, cô bé Dao hồn nhiên: “Không, người Dao không mệt đâu, đi quen rồi, em còn đi bộ từ đây lên Sapa hai ngày đường mà không mệt”. Vậy là tôi đành miễn cưỡng chấp nhận. Tôi mua kẹo và mời hai người, nghĩ rằng đó cũng là một cách "trả nợ" họ để họ bớt phiền tôi. Cả hai hồn nhiên nhận quà như không có gì lạ lùng cả. Chị người Dao liên tục dặn: "Nếu mua hàng, chỉ mua cho hai chị em thôi, đừng mua cho ai khác nhé". Tôi gật đầu rồi chỉ những món hàng mà hai người cầm trên tay nói: "Những thứ này ở Hà Nội rất nhiều, em không muốn mua", cô bé người Dao láu táu: "Em cũng biết thế, nhưng nhiều khi mua là để ủng hộ cho bọn em thôi". Tôi nhìn những cái ví, cái túi đựng điện thoại, nghĩ mua chẳng biết sẽ để làm gì nhưng kiểu này chắc không mua không được, trong khi chị người Dao đã lại dặn, mua thì phải mua cho cả hai.
 
Chặng đường đã sắp hết, tôi băn khoăn mãi không biết mua cái gì để kết thúc cái "món nợ" dẫn đường này đây. Cuối cùng, tôi xoè tiền đưa cho hai chị em, mỗi người 3 chục ngàn và nói, đây là cảm ơn vì đã đi cùng đường. Cả hai đều hồn nhiên nhận như lẽ thường. Chị người Dao rẽ vào một quán bên đường, cô bé người Dao bảo tôi: "Chị đợi em một chút" và cũng chạy vù vào một cái quán khác. Tôi tá hoả, sợ họ vào lấy đồ ra và nài tôi mua, thế là ba chân bốn cẳng tôi phi thẳng lên xe ô tô, cố tình tránh để họ không nhìn thấy và thở phào thoát khỏi sự đeo bám.
 


(Ảnh Internet)

Xe sắp lăn bánh, tôi nghe tiếng gõ cửa kính xe rất mạnh. Cô bé người Dao xuất hiện trước mắt tôi, hai má đỏ hồng lên vì chạy vội, cô vẫy tay ra hiệu tôi mở cửa. Tôi mở cửa, cô xoè trên tay một chiếc ví đựng điện thoại xinh xắn nói: "Em tặng chị làm kỷ niệm, cảm ơn chị đã đến đây". Tôi bần thần không nói nên lời, cô bé cứ đứng vẫy tay tạm biệt một cách lưu luyến. Tôi cứ mân mê món quà trong tay và có cảm giác mắc nợ với cô bé, một món nợ kỳ lạ, rằng tôi đã thật tệ khi chạy trốn em.

Một dịp gần đây, tôi được nghe một người bạn kể lại, chị cũng đi lên vùng cao, mua một món đồ cho một cô bé dân tộc, cô bé đã tặng chị mấy chiếc vòng tay bằng vải và nói: "Mẹ cháu dặn, ai mua hàng cho thì phải cảm ơn, cháu không có gì cảm ơn là tặng cô những chiếc vòng này để chúc cô may mắn". Có thể, đó là một cách khéo léo lấy lòng khách mua hàng, nhưng sự thực, những điều nhỏ nhoi, những lời cảm ơn bé bỏng ấy đã khiến chúng tôi lưu luyến và muốn trở lại những vùng đất này.

BackVan
Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 107 - Thứ Sáu 17/4/2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm