Lê Văn Phú: Người Việt đầu tiên làm tranh nổi trên đồng

30/03/2010 17:23 GMT+7 | Người Hà Nội

 Người nghĩ ra và truyền lại nghề cho con mình là nghệ nhân Lê Văn Phú. Với những đóng góp của mình cho sự gìn giữ, phát huy, làm giàu thêm nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam ở mảng tranh đồng thúc nổi, năm 1998 ông là người duy nhất được thành phố Hà Nội công nhận là nghệ nhân ở lĩnh vực này.
Nghệ nhân thúc đồng Lê Văn Phú đang thúc nổi một tác phẩm trên đồng.
Từ thợ vẽ đến thợ thúc đồng

Nghệ nhân Lê Văn Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề trạm bạc. Năm 11 tuổi ông đã “ngồi gõ bạc” cùng cha. Tiếc là thời điểm đó cái nghề được cho là “xa xỉ” này không được phép tồn tại nữa. Ông quay qua học vẽ tư với các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Phạm Viết Song và thu nạp những kiến thức về hội họa từ họ. Tất cả những bức chân dung của ông, vợ ông treo trong nhà hay những bức vẽ lưu giữ trong cuốn album gia đình đều là do ông vẽ, vẽ mà như chụp…

Từ học vẽ, ông tự nhận ra rằng hội họa thì rất khái quát, ước lệ, còn nghề chạm bạc chỉ là nghề khoe sự tỉ mỉ chứ nội dung hay bố cục chẳng mấy ai quan tâm. Thậm chí, ông Phú cho rằng đến bây giờ mỹ nghệ của chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi nhược điểm này nên hầu hết các tác phẩm đều rất khô cứng và thiếu bố cục. Theo ông, điều này là do các nghệ nhân thiếu kiến thức, thiếu cái nhìn của hội họa.

Ông lấy bình luận về đêm chung kết Cuộc thi pháo hoa Đà Nẵng 2010 diễn ra vào tối hôm 28/3 vừa qua chứng minh cho quan điểm của mình: “Với đội Nhật Bản, Việt Nam thì trên bầu trời lúc nào cùng có pháo hoa. Tưởng như thế là hay, nhưng nhầm, nhầm to. Bắn pháo hoa là cả một nghệ thuật, nó không khác gì nghề thúc đồng của tôi cả. Nghệ thuật cũng phải có lúc thăng lúc trầm, lúc to lúc nhỏ, lúc dày, lúc thưa và thậm chí có lúc phải lắng đi. Đội Pháp phối hợp với âm nhạc chỉ “bắn tỉa” cũng đoạt giải Nhất là minh chứng cho điều đó”.
Rồng thời Nguyễn qua tài thúc nổi trên đồng của nghệ nhân Lê Văn Phú
Từ tranh cổ cho đến tranh hiện đại qua ghi nhận của ông Phú đều là đề tài để cho ông thúc thành một dạng tác phẩm mới trên cái gốc vốn có của nó và không cái nào giống cái nào. Ông giải thích: “Vì tôi làm thủ công nên mỗi lần làm tôi lại có một nhận thức mới, phong cách mới thoát ra ngoài bản vẽ gốc. Vì vậy, những mẫu tranh tôi lọt ra thị trường thì đố ai nhái lại được. Nhất là ở cách thúc “hàm ếch” tạo đổ nổi như đắp vào mặt phẳng chứ không nghĩ là được thúc từ mặt sau lên”.

Nếu như thợ làm tranh đồng khác trước khi làm tranh thường dán mẫu lên đồng, đi công tua để tránh lạc chạm, dẫn đến mất lối khi thao tác thì ông Phú chỉ can cho có hình hài rồi thực hiện thúc từ mặt trái trên đồng lá mỏng chỉ 4 “rem”. Ông cho biết, tài năng của người thợ thúc đồng còn được thể hiện qua độ dày mỏng của lá đồng anh ta thúc. Nếu thúc đồng dày, từ 8 rem trở lên chẳng hạn, đường nét sẽ không sắc, các chỉ tiết dễ bị chùn, tròn làm “chết cứng” tác phẩm. Đặc biệt, ông không cần sự giống nhau giữa mẫu với tác phẩm mà chỉ cần sự sống động và bố cục chặt chẽ. Cái sống, động và chặt chẽ trong bố cục tác phẩm sẽ tạo đời sống trong chính cái mà ông thể hiện. Ông giải thích: “Cũng một gian nhà với chừng ấy đồ đạc nhưng với người này sắp xếp có thể nó gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng với người khác có khi lại lộn xộn hơn, bề bộn hơn. Sống thôi chưa đủ đối với một tác phẩm nghệ thuật mà còn phải động nữa. Muốn thể hiện được nó tôi đã phải vận dụng triệt để kiến thức hội họa, thứ hai là phải có tâm hồn, thứ ba là phải có cảm hứng với việc mình đang làm”.
Tác phẩm Vũ nữ Trà Kiệu của nghệ nhân Lê Văn Phú

Để làm nên những tác phẩm như vậy, ít ai biết được rằng đồ nghề của ông Phú chỉ là những bu lông, ốc vít, trục xe đạp, cần gương xe máy, mũi khoan bê tông do chính ông chế tác, chỉnh sửa. Trong bộ đồ nghề có một không hai này có những bu lông, ốc vít,  đã “tòe hoa” dưới tay búa gần 30 năm kinh nghiệm, theo ông đi thúc đồng ở tất cả các triển lãm, hội chợ và thậm chí là xuất ngoại. Ông kể: “Lần tôi sang Nhật, họ hỏi đồ nghề tôi đâu, tôi mở cho họ xem thì họ lấy làm lạ lắm. Đặc biệt, khi tôi dùng những cái “vớ vẩn” ấy thực hiện thúc đồng, có người Nhật đã thốt lên: Từ những dụng cụ “lạ lẫm, kỳ quặc” này mà ông làm ra được những tác phẩm làm đẹp cho đời thì thật là tài tình…”.

Cái đẹp và nghệ nhân

Ông Phú quan niệm: “Với tôi, cái đẹp là bằng 0. Thợ giỏi thua nghệ nhân ở chỗ, anh làm gần đẹp rồi thì anh thôi. Hoặc khi anh đã làm đẹp rồi mà chính anh không biết đó là đẹp, đã đẹp rồi tiếp tục làm thì tất sẽ trở thành xấu. Tóm lại, nghệ thuật là sự cân bằng, đừng “âm thịnh dương suy” hay “dương suy âm thịnh” thì mới đẹp!”
Nghệ nhân Lê Văn Phú hồi trẻ qua nét vẽ của chính mình
Để có được “điểm 0” (cái đẹp) ông giải quyết theo kiểu ngành y, không thể làm bừa mà cần phải khám, chẩn đoán, kê đơn, bốc thuốc. Muốn thúc ra một tác phẩm đẹp, phải biết được “tính nết” của đồng, biết được nó cần bao nhiêu nhiệt, gõ như thế nào thì không thủng và làm phải rất nhanh để đạt được sự phóng khoáng trong cái tĩnh tuyệt đối, thậm chí là “lên đồng” với từng động tác của mình. Giống như người đá bóng chuyên nghiệp, nếu cầu thủ cần chuyền bóng cho đồng đội, xa gần như thế nào thì đôi chân anh ta cần phải có cảm giác bóng tốt, thì với người thợ thúc đồng cũng cần tìm cho ra cảm giác ấy ở đôi tay qua mỗi lần xuống búa.

Theo ông Phú, đội ngũ nghệ nhân nếu không trau dồi, bồi dưỡng thì có thể nghề sẽ không mất, nhưng tinh hoa sẽ mất. Đến giờ, kinh tế gia đình nghệ nhân Lê Văn Phú cũng chỉ “thường thường bậc trung”. Đã có lần, vợ ông phát cáu chỉ vì ông không những không chịu bán tác phẩm mà còn để truyền nghề cho con trai. Ông an ủi vợ cũng là động viên con trai: Đời con, đời cháu có thể vẫn nghèo nếu theo nghề này, hoặc chẳng theo nghề này. Con chúng ta đang như cây gỗ quý, mọc lên tuy không phải giữa rừng nguyên sinh nhưng nó sẽ thay cha nó – người đang “xếp hàng về với tổ tiên” gìn giữ và phát huy. Khi nào đất nước này giàu mạnh như các nước khác về kinh tế thì không chỉ nghề thúc đồng mà với các ngành nghề thủ công khác ắt sẽ được phục hưng, phát triển.

Nguyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm