Hoa hậu Ngọc Hân: Tự biết giá trị thật của mình

04/10/2013 07:19 GMT+7 | Người đẹp

(Thethaovanhoa.vn) - Ký hợp đồng làm chương trình về môi trường suốt 1 năm, đi đến những nơi ô nhiễm để ghi hình, một "cam kết" gây thiệt hại không ít tới nhan sắc của Hoa hậu. Nhưng cũng từ đó, Ngọc Hân nhận thấy một hướng đi trong "lộ trình Hoa hậu" của mình.

Tự tin, thẳng thắn, Ngọc Hân vô tư chia sẻ về công việc tuyên truyền sống xanh của mình với một niềm tự hào nho nhỏ.

Phải biết nhận ra chân giá trị

* Chị là một trong những Hoa hậu tham gia hoạt động môi trường nhiều nhất. Đây là lựa chọn cá nhân, hay công việc tự tìm đến chị?

- Tôi từng tham gia series chương trình nghỉ dưỡng liên quan đến thiên nhiên, văn hóa. Thấy tôi năng nổ, VTV tiếp tục mời tham gia chương trình Sống xanh. Công việc này vất vả, không được đến resort 5 sao, mà toàn đi trải nghiệm thực tế ở …chuồng trại, cánh đồng, bãi rác thôi. Nói thật là 1 ngày đi quay thù lao nhận được là từ 2-3 triệu, đổi lại, tôi nhiều khi phải làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm, chưa kể phải đi vào TP.HCM một thân một mình…Có những lúc nản kinh khủng, 6 giờ sáng dậy trang điểm, 7 giờ đi, 8 giờ ra ngoài đồng nắng gắt, chiều vào chuồng heo nghe tiếng heo kêu đã đủ nhức đầu, ngửi mùi chuồng trại muốn ngất, lại còn phải trò chuyện với khách mời, trên đường về mất 2-3 tiếng… Nhưng nhờ đó tôi có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ, bạn bè mới để tiếp tục làm các công việc liên quan đến môi trường. Bản thân tôi cũng trưởng thành hơn.



* Ở những nơi đó không phải showbiz hào nhoáng, chỉ có những người lao động bình thường, có con người nào gây ấn tượng với chị?

- Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh bác Bảy Tân chuyên đi vớt rác trên kênh ở một xóm nhỏ ở TP.HCM. Tôi đã đi với bác từ sáng đến 2 giờ chiều. Tầm 12 giờ trưa, nắng rọi đỉnh đầu, mùi hôi thối từ con kênh bốc lên váng cả óc. Thế mà bác ấy làm tự nguyện bao năm rồi đấy.

Một cá nhân như tôi, cũng tạm được coi là một người nổi tiếng, có lúc chỉ làm những việc rất nhỏ mà lại được vinh danh. So với bác Bảy Tân, những gì tôi làm chỉ được bằng 1/100 thôi, nên tôi thường xuyên tự nhủ phải biết chân giá trị ở đâu. Ngoài đời còn vô vàn những con người bình thường, lao động cống hiến thầm lặng xứng đáng được tôn vinh.

* Đã bao giờ Hoa hậu Ngọc Hân được tôn vinh, nhưng lại cảm thấy ngại?

- Tôi đã hiến máu được 4-5 lần. Lần ấy Sách Kỉ lục Việt Nam muốn đưa tôi vào danh sách, nhưng tôi tự thấy mình không xứng đáng. Có người hiến máu mấy chục lần còn chưa được vào sách kỷ lục, mình thì đã ăn thua gì.

* Từng làm chương trình về tác hại của túi nilon. Trong cuộc sống hàng ngày Hoa hậu sử dụng túi nilon thế nào?

- Lạ một cái là ra chợ, mua có vài cọng hành người ta cũng cho 1 cái túi nilon. Một cái túi nilon mấy trăm năm chưa phân hủy, mỗi ngày nhà mình dùng khoảng chục cái túi, nhân lên triệu triệu ngôi nhà, ôi cả trái đất ngập chìm trong rác mất. Bạn bè bảo tôi là "mày có trí tưởng tượng phong phú quá đi, rác là chuyện của rác, sẽ có người lo". Nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi hay dùng làn đi chợ và tái sử dụng túi nilon. Có bạn bảo "làm Hoa hậu rồi mà còn tiết kiệm từ cái túi ni lon". Vấn đề không phải là tiết kiệm mà vì tôi lo tới ngày trái đất ngập ngụa rác.



* Chị ứng xử như thế nào khi thấy  mọi người xả rác?

- Có lần chứng kiến một bạn ném rác vèo qua cửa kính, tôi liền thét lên một tiếng khiến cả ô tô giật mình. Tôi bảo đứa bạn: "Mày vừa làm một hành động rất vô văn hóa đấy". Rất kì cục là họ được học ở những nơi văn minh nhưng lại không tiếp thu được văn minh. Còn cậu con trai nuôi 3 tuổi của tôi đã từng bị tôi đánh vào tay, dọa không cho đi chơi nữa, và bắt đi nhặt rác đấy (cười).

Trước kia ý thức của mình không được như bây giờ đâu, có đôi lần vì không có thùng rác nào ở gần mình đành phải ngó nghiêng chỗ nào người ta để nhiều rác thì mình để vào đấy. Nhưng giờ là người kêu gọi mọi người giữ vệ sinh môi trường thì mình phải gương mẫu. Túi của tôi luôn bị mọi người gọi là một nồi cám heo vì đi đâu không có chỗ vứt rác tôi lại tích trong túi, đợi về nhà vứt.

* Đi làm môi trường, có thiệt hại tới nhan sắc nhiều không?

- Những hôm nắng nôi phải đứng đứng giữa đồng lúa thì thiệt hại đáng kể, người đen sì luôn. Khách mời là những bác nông dân, làm những việc cụ thể rất tốt, nhưng đứng trước máy quay là "đứng hình", nên cứ phải quay đi quay lại. Nhưng không sao, cái gì cũng có giá của nó, đổi lại mình được nhiều kinh nghiệm. Nhan sắc thì tẩm bổ mấy hồi đẹp ngay (cười).



Làm từ thiện không nhất thiết phải bỏ tiền túi

* Một công việc chính của Hoa hậu là làm từ thiện. Tuy nhiên, công chúng không hiểu thực chất công việc này. Đôi khi hình ảnh mang lại rất hình thức, khiến công chúng nghi ngờ động cơ của các Hoa hậu.

- Công tác từ thiện là công việc chính của Hoa hậu. Hoa hậu là cầu nối giữa các doanh nghiệp với những cảnh đời khó khăn. Ví dụ khi đi làm quảng cáo với các doanh nghiệp mình nhân cơ hội đó để trình bày với họ. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn làm từ thiện, mình lại mách cho họ. Mọi người vẫn thắc mắc các hoa hậu làm từ thiện có bỏ ra đồng nào không? Đôi khi bọn tôi cũng bỏ tiền túi ra, nhưng việc đó không hiệu quả bằng việc mình là cầu nối để kết nối doanh nghiệp và bên có nhu cầu thực sự.

* Trong công việc này, chị có bị lợi dụng không?

- Có chứ, nhưng khi có kinh nghiệm hơn mình sẽ nhận biết doanh nghiệp nào có thiện tâm. Doanh nghiệp làm từ thiện đều muốn được quảng bá, điều đó cũng bình thường thôi. Quan trọng là mọi thứ phải cân bằng, đừng nói cho 100 quyển vở những cuối cùng lại ăn bớt, hoặc cho 100 thùng bánh kẹo sắp hết hạn rồi. Hoa hậu nên khuyến khích càng nhiều người làm từ thiện càng tốt

* Công chúng thắc mắc có những Hoa hậu sau nhiệm kì đầu đã giàu lên nhanh chóng. Ở một khía cạnh nào đó, công việc làm từ thiện rất có lợi?

- Tôi biết nhà báo muốn nhắc đến ai. Có thể mọi người hiểu chưa đúng. Có những hoa hậu xây dựng được hình ảnh rất tốt, và thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và những nơi khó khăn. Từ những gì cô ấy làm được, và cũng phần vì cô ấy đẹp, các doanh nghiệp đều muốn cô ấy là gương mặt quảng cáo, hình ảnh đại diện. Tiền kiếm được là từ những hợp đồng như vậy chứ không phải ăn bớt tiền từ thiện.

* Công chúng cũng nghi ngờ các Hoa hậu làm từ thiện vì danh hiệu buộc các cô phải như thế, còn khi có tân Hoa hậu thì những người tiền nhiệm được trút bỏ trách nhiệm?

- Thực ra năm đầu được công chúng chú ý, Hoa hậu cần phải có trách nhiệm với vương miện mình đeo. Sau đó nhiều Hoa hậu vẫn duy trì đều công việc từ thiện, nhưng không phải lúc nào cũng lên báo nữa. Với tôi việc làm từ thiện đã trở thành một thói quen tốt.

Ngoài ra, cũng phải nhìn vào thực tế, sau khi đăng quang bản thân các Hoa hậu cũng phải tìm công việc kiếm sống, họ buộc phải cân đối thời gian làm công tác xã hội. Việc Hoa hậu tìm một công việc ổn định cũng là động thái tốt cho xã hội, chứ để các bạn trẻ thấy Hoa hậu chẳng làm gì cũng có tiền thì rất nguy.



* Có vẻ như danh hiệu Hoa hậu giúp bạn được quảng bá một cách tối đa trong công việc. Tôi nhớ hồi bạn tốt nghiệp Đại học, bộ sưu tập của bạn dù rất bình thường nhưng được các báo mạng đăng rộng khắp. Ngay như hiện tại, các bộ sưu tập do bạn và ê-kíp thiết kế đều được các trang mạng đăng.

-Hồi tôi đăng quang, các báo rất quan tâm nên vào ngày tốt nghiệp mọi người đều đến đưa tin. Còn trong công việc hiện tại, danh hiệu đôi khi cũng có giúp ích, nhưng xã hội đánh giá đúng lắm. Ví dụ ê-kíp của tôi làm dự án, người ta sẽ trả đúng với công sức cả nhóm, chứ không phải vì trong nhóm có Hoa hậu. Thu nhập của chúng tôi cũng chỉ như những bạn sinh viên mới ra trường thôi, chứ chưa thể bằng thu nhập từ khoản các hợp đồng quảng cáo của tôi. Nhưng đây là công việc lâu dài, tôi không quá đắn đo, cứ cố gắng trau dồi, cứ đam mê cháy bỏng...

* Chị thấy mình đã "tốt nghiệp" khóa học Hoa hậu chưa?

- Đến giờ này tôi thấy vẫn phải học hỏi rất nhiều từ "lớp học" này. Có người nói làm Hoa hậu là làm cả đời, dù sau này mọi thứ rồi sẽ nhạt đi, có thể sẽ chẳng ai còn nhớ mình ngoài vai trò người vợ, người mẹ...

* Hiện tại các chương trình tuyển các tài năng thiết kế rất nhiều. Chị có ý định tham gia?

- Tham gia để lấy danh tiếng, tiền thưởng, kinh nghiệm tôi đều không cần nữa. Từ năm 13 tuổi tôi đã làm người mẫu, đi học trong trường, được làm việc với nhiều NTK, được trải nghiệm nhiều hơn rất nhiều bạn khác. Tôi mới ra trường 1-2 năm, còn quá nhiều thứ để học. Lớp của tôi tốt nghiệp mấy chục người nhưng chỉ còn chục người trụ lại được. Bản thân tôi đam mê công việc, hi vọng sẽ tạo nên phong cách rõ nét hơn sau mỗi mùa thiết kế.

* Chị có ý định du học nâng cao trình độ không?

- Thỉnh thoảng bố tôi vẫn hỏi tôi: "Bạn mày thất nghiệp lại đi học thạc sĩ chứ gì?". Nếu đi học chỉ để giải quyết khâu oai thì tốn kém quá. Tôi hiện tại chỉ muốn được làm việc và cọ sát thực tế.

* Còn giấc mơ với  thời trang?

- Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao Việt Nam lại không có những thương hiệu như Zara, H&M... Vì chưa có sự bắt tay nhuần nhuyễn giữa nhà sản xuất và NTK. Các NTK chỉ là những cá thể nhỏ lẻ, một mẫu thiết kế chỉ bán được cho 50-100 người. Với cá nhân đó thì họ cũng giàu đấy, nhưng với nền thời trang Việt Nam chẳng thấm tháp gì. Nếu bắt tay thì sẽ thúc đẩy nền thời trang Việt Nam.

Từ lâu tôi ấp ủ kế hoạch rất "vĩ mô" cho thời trang, nhưng một mình mình thì không làm được. Tôi cũng chỉ hiểu vấn đề ở mức độ như vậy nên sẽ còn phải cố gắng nhiều.

* Gần đây, chị đã được khen nhiều về cách ăn mặc. Làm Hoa hậu bị soi mói nhiều, chị có stress không?

- Tôi đọc mọi tin tức về mình, mẹ tôi còn chăm đọc hơn, cứ có vấn đề gì xảy ra với con là lại mất ngủ. Nhiều lúc tôi cứ trêu "mẹ mà làm Hoa hậu thì suốt ngày stress". Tôi tham gia showbiz 13 năm nên quen rồi, ít cái gì tác động vào tôi lắm. Tôi luôn có một cái nhìn tích cực, không lo lắng, và tự điều chỉnh. Có những cái truyền thông nói đúng mình tiếp thu, có cái họ “mô-đi-phê”, mình không quan tâm, không việc gì phải lu loa lên. Tôi thừa hưởng được tính cách mạnh mẽ của bố mà.

* Cảm ơn Ngọc Hân, chúc chị ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp và làm được nhiều việc ý nghĩa.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm