Hà Ân: Duyên nợ người Thăng Long

22/06/2010 21:59 GMT+7 | Người Hà Nội

1. Bạn văn ở xa về Hà Nội vẫn thường ghé qua chỗ Hà Ân. Ông kể: Vào đầu những năm 1980, Đoàn Giỏi có mặt tại Thủ đô. Gặp Hà Ân, tác giả của Đất rừng phương Nam đề nghị: Làm gì thì làm, ông giúp tôi có một kỉ niệm về Hà Nội. Ba ngày sau, nhờ một người bạn làm công tác bảo tàng, Hà Ân mượn thuyền đưa Đoàn Giỏi ra Hồ Gươm, ngồi trên bãi cỏ cạnh tháp Rùa. Uống hớp rượu, họ cùng đưa mắt dõi theo dòng người đang cuồn cuộn trôi quanh trục đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ. Khoảng cách của không gian dường như xóa đi những nét khắc khoải, ưu tư đang hằn trên khuôn mặt của những công chức lúc tan tầm, đủ để dưới con mắt của hai nhà văn, cảnh và người Hà Nội bỗng trở nên đẹp và thuần khiết hơn...

Bữa ấy, Đoàn Giỏi uống ít, nói ít, chỉ ngồi thần ra ngắm Hà Nội. Rồi vài ngày sau, gặp tôi, Nguyễn Tuân mắng tôi: mày xỏ tao. Ở Thủ đô bấy nhiêu năm, tao chưa một lần nghĩ tới chuyện ngắm Hà Nội từ một bữa rượu giữa Tháp Rùa - Tủm tỉm cười, nhà văn Hà Ân kể.

Nhà văn Hà Ân tên thật Hoàng Hiển Mô, sinh ngày 16/1/1928 tại Hà Nội, ông tốt nghiệp khoa Sử ĐH Sư phạm HN.

Các tác phẩm chính: Tướng quân Nguyễn Chích (truyện lịch sử, 1962); Quận He khởi nghĩa (tiểu thuyết lịch sử, 1963); Nguyễn Trung Trực (truyện lịch sử, 1964); Phú Riềng đỏ (truyện lịch sử, 1965); Bên bờ Thiên Mạc (truyện lịch sử, 1967); Tổ quốc kêu gọi (tiểu thuyết lịch sử, 1973); Trên sông truyền hịch (truyện lịch sử, 1980); Lưỡi gươm nhân ái (truyện lịch sử, 1981); Ông Trạng thả diều (truyện lịch sử, 1982); Cái chum vàng (truyện lịch sử, 1986); Vụ án trầu cánh phượng (truyện lịch sử, 1990); Kho báu gốc Hoàng Đàn (truyện lịch sử, 1993); Mùa chim ngói (truyện ngắn, 1995).

Hà Nội của Hà Ân đến từ những câu chuyện nhỏ, với những góc nhìn nhỏ và độc đáo như thế. Cũng giống trên các trang sách của ông, hàng loạt “người Thăng Long” của lịch sử: tài hoa, ung dung tiêu sái, giỏi từ cầm kì thi họa tới cưỡi ngựa đánh cầu... đều được xây dựng với nét bút khá thi vị và ngọt ngào. Đọc Trăng nước Chương Dương, ít người quên được cách nhìn của Hà Ân về những vị thân vương đất Thăng Long.   

2. Năm 1980, tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long ra mắt. Nhân vật trung tâm của cuốn sách là ông hoàng Sáu Trần Nhật Duật, người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, đã tự thoát ra và chiến thắng những ràng buộc mà số phận một vương gia mang lại cho mình. 20 năm sau mới đến lượt Khúc khải hoàn dang dở - phần hai của bộ sách. Khi ấy, Hà Ân ở tuổi ngoài 70. Ông hoàn thành những trang cuối cùng trong tình trạng sức khỏe khá mệt mỏi, nằm trên giường bệnh và đọc cho học trò đánh máy....

Đó không chỉ đơn giản là câu chuyện của một cuốn tiểu thuyết được viết tiếp. Phần hai của Người Thăng Long đã được viết gần xong vào năm 1986, trước khi nhà văn tự tay đốt bỏ và bắt đầu viết lại từ con số không. “Sự cố” xảy ra khi một số nhà nghiên cứu khẳng định tác giả bài cổ thi Phóng cuồng ngâm là Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung, chứ không phải Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng như nhiều người vẫn nói.

Về sự cố này, nhà văn Hà Ân tâm sự: “Tôi đã từng chọn Trần Quốc Tảng là nhân vật trung tâm của phần 2 cuốn sách. Đọc Phóng cuồng ngâm, tôi bị mê hoặc bởi một Trần Quốc Tảng lãng tử, sâu sắc mà ngạo đời, như làm thành một vế đối hoàn chỉnh với ông hoàng Sáu Trần Nhật Duật ở phần đầu. Thế rồi, viết gần xong thì mọi thứ đều hỏng cả vì Phóng cuồng ngâm. Không thể cắt đi chi tiết ấy mà giữ nguyên được nét tính cách nhân vật”.

Trăn trở, rồi cũng tới lúc Hà Ân đủ dũng khí để gạt đi ý tưởng “tạm” công bố bản thảo đã hoàn thành. Từ vài dòng trong cổ sử, ông chọn và xây dựng lại cho mình một người Thăng Long khác, một Đỗ Vỹ tài hoa, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình... Khúc khải hoàn dang dở được hoàn thành sau 20 năm kể từ khi khởi thảo.

Sự chỉn chu nghiêm khắc ấy có lẽ là đủ để minh chứng cho cách làm việc của Hà Ân. Một đời cầm bút, đa phần những sáng tác của ông đều là những tiểu thuyết lịch sử. Ở đó có cả một Tướng quân Nguyễn Chích về khởi nghĩa Lam Sơn, một Lưỡi gươm nhân ái về vua Quang Trung, một Quận He khởi nghĩa về Nguyễn Hữu Cầu... Nhưng cao nhất, những sáng tác về triều đại nhà Trần đã đủ để cái tên Hà Ân được công nhận như cây viết hiểu và cảm về thời đại lịch sử này một cách sâu sắc nhất, với những Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở...  

3. Một cơn tai biến trước Tết 2010 đã giữ nhà văn Hà Ân lại trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Quang Bích cho tới tận bây giờ. Xa hơn, trước đó vài năm, điều kiện sức khỏe cũng bắt ông phải buông dần việc dạy Kinh Dịch và Tử Vi cho những học trò quen biết tại nhà riêng.

Từ gần 40 năm qua, đọc, viết và dạy, ông sống như thế sau khi vợ mình qua đời. Ít người biết, ông cụ 80 tuổi ấy đã từng là một con gia đình khá giả tại Hà Nội, trước khi trở thành một cán bộ tình báo nội thành, sau đó làm đủ nghề: cán bộ văn hóa, bảo tàng, biên tập xuất bản và... viết văn từ tuổi 35. Tốt nghiệp ngành Sử học cùng vốn văn hóa sâu rộng, sự chuẩn bị đầy đủ ấy giúp cho những nhân vật lịch sử của Hà Ân tồn tại trong một thế giới rất riêng. Ở đó, họ tự sống, tự hít thở bầu không khí lịch sử, tự suy nghĩ và hành xử đúng với thời đại của mình, chứ không còn là những áp đặt sống sượng của người viết lên lịch sử.

Thật ra, từ khi hoàn thành Khúc khải hoàn dang dở, sức khỏe của nhà văn Hà Ân cũng đã yếu đi nhiều. Quãng thời gian 10 năm từ đó tới nay, ông không còn sức để triển khai tâm nguyện cuối cùng của mình: một cuốn tiểu thuyết lịch sử về trận thủy chiến Bạch Đằng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Tư liệu thực địa, truyền thuyết dân gian... về những gì xảy ra tại khúc sông lịch sử ấy, Hà Ân đã có ý thu vén từ thập niên 60. Nhưng bây giờ, ở tuổi 82, nét bút của ông về bức tranh lịch sử về thời Trần không còn đủ sức để tung hoành nữa.

Điều ấy, không chỉ Hà Ân, mà tất cả các độc giả của ông cũng thấy tiếc và buồn!

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm