Đi để sống

14/05/2009 17:41 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đó là một chuyến đi mà tôi không bao giờ quên được. Suốt cuộc đời này.

Đội chúng tôi gồm 7 người. Nơi chúng tôi đóng quân là cung đường Trường Sơn ở Đakglei - Kon Tum. Ngày hôm trước chúng tôi đi bộ suốt 25 cây số để thăm các đồng chí khác làm nhiệm vụ chăm sóc đồng bào ở tuyến trong. Đôi dép râu của tôi bị đứt khi chuyến đi vừa bắt đầu khoảng năm cây số. Thế là đôi chân trần của người con gái vừa 20 tuổi đầu cứ xăm xăm trên suốt quãng đường còn lại đến ngày hôm sau. Mọi người nhìn tôi ái ngại, tính gan lì làm tôi chẳng thấy đau, một phần tôi cố tỏ ra mạnh mẽ để động viên mọi người, vì tôi là đội trưởng.

Trời sập tối mà chúng tôi vẫn chưa đến nơi, còn năm cây số nữa, đường rừng đi phải hơn ba giờ. Trên đường đi, có một lán đóng quân của đội khác, họ đã đi ra huyện lấy thêm lương thực, còn một chiến sĩ trực chốt. Cùng là đồng chí nên anh cho chúng tôi ở nhờ qua đêm. Cái lạnh thấu da trong đêm của núi rừng Trường Sơn đến bấy giờ chúng tôi mới biết, rồi mỗi người cột võng và leo lên nằm nhưng có ngủ được đâu. Bất chợt, một đứa cất tiếng khe khẽ: Đêm Trường Sơn, chúng cháu nhìn trăng nhìn mây… Rồi bài hát này nối tiếp bài hát khác… cứ thế chúng tôi hát lần lượt trong đêm khuya… Lòng ấm lại.

Hôm sau, chúng tôi không đi tiếp, vì với tốc độ đi như thế thì chắc chắn hôm nay về lại lán không kịp. Tôi viết lá thư nhờ gửi cho đồng chí tuyến trong như lời động viên tinh thần, khuyến khích anh em làm tốt nhiệm vụ. Lá thư như gửi gắm tâm tình nhớ về một cô em nhỏ cũng đang làm nhiệm vụ chiến sĩ - đội trưởng như tôi. Mục đích chuyến đi không thành nhưng trong cái lạnh đêm qua và những bài hát khiến khoảng cách giữa chúng tôi đã không còn. Tuy nhiên, trên đường về, tôi và một đồng chí khác muốn đi men theo suối để về cho nhanh nhưng năm người còn lại không đồng ý. Cảnh núi rừng hùng vĩ, lại thêm dòng suối xanh trong khiến tôi không cầm lòng được và quyết định chia ra làm hai tốp xem ai về đơn vị trước.

Tôi và anh bạn đi khoảng bốn cây số thì hết đường. Đoạn này, suối tràn lên bờ, nước chảy ào ạt giống như một con sông. Tôi và anh bạn bước xuống suối thì lớp đất mềm nhũn phía dưới và cái cuồn cuộn của dòng nước ngang ngực làm chúng tôi chùn chân. Cạnh tôi là vách núi thẳng đứng, cây cối mọc lởm chởm, nhìn ngược về và nghĩ tới hơn hai giờ đồng hồ để quay lại, tôi và anh thấy nản. Anh nói: “Lối này leo lên được em à. Em có sợ không"? “Em không sợ, nhưng em đang đi chân đất đấy”. “Càng tốt”.

Anh leo lên trước, tôi theo dấu giày của anh mà leo. Vách núi thẳng, tôi thấy mình cheo leo. Tôi không nhớ rõ vách núi cao bao nhiêu, chỉ nhớ là nó làm tôi mệt lắm. Đôi chân trần của tôi không đơn giản như anh nghĩ, sau cơn mưa chiều qua, đất rất trơn trượt, có những đoạn anh đỡ tay tôi kéo lên, nhưng có lúc tôi phải tự nỗ lực bằng sức của mình. Tôi bắt đầu run khi cảm thấy đôi chân đang yếu dần, bàn chân không còn nghe theo lời tôi nữa, vài lần tôi bị trượt xuống rất dài. Tôi bám lấy những gì có thể trong tầm tay, có khi là mô đá từ trong vách núi, có khi là sợi rễ của thân cây, tôi cứ chụp bừa để mình không rớt xuống suối. Anh không bị trượt như tôi vì anh mang giày nhưng cũng rất vất vả. Tôi ngước nhìn anh cầu cứu, anh cố kéo tôi lên nhưng rất khó vì tư thế cheo leo của anh và cái trơn trượt của đất đã không đồng tình cùng chúng tôi. Tôi cảm nhận cái chết đang đến gần nhưng không dám la hét hay rên rĩ vì tôi biết, giờ phút này, chỉ cần một người tỏ sự sợ hãi là cả hai sẽ cùng chết tại đây vì quá sức. Tôi nghĩ đến cha mẹ và những ước mơ mà tôi vẫn chưa thực hiện được, không lẽ tôi lại bỏ mình nơi này vô lý như vậy sao? Đây đâu phải là chiến tranh.

Đó là chiến dịch mùa hè xanh đầu tiên mà tôi tham gia trong đời sinh viên, Đoàn trường tôi vốn luôn xung kích vào những nơi khó khăn xa xôi nhất, trường tôi được phân bổ vào 10 xã của ĐakGlei-KonTum. Với bản tính quyết đoán, sôi nổi tôi đã được chọn làm đội trưởng nhưng chỉ một quyết định sai lầm lần đó mà tôi suýt chết nơi núi rừng Trường Sơn ấy…

Khi tôi định thả tay để rơi tự do, đầu hàng số phận vì không còn sức nữa thì chợt nghe tiếng la: “H. ơi! Thấy rồi, thấy rồi, mặt đường, mặt đường đây nè. Em ráng lên. Cố lên, chút nữa thôi”. Như có một bàn tay vô hình từ dưới khoảng không đẩy tôi lên, tôi dùng hết sức hơi tàn để cố giành sự sống. Lên được tới mặt đường, tay chân tôi bủn rủn và nỗi dồn nén sợ hãi của tôi chỉ chờ có thế để vỡ òa, tôi khóc thật to và khóc rất lâu, tôi nằm vật ra ngay giữa mặt đường và cứ thế mà nằm khóc mãi cho đến lúc các chiến sĩ kia bắt kịp chúng tôi.

Trong lúc khóc, tôi đã nhận ra nhiều thứ thật quý giá, sinh mạng của tôi, của anh bạn, tình thương của cha mẹ, bạn bè. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã nhận ra được cái chết và sự sống nó gần đến thế nào của các chiến sĩ năm xưa, trong đó, có cả cha tôi, một cựu lính Trường Sơn cũng từng băng đèo vượt suối, cũng hát vang những bài ca bất diệt. Cha đã từng kể cho tôi nghe rất nhiều kỷ niệm ở Trường Sơn và về sự hi sinh anh hùng của các chiến sĩ ngày ấy. Vậy mà, chỉ vì không nghe lời khuyên từ đồng đội của mình, tôi suýt chết một cách vô nghĩa chứ chẳng hào hùng như các anh, các chú ngày xưa. Núi rừng Trường Sơn, lòng yêu nước, tình đoàn kết, tình chiến sĩ, cái khoảnh khắc giữa cái sống và cái chết của chuyến đi ấy mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được vì tôi đã nhận ra rất nhiều điều quý giá trong cuộc đời này.

Nguyễn Thị Thanh Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm