Cựu lính dù Baumgartner lập kỷ lục thế giới với “cú nhảy chết người”

15/10/2012 11:00 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Online)- Tay nhảy dù người Áo Felix Baumgartner đã phá kỷ lục nhảy dù lập cách đây 52 năm và lập kỷ lục về độ cao cho khinh khí cầu.



Felix Baumgartner thực hiện cú nhảy- Ảnh Getty

Cựu lính dù người Áo Felix Baumgartner, 43 tuổi đã thực hiện cú nhảy từ khoang chứa được đưa lên độ cao 38,6 km (24 dặm) bằng khinh khí cầu vào ngày hôm qua (14/10). Sau khi ngồi trong một con tàu có áp suất được kéo bằng một khinh khí cầu bơm đầy 850.000 mét khối khí helium, Baumgartner đã nhảy ra khỏi con tàu ở độ cao hơn 38 kilomet, lao xuống mặt đất trong vòng 5 phút rưỡi trước khi bung dù ở độ cao khoảng 1,6 km (1 dặm). Ít phút sau, anh tiếp đất an toàn. “Anh ấy làm được rồi”, tiếng hò hét vui mừng của những đồng đội trong đội Mission Control của Baumgartner.

“Felix liều mạng” là biệt danh mà các chiến hữu đặt cho Baumgartner khi anh từng thử tài ở những tòa nhà chọc trời như tháp Petronas ở Malaysia hay tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro. Để chuẩn bị cho cú nhảy nói trên, Baumgartner đã phải chuẩn bị trong 5 năm về thể lực, tinh thần và cả những thống kê vật lý để làm sao tiếp đất hoàn hảo nhất.

Theo kết quả sơ bộ được trích dẫn bởi Brian Utley, một quan sát viên chính thức được giao nhiệm vụ theo dõi cú nhảy, Baumgartner đã phá vỡ kỷ lục nhảy cao nhất. Và tại một thời điểm trong cú nhảy đó, Baumgartner đã hoàn thành được mục đích rơi tự do nhanh hơn tốc độ âm thanh với 1.100 km/giờ (833,9 dặm/giờ).

Với cú nhảy vừa rồi, Baumgartner đã phá vỡ kỷ lục thế giới được lập nên hơn 50 năm trước bởi đại tá về hưu của Không lực Hoa Kỳ Joe Kittinger, người thực hiện cú nhảy năm 1960 từ độ cao 31,3 km. Ông Kittinger, nay đã trên 80 tuổi cũng đã có mặt để chứng kiến cú nhảy của hậu bối và thực hiện vai trò người liên lạc giữa tiền trạm và mặt đất.

Tôi đã chiến đấu bằng mọi cách để có thể giữ được sự kiểm soát bởi tôi muốn vượt qua tốc độ âm thanh. Và giờ tôi đã làm được”, Baumgartner xúc động chia sẻ. 

Kỷ lục của Baumgartner còn phải chờ Hiệp hội Không gian Quốc tế (FAI) chứng thực. Đại diện của FAI sẽ phân tích các dữ liệu GPS thu được trên một micro gài ở ngực của VĐV trước khi ghi nhận chúng.

K.Đ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm