Cây chè Việt Nam và thương hiệu Shan Tuyết Suối Giàng

01/12/2009 16:29 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Tôi vẫn nhớ những ngày lũn cũn theo ông đứng bên ban thờ gia tiên, ông luôn dặn: “Trà, hoa, oản, quả; còn rượu chỉ để cúng khi có mâm cơm với đồ ăn mặn thôi, cháu nhớ nhé!”

Chính lời dặn của ông đã để lại trong tâm trí non nớt của tôi một ấn tượng về cây chè và tục uống trà của người Việt để mỗi khi có cơ hội là tôi lại tò mò tìm hiểu về cây chè Việt Nam.


Đến nay cả thế giới có hơn 40 nước trồng chè và uống trà đã thành thói quen của nhiều nước trên thế giới. Trước đây tôi chỉ biết đến Trà Đạo (Chanoyu) của người Nhật, Trà Pháp (Kungfu tea) của Trung Hoa chứ chưa biết đến sự nổi tiếng của Trà sen Việt Nam. Và Việt Nam là một trong bốn nền văn hoá trà lớn nhất của nhân loại (cùng Nhật, Trung Quốc và Triều Tiên).

Chè có mặt ở hầu khắp các gia đình Việt Nam; không quá câu nệ vào nghi thức, không phân chia giai tầng mà giản dị, bình dân và rất đỗi tự nhiên. Người Việt uống trà ở mọi nơi, mọi lúc chứ không nhất thiết là phải vào dịp đặc biệt nào. Khách đến nhà, chén trà thay lời cho sự tiếp đón nồng hậu; trà nóng, trà đá vỉa hè là thói quen, là sở thích của nhiều người. Tôi có những người bạn vong niên, dù ở quán café hay những nhà hàng sang trọng, họ đều gọi riêng cho mình một ấm trà nóng. Có lẽ một phần cũng bởi cây chè có mặt ở khắp nơi: từ khoảng vườn nho nhỏ trước nhà đến những triền đồi, vạt rừng xanh tít tắp.

Vì sự “bành trướng” của Kungfu tea mà rất nhiều người cho rằng những cây chè đầu tiên trên thế giới là của Trung Quốc. Thế nhưng thực tế lại không phải vậy, theo “Trà Kinh” của Lục Vũ nhà Đường thì người Việt có tục hãm chè với nước sôi để uống, muộn nhất cũng ở thế kỉ thứ 3.SCN. Còn người Hoa, đến thế kỉ thứ 7 mới học người bản địa mà biết đến tục ấy. (Người Nhật biết đến cây chè cách đây khoảng 800 năm, còn Trà Đạo có khoảng 500 năm lịch sử).


Gần đây, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới và Hiệp hôi Chè Việt Nam thì quê hương của cây chè không phải là Trung Hoa mà ở mãi phương Nam, người Hoa biết đến trà từ đời Chu nhưng sang tận đời Tuỳ cây chè mới từ phương Nam (Nam Chiểu xưa) và Việt Nam (Nam Việt xưa) nhập vào Trung Quốc.

Nửa cuối thế kỉ 20, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Djemukhatze đã nghiên cứu sự tiến hoá của cây chè, ông phân tích các chất catessin trong những cây chè hoang dại ở nhiều vùng chè khác nhau trên thế giới (nhiều nhất là Việt Nam và Trung Quốc) và kết luận: tổng hợp các chất catessin của cây chè Việt Nam đơn giản rất nhiều so với cây chè Vân Nam (Trung Quốc), chứng tỏ cây chè Vân Nam là sự tiến hoá của cây chè Việt Nam. Và kết luận cuối cùng về mô hình tiến hoá của cây chè thế giới mà Djemukhatze đưa ra là: Camellia (cây thuộc họ Chè, có nguồn gốc ở Đông và Nam Á) – chè Việt Nam – chè Vân Nam – chè Trung Quốc – chè Assam (Ấn Độ).

Một chuyên gia về chè của xứ sở Trà Đạo (Chanoyu) được người Việt Nam biết đến qua báo Thanh Niên là ông Hideo Onishi, ông đã rất tâm huyết với các vùng chè Việt Nam tin rằng những cây chè của Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Việt Nam, và ông đã “phải lòng” chè nước ta: “Phần còn lại của đời tôi, tôi sẽ dành cho cây chè Viêt Nam”.


Người ta thường bảo “Chè Thái…”, thế nhưng chè Shan Tuyết Suối Giàng mới thực sự là đặc sản. Cây chè Shan Tuyết chỉ có ở hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang; rất ít người có cơ hội được thưởng thức thứ trà ấy bởi giá mỗi kg chè Shan Tuyết có giá đến bạc triệu. Chè Shan Tuyết đắt không chỉ bởi chất lượng, bởi hiếm mà vì cây chè sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không thuốc trừ sâu, không phân bón hoá học và Shan Tuyết là loại duy nhất được xếp vào hàng “chè sạch”.

Yên Bái, với nhiều người là đêm xoè của những cô gái Thái hay ruộng bậc thang Mù Cang Chải, còn với tôi, ấn tượng nhất vẫn là những gốc chè cổ thụ trên Suối Giàng mờ mịt hơi sương.

Suối Giàng nằm ở độ cao từ 1500 – 1800m so với mực nước biển, khí hậu ôn hoà; đứng trên Suối Giàng, thoắt cái mây mù kéo đến, mọi thứ mờ ảo; thoắt cái mây trời giãn ra, lúc ấy mới nhìn rõ những cây chè cổ thụ hoang dại. Toàn xã có hàng vạn cây chè cổ thụ trên 100 tuổi, có cây, các nhà khoa học đếm được đên 300 tuổi và là một trong những cây chè tổ của thế giới còn sót lại. Thực ra chè Shan Tuyết không chỉ có mặt ở xã Suối Giàng mà còn mọc hoang dại lan sang cả nhiều xã của huyện giáp ranh Trạm Tấu nhưng thương hiệu chè Shan Tuyết chỉ dành riêng cho Suối Giàng.


Chè Suối Giàng thân to (có cây hai người ôm chưa kín), u lên những vấu, lá chè xanh rì, búp chè phủ lông tuyết trắng vẫn được so sánh với búp đa mập mạp; khác hẳn những cây chè ở đồng bằng hay ở rất nhiều nơi khác mà tôi đã từng nhìn thấy. Cây chè ở đây chẳng bao giờ bị phát cành để cho cây tức mình mà nảy búp, chia cành; mỗi năm bà con thu hoạch chè bốn lần và cách mà bà con bắt cây chè phân nhánh bao đời nay thài thật là sáng tạo, độc đáo: những tảng đá vôi lớn bé được nhét vào các khe, cứ thế thân chè tự tách thành nhánh, từ đó lượng búp chè nảy nở mà chẳng cần phát cành.

Những búp chè sau khi sao công phu trên than củi (bí quyết riêng của bà con người Mông Suối Giàng, điều cốt yếu làm nên chất lượng nức tiếng của thương hiệu chè Shan Tuyết Suối Giàng), uốn móc câu (là những đọt non nhất nên bị quăn lại thành hình móc câu khi sao) mà vẫn còn một lớp tuyết mỏng bám lại; chè Shan Tuyết Suối Giàng nước vàng sóng sánh, chan chát, ngòn ngọt, có gì đó là lạ, quyến luyến nơi đáy họng…

Giờ có rất nhiều loại trà túi nhúng nước nóng với rất nhiều hương vị, nhiều nhãn hiệu đang tràn lan khắp các chương trình quảng cáo, quán xá song chúng không thể nào thay thế được trà mạn trong tâm thức mỗi người Việt Nam, và được một lần thưởng thức chè Shan Tuyết Suối Giàng vẫn là mong muốn của rất nhiều người.

Huy Viên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm