Cảm xúc lần đầu ra với Trường Sa

14/05/2009 17:41 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Ngày đó, cách đây khoảng hai chục năm, phương tiện và giấy phép ra ngoài Trường Sa phải dựa vào lực lượng quốc phòng. Phần vì bí mật quân sự, phần vì ở Trường Sa nơi ấy, ngoài mấy hòn đảo nổi, đảo chìm bé tí tẹo, chỉ là những cái chấm nhỏ như hạt cát trên bản đồ, đã có gì và có ai ra ngoài đó đầu tư, để khai thác vùng biển xa của Tổ quốc đó đâu.

Nhưng với tôi, một người lính từng chiến đấu ở Trường Sơn, từng hiểu thế nào là hi sinh, mất mát, thì với Trường Sa, tôi vừa thấy gắn bó máu thịt, vừa thấy xa xôi khó tới được lắm. Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sa bởi cũng như Trường Sơn trước kia, chúng tôi hiểu thế nào là Tổ quốc, đã hi sinh và chiến đấu vì nó. Còn nó xa bởi vì nó đúng thật là xa... biển khơi tít mù thăm thẳm, biết đến khi nào mới có điều kiện ra ngoài đó. Bởi đó là vùng biển nhạy cảm, một vùng biển mà có đến 6 quốc gia tranh chấp và đòi chủ quyền. Với người lính, gìn giữ từng tấc đất của ông cha, là điều dễ hiểu. Để giữ gìn được, ông cha ta đã chấp nhận nhiều hi sinh và chúng tôi-những người lính từng kinh qua chiến tranh, cũng đã hiểu thế nào là hi sinh.

Ảnh lấy từ Vn.net


Dịp may đến, tôi có tên trong đoàn tham gia khảo sát ngoài Trường Sa, cùng cánh báo chí thâm nhập cuộc sống của bộ đội trên đảo. Tôi chuẩn bị ra đảo hệt như ngày xưa đi chiến đấu, ba lô và tư trang như người lính thực thụ.

Tôi từ nhỏ đã sợ sóng nước. Cứ chòng chành trên đò qua sông là tôi đã sợ. Nỗi sợ mơ hồ và lởn vởn suốt quãng thời gian trên sông. Huống hồ bây giờ lại đi ra biển. Cái mênh mang trời biển thì lãng mạn đấy, hùng vĩ đấy, nhưng mà chỉ xem trên màn ảnh thôi, chứ đối mặt với nó, tôi thật không dám. Vậy mà tôi lại yêu biển. Tình yêu biển của tôi bắt đầu từ ngày xưa, cái ngày tôi còn là học sinh. Tôi đọc “Thép đã tôi thế đấy” và rất yêu người chính uỷ mặc áo thuỷ thủ Giu-khơ-rai, người lính thuỷ chiếm được cảm tình của Pa-ven, có lẽ cũng từ sự phôi pha, sóng gió. Tôi cũng rất cảm phục sự phôi pha, sóng gió. Từ đó, cái áo sọc lính thuỷ, cái giải mũ lính thuỷ, cái mỏ neo trên mũ và cả cái sự ngang tàng vươn người trước sóng gió, bão tố của lính thuỷ là thần tượng của tôi. Đã là thần tượng thì phải yêu quá đi rồi.

Con tầu khách nhỏ bé được tận dụng từ đống tầu bỏ đi của Nhật Bản, người ta đem đăng kiểm, chở đầy người và chất đầy hàng hoá cho lính đảo, đưa chúng tôi ra Trường Sa vào một ngày tháng tư. Nghe nói, biển mùa này rất êm. Dẫu sao, trên con tầu này, vẫn cảm thấy chút nào đó yên lòng hơn những chiếc tầu cá 90 mã lực bé xíu. Cư nghĩ tầu dập dềnh dập dềnh lướt trên sóng mà sợ. Hành khách chuyến đi này, ngoài cánh khảo sát thực tế bọn tôi, còn lại đều là bộ đội ra thay quân ngoài đảo.

Phải mất nửa ngày, con tầu rì rì chạy như rùa bò trên sông Sài Gòn. Chúng tôi được phát mỗi người một cái chiếu để tự tìm chỗ ngủ. Theo kinh nghiệm của cánh lính thuỷ, lính sông nước, tôi tìm một chỗ thoáng trên boong tầu, rải chiếu, nằm ngắm trời, ngắm sông.

Qua một đêm, tầu đưa chúng tôi tới biển. Phía sau kia là mờ mờ Vũng Tầu, phía trước là mênh mông biển. Vậy là đã ra đến biển, lần đầu tiên đi trên vùng biển của Tổ quốc. Lòng lâng lâng tự hào, lâng lâng như trong mơ.


Càng ra xa, càng thấy mênh mông. Nước biển cứ thăm thẳm và rờn rợn kì bí. Sâu thẳm dưới kia là gì? Chuyển động của các dòng xoáy, sự sống của các loài thuỷ sinh và bất ngờ là những con sóng với sức mạnh khủng khiếp...Hàng ngàn câu hỏi với biển có từ cả ngàn năm nay, con người mới trả lời được mấy? Cánh thuỷ thủ nói với chúng tôi, bây giờ sóng êm thế này nhưng đến chiều có khả năng sóng mạnh hơn. Mọi người nhớ chuẩn bị chỗ nằm cẩn thận, đề phòng bị say sóng.

Đúng như các chàng thuỷ thủ thông báo, sau bữa cơm trưa, tôi bỗng thấy người nôn nao. Những con sóng bạc đầu đã chờn lên mép boong. Thỉnh thoảng một vạt nước hắt lên những tấm bạt che hàng, kêu rào rào như mưa đổ. Thuyền trưởng thông báo “sóng đang ở cấp 4 và 5. Tôi cố vịn thành lan can, đứng nhìn ra xa để tránh buồn nôn. Con tầu lắc lư. Tôi nhận ra sự nhỏ nhoi của con tầu hai trăm tấn với biển cả. Từng đợt sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô vào mạn tầu. Con tầu vẫn bền bỉ, nhẫn nại chồm lên phía trước. Chậm lắm! Cứ nhìn sự vật vã của con tầu trước các con sóng, tôi mới thấy cái sức mạnh đáng sợ của biển.

Ngước nhìn lên đài chỉ huy, thấy thuyền trưởng vẫn tươi cười nói chuyện với đoàn trưởng của chúng tôi, tôi về chỗ nằm của mình. Nụ cười của con người chèo lái con tầu làm tôi yên tâm. Giữa mênh mông biển khơi và sóng đập liên hồi, chưa khi nào tôi thấy vai trò của người thuyền trưởng quan trọng như lúc này. Tôi đã thấy khó chịu trong người lắm rồi, nghĩ đến nụ cười của thuyền trưởng, tôi nhắm mắt tự nhủ “phải phó mặc số phận của mình thôi cho con sói biển đó thôi”. Biển yên và êm đềm là vậy đó. Thật bây giờ mới hiểu thế nào là sóng là gió. Càng ngẫm, tôi càng thấy biển chất chứa trong mình bao nhiêu hiểm nguy và vô số những bất ngờ khó lường trước. Biển với tôi càng bí ẩn hơn. Và bỗng tự nhiên, tôi cảm phục những con người suốt đời gắn mình với biển cả. Những chàng thủy thủ, những người thuyền trưởng cả cuộc đời lênh đênh trên sóng, đối với tôi, họ đúng là “sói biển”.


Ba ngày đêm bồng bềnh, hầu như hai trong ba ngày đó tôi không ăn, vậy mà khi nghe thông báo phía xa kia là Trường Sa, tất cả những anh chàng đang ngắc ngoải vì sóng như tôi đều vùng dậy. Bọn tôi chuyền tay nhau cái ống nhòm của thuyền trưởng. Ai cũng háo hức, ai cũng muốn được xem hình dạng cụ thể của nó, mảnh đất thân yêu ở nơi đầu sóng với đầy đủ đúng nghĩa của tên gọi. Riêng tôi, tôi cứ lâng lâng, rạo rực khó tả.

Tôi từng đứng trên cao nguyên Mộc Châu lồng lộng mây trời cũng từng đặt chân tận mũi Cà Mâu với mênh mang rừng đước, vẫn không có cảm giác như ở nơi này, nơi chỉ thấy ngập có gió trời và biển nước. Tôi ngẫm mãi về sự thiêng liêng. Có phải vì nó quá xa, quá gian khổ? Không, thiêng liêng bởi chính đây, giữa chốn bao la trời đất này, trong sự nghiệp mở mang bờ cõi, ông cha ta đã mất bao công sức chinh phục và gìn giữ.Tôi nghĩ mãi về cái nỗi gian nan, về cái sự đơn độc mà con người ngoài biển khơi sẽ phải chịu đựng. Vâng, đó là sự cô đơn, sự chông chênh, sự trống vắng và cả ngàn nỗi buồn, nỗi nhớ nữa chứ. Họ, những người lính đảo, đã phải vượt qua các cửa ải đó, bởi mỗi người trong họ, đều có dòng máu của đội Hoàng Sa-những người đầu tiên chinh phục biển cả, mở mang bờ cõi.

Tầu không vào được sát đảo, phải neo cách đảo năm bảy trăm mét. Đây là một đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa. Chúng tôi vào đảo bằng xuồng máy. Mọi thứ hàng hoá gửi cho đảo đều phải vận chuyển bằng cách này. Tất cả các loại lương thực, thực phẩm cho chiến sĩ đều phải được đóng gói cẩn thận. Vất vả, nhưng mà lính đảo vui vì có người nói chuyện. Những tin tức của Tổ quốc mà họ hàng ngày đứng nơi tuyến đầu bảo vệ, bây giờ họ mới biết. Có sự cô đơn nào bằng sự cô đơn của lính đảo Trường Sa?

Chỉ được sống gần một ngày với một điểm đảo, tầu còn phải đi tiếp tế cho các đảo khác. Đứng trên boong tầu mà thương cho các “Rô-bin-sơn”của ta. Những nụ cười của những người giữ đảo làm rối lòng người đi. Lại phải chờ bao lâu nữa mới có tầu ra, bao lâu nữa mới được thay thế, bao lâu nữa mới nhận được những hơi thở của đất liền, những lời nhắn nhủ của người thân? Các chàng lính biển vẫy chào chúng tôi, chúng tôi vẫy chào lại mà mắt nhạt nhoà và lòng thắt lại. Tầu đã đi xa lắm rồi, mắt thường không nhìn thấy những người lính trên đảo nữa. Tôi chạy lên ca-bin thuyền trưởng lấy cái ống nhòm, những người lính vẫn xếp hàng đứng nhìn về phía tầu chúng tôi. Hơi thở của quê hương như vẫn còn vương vấn.

Tôi thêm hiểu hai chữ hi sinh.Vì sự bình yên và toàn vẹn của Tổ quốc, hàng ngày có bao nhiêu sự hi sinh như thế! Sự hi sinh của những người lính đảo có thể ví như mênh mông biển kia được không? Qua bao thế hệ rồi, tôi nghĩ, chỉ có mênh mông và sâu thẳm của biển mới so sánh được sự hi sinh đó.

Vinh Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm