Các quốc gia chủ nhà Asiad, Olympic, World Cup: Cơn ác mộng mang tên 'trả nợ'

04/04/2014 08:14 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Khi đăng cai những sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới, mục tiêu của các quốc gia chủ nhà là nhằm đánh bóng hình ảnh của mình cũng như quảng bá du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Thế nhưng, nhìn lại lịch sử từ trước đến nay, có rất ít quốc gia tổ chức Olympic, World Cup, Asiad mà không phải è cổ ra trả nợ (có chăng chỉ có Mỹ bỏ ra 1,8 tỉ USD để tổ chức Olympic Atlanta 1996 và thu về lời được 10 triệu USD). Phần lớn các quốc gia chủ nhà còn lại đều hết sức vất vả với việc thanh toán công nợ hậu Đại hội, thậm chí có những quốc gia còn phải oằn lưng trả nợ hàng chục năm sau khi các sự kiện thể thao này khép lại.

Cách đây 38 năm, thành phố Montreal (Canada) đăng cai Olympic mùa Hè 1976. Thế nhưng, việc quản lý yếu kém và chi phí đội lên một cách khủng khiếp đã khiến cho thành phố này mắc nợ tới 1,2 tỷ USD sau khi Thế vận hội mùa Hè kết thúc.

Và phải đến 30 năm sau, tức là đến tận năm 2006, người dân thành phố Montreal mới có thể trả hết số nợ mà sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh để lại.

Người Nhật vốn giỏi tính toán là vậy nhưng theo một nghiên cứu của trường Kinh doanh Said thuộc Đại học Oxford thì việc tổ chức Olympic mùa Đông Nagano 1998 cũng đã mang lại thảm họa tài chính cho Nagano nói riêng và cho cả nước Nhật nói chung, khi mà kinh phí tổ chức Olympic đã bị đội lên đến 56% so với dự toán ban đầu. Hậu quả mà Olympic Nagano 1998 để lại là khoản nợ 30.000 USD cho mỗi hộ gia đình Nagano, và dự kiến phải mất tới 17 năm, tức là sang năm 2015, họ mới có thể trả được hết.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc tổ chức các sự kiện thể thao có lẽ là Hy Lạp, quốc gia đăng cai Olympic Athens 2004. Cũng theo kết quả nghiên cứu của trường Kinh doanh Said thì chi phí tổ chức Olympic Athens (khoảng 9 tỷ euro trong đó có 7 tỷ là ngân sách quốc gia) đã vượt quá khả năng chi trả của Hy Lạp tới 60%, khiến cho quốc gia này lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.

Chỉ vài ngày sau lễ bế mạc, chính quyền Athens đã báo cáo nợ công đã lên tới 168 tỷ euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,3% con số thâm hụt này. Để rồi sau Olympic 2004, Hy Lạp rơi vào cảnh nợ nần, buộc mỗi hộ gia đình gánh khoản nợ 50.000 euro và theo tính toán sẽ phải mất 36 năm mới có thể trả hết.

Trong khi đó, thống kê trên trang điện tử www.businessweek.com cho biết khoản lỗ mà Ba Lan, Ukraine và Kazakhstan phải gánh chịu cho những lần tổ chức các sự kiện thể thao của mình (Ba Lan - Ukraine tổ chức Euro 2012, Kazakhstan tổ chức Á vận hội mùa Đông 2011) lần lượt là 16 tỉ USD với Ukraine, 25 tỉ USD với Ba Lan và 1,6 tỉ USD với Kazakhstan - những con số khổng lồ mà người dân các quốc gia này sẽ phải gánh chịu.

Trở lại với Asiad 14 tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 năm nay, theo nhật báo uy tín Korea Times thì tổng số nợ của thành phố Incheon tính đến tháng 4/2012 đã là 3.000 tỉ won (266 triệu USD), gấp hơn 2 lần so với mức 1.400 tỉ won vào năm 2007 (130 triệu USD) khi vừa nhận quyền đăng cai Á vận hội, trong khi nguồn thu thuế của Incheon hầu như không tăng bao nhiêu.

Để bù vào khoản nợ khổng lồ này, chính quyền Incheon đã phải phát hành trái phiếu nhằm tài trợ cho các dự án đang xây dựng, bất chấp một thực tế là thị trường bất động sản đang khá trì trệ. Đấy là còn chưa kể đến việc chính quyền Incheon đã nợ 6.000 công nhân, nhân viên số tiền lương đúng hạn phải trả 2 tỉ won (2 triệu USD).

Việc tổ chức Asiad 2014 đã và đang khiến cho thành phố Incheon phải gánh thêm số nợ lớn do đầu tư quá nhiều hạng mục, trong khi các khoản nợ xây dựng hạ tầng giao thông trước đó vẫn chưa được thanh toán hết.

Hương Thùy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm