Bà ra thủ đô trông cháu

18/05/2009 17:17 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Con gái lớn tôi lấy chồng. Một năm sau cháu có con. Con trai. Cả hai bên nội ngoại đều mừng. Mừng vì con đầu cháu sớm. Mừng vì sinh nở mẹ tròn con vuông. Tên khai sinh của thằng cháu có bốn chữ, có họ của bố, của mẹ, chữ đệm và tên. Chả ai gọi tên thật. Ai cũng chỉ quen gọi nó bằng cái tên nôm là Đốm. Thầm ví là con chó Đốm – chú cún con xinh xinh thật đáng yêu (Kiểu tên này thành như cái mốt ở thành phố lâu nay thì phải).

Chẳng hiểu ở các tỉnh thành khác thế nào chứ ở Thủ đô, vợ chồng trẻ sinh con, chẳng mấy gia đình không bấn xúc xích lên vì chuyện lo tìm kiếm ô-sin. Người ta bảo giá vàng, giá đô có lúc lên, lúc xuống, chứ giá ô-sin chỉ có một chiều lên. Giá lên mà còn khó mướn. Nói thế để càng thấy rằng thằng cháu ngoại nhà tôi là may mắn lắm vì có bà nội ở quê ra trông cháu. Khi trẻ thì nuôi con, đến già thì nuôi cháu. Thế đấy! Bà nào mẹ nào chả vậy. Thương ghê!

Bà thông gia nhà tôi ra trông cháu đúng hôm đón thằng cu ở bệnh viện về.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì ai cũng nghĩ đó là chuyện rất riêng, rất bình thường của một gia đình, không có gì đáng nói. Điều làm tôi ngộ ra một cách êm êm và lý thú lại không phải là đường đi chuyển vùng gần hai trăm cây số từ nhà bà ở quê ra thành phố mà hình như chỉ là từ mấy bước chân hàng ngày của bà nội cháu bế cháu đi chơi nhà hàng xóm.

Có lẽ, ngoài bao nhiêu nét văn hóa thanh lịch của người Tràng An – Thủ đô mà tôi chưa thật hiểu hết, chưa thật dễ luận bàn hôm nay thì có một thực tế này – không hiểu nó nằm ở đốt đoạn nào của phẩm chất đó – đó là người thành phố, Thủ đô càng ở gần nhau, càng ít dãi bầy, càng ít giao lưu; có thể không thù hằn, không ác cảm nhưng ít bộc bạch và chia sẻ. Ở gần nhau nhưng nhà này nhà kia chỉ mang máng hiểu, mang máng biết về nhau; ít sang nhà nhau, thường là lướt qua nhau. Thế rồi tự nhiên có một người, người đàn bà tuổi qua quá trung niên, học hành cũng bình thường, là bà nội thằng cháu Đốm – bà thông gia nhà tôi – từ nhà quên miền biển lên ngụ tạm ở Thủ đô để trông cháu, lại làm được cái việc mà chúng tôi sống ở phường phố này đã mấy chục năm quên đi rồi quen đi bằng kiểu sống như bó mình chặt lại.

Khu chung cư tập thể chỗ tôi xây lâu lắm rồi. Nhà cửa đã xập xệ. Có tí đất trống nào là cơi nới mọc lên chật ních cả. Có một khoảng trống trong ngõ cụt tương đối thoáng và nhiều ánh nắng hơn, bà nội thằng Đốm đã nhanh chóng khai thác triệt để. Lúc bế ẵm, lúc đặt cháu ngồi lên xe đẩy, bà coi khoảng trống đó là sân chơi đầu đời của cháu. Ban đầu là bà cháu thằng Đốm. Sau đó có thêm ông cháu thằng Zin ở tầng năm, mẹ con Nhím và Bông bán bún riêu cua và quần áo hàng chợ ở đầu ngõ, rồi nhóm trẻ tư nhân nhà bà Thơ thường có vài ba cháu… cũng coi nơi này như thỏi nam châm. Bọn trẻ có nhau, u a u ơ cả lũ, chúng được đổi đồ chơi, đổi xe đẩy, hình như vì thế chúng lại ăn nhanh hơn. Chúng mà ăn nhanh các bà cực thích. Có lẽ do tính tình xởi lởi, bộc trực, kiểu ăn to nói lớn của người miền biển mà bà nội thằng Đốm dễ quen, dế bắt chuyện với mọi người. Giọng bà nói cứ vang vang. Chuyện bà kể như không đầu không cuối nhưng lại vui tai. Đại loại: mắm tôm quê bà ngon lắm. Cả nhà quen ăn mặn. Ông nhà tôi (chồng bà) chỉ nghiện nước chè. Chè Thái Nguyên phải là loại ngon. Tiền chè có khi còn nhiều hơn tiền gạo. Mình uống rồi bạn tổ tôm đến uống. Bà khẳng định như đinh đóng cột là trẻ con bụng dạ có sao cứ mài củ địa liền bôi vào vùng rốn và uống một thìa nhỏ là khỏi. Khi nào cần cứ chạy sang bà. Nói thế rồi hôm sau bà mang sang cho mấy nhà. Sau tuyên truyền, quảng cáo về tác dụng chữa bệnh của cây khỉ, cây lược vàng ở quê bà người ta trồng nhiều, tác dụng lắm, thế rồi về quê, bà mang ra cả bó cành giống cho các nhà trong lối ngõ, nhà trồng xuống đất, nhà trồng vào chậu.

Cái ngõ nhỏ dài gần trăm mét nơi nhà tôi ở xem ra lâu nay có phần sinh động hẳn lên. Cửa sắt các nhà không phải lúc nào cũng đóng cài im ỉm. Ai có mở ra ngoài chốc lát mua gì bà và ai đấy khác cũng để mắt trông cho. Bế cháu đi chơi nhà này nhà nọ, chẳng mấy ngày bà không có chuyện kể về việc hiếu, việc hỷ, ai ốm ai đau, con cháu nhà nào đang lên thủy đậu, đang viêm phế quản…ở nhà hay đi viện. Bà thông tin thế, làm sao chúng tôi lại không có lời hỏi thăm đến bố mẹ, ông bà chúng. Lời chào cao hơn mâm cỗ, bao giờ cũng đúng. Đến nay nhà tôi chẳng bao giờ quên được cái đận lụt ở Thủ đô cuối năm ngoái, nghĩ đến mà rùng mình. Đêm thứ hai, cả nhà cố thủ trên một chiếc giường đã kê cao hết cách. Nước vẫn lừ lừ lên. Chính lúc đó bà nội thằng Đốm mách sang nhà chú Thức, ông nội con Chíp, nhà có đống gạch ở góc sân. Vừa hỏi, chú Thức vừa mau mắn giúp một tay bê sang kê hộ. Trời ơi, bạc triệu lúc đó cũng không quý bằng mấy chục viên gạch đêm mưa gió lụt lội nhớ đời!

Người ta nói rằng trẻ con, chúng như nhịp cầu dễ làm cho bố mẹ trẻ con trở nên thân thiện với nhau hơn. Nhưng trẻ con thì luôn ở trong tay và trong lòng người lớn. Bà nội cháu Đốm, có thể bà chưa ý thức về điều này nhưng bà cứ tự nhiên tạo dựng nhịp cầu này bằng chính tâm tính của bà. Tâm tính ấy có gì từa tựa như cơn gió nơi ruộng đồng. Cơn gió ấy, thứ gió ấy không sinh ra từ điện, nhưng xem ra từ trẻ con đến người già đều dễ dàng đón nhận.

Phạm Trà My
 
Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 83 - Thứ Ba 24/3/2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm