Vào thập niên 1980, đối với những đứa trẻ như tôi, báo TT&VH thực sự là một cửa sổ nhìn ra thế giới. Mặc dù không tự mình mua báo, nhưng thể nào trong nhà cũng có một vài tờ như vậy để đọc.

Thể thao và Văn hóa - Một nguồn tri thức bạn đường

Vào thập niên 1980, đối với những đứa trẻ như tôi, báo TT&VH thực sự là một cửa sổ nhìn ra thế giới. Mặc dù không tự mình mua báo, nhưng thể nào trong nhà cũng có một vài tờ như vậy để đọc.

Đặc biệt mùa World Cup mà tôi còn nhớ như Mexico 86 hay Italia 90, những tờ Tin nhanh của TT&VH (TTXVN) là thứ luôn đem lại sự thú vị, bên cạnh phân tích các trận đấu thì còn những câu chuyện văn hóa liên quan các đất nước, các tên tuổi đương thời.

Điều tôi còn nhớ rõ là tờ Tin nhanh khiến cho tôi có ấn tượng cúp bóng đá thế giới thực sự là một lễ hội không chỉ trong sân vận động mà còn là những đường phố đầy ắp mê say của những đất nước đăng cai.

Tất nhiên những bài báo ấy chẳng mấy khi có hình minh họa, chỉ có câu chữ được in ra, thế mà cũng đủ khiến người đọc tưởng tượng đủ thứ. Những tờ báo chỉ in hai màu, như một thứ biến thể đỡ nghèo nàn hơn của loại đen trắng, đã được trí tưởng tượng tô màu thêm.

Cuộc sống vào cuối những năm 1980 đối với tuổi mới lớn có lẽ khá êm đềm, cho dù đây là những năm bản lề cho cuộc đổi thay trên toàn cầu lẫn Việt Nam. TT&VH có mặt đúng lúc như một cuốn chỉ dẫn cho những chân trời mới, không giáo điều mà cũng không cần các yếu tố giật gân. Điều này gây một cảm giác tin cậy, như một người bạn đường có trách nhiệm. Giữ một đặc điểm chừng mực và có xu hướng chia sẻ tri thức là một điều TT&VH đã làm được suốt thời gian đó để giữ chân người đọc trong cảnh làng báo “trăm hoa đua nở”.

Bạn đọc mua báo TT&VH tại sạp báo trên phố Phan Huy Chú. Ảnh: Hòa Nguyễn

Ngẫm lại thì có vẻ như báo TT&VH khá “xa-lông” và người đọc lúc ấy có “trình độ cao” khi đọc tin văn hóa tương đối chọn lọc và các chuyên đề về một hiện tượng văn hóa của thời đại, hoặc một số vấn đề quan trọng trong xu thế công nghệ văn hóa toàn cầu. Lẽ đơn giản vì là tuần báo, lại dịch và biên soạn từ các nguồn có lẽ cũng “nguội” nên không có sự nóng sốt kiểu xì-căng-đan vừa mới nổ ra. Cái sự “nguội” này khiến độc giả TT&VH cũng có thể xây dựng một lối đọc khá bình ổn, đôi khi hơi thụ động. Điều chắc chắn là TT&VH đã hình thành một kiểu người đọc đặc trưng của thế hệ trí thức thập niên 80 - 90, trước khi Internet làm thay công việc cung cấp công cụ kiếm tìm thông tin. Sự từ tốn, chừng mực ấy có lẽ giờ khó kiếm khi đời một bài báo kéo dài không quá đôi ba ngày.

***

Nhưng điều tôi cảm thấy TT&VH làm được hơn chức năng cung cấp thông tin đáng tin cậy là sự bày tỏ một gu thẩm mỹ khá rõ rệt. Những người chủ trương, người viết có thể cũng không tránh được những định hướng chủ quan, nhưng bài vở đều bày tỏ một tâm thế muốn đem lại cho người đọc một nhãn quan thưởng thức vẻ đẹp, của một trận đấu bóng hay một vở diễn kịch nói. Báo dành đất cho những phân tích trọng bằng chứng về những màn thi đấu đỉnh cao hay những tác phẩm cần được giải mã. Không ít lần báo đã xông vào những đề tài hóc hiểm như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn vào lúc các phương thức này gây tranh cãi ở Việt Nam, hoặc những hiện tượng nổi cộm trong quy hoạch kiến trúc đô thị, góp những tiếng nói cần thiết cho nhà quản lý ý thức rằng, những người làm báo luôn bảo vệ sự sáng tạo hoặc giám sát những công việc ảnh hưởng đến cộng đồng.

TT&VH cũng góp phần tạo ra đất dụng võ cho nhiều cây bút, cũng như tiếp sức cho sự trưởng thành trong nghề viết của nhiều thế hệ. Đã có thời được đăng bài trên TT&VH là một sự chờ đợi đầy háo hức và một niềm vui vì được một tờ báo uy tín bảo chứng chất lượng.

Tất nhiên, mỗi thời có một diễn đàn riêng và phương tiện phù hợp. TT&VH đã từng là một diễn đàn, một phương tiện đắc dụng truyền tải các thông điệp văn hóa vào giai đoạn rất quan trọng của đất nước. Bao nhiều người đã lớn lên với những trang báo khổ nhỉnh hơn cuốn vở học trò, rồi sau này là khổ to hơn. Đó là thời của những câu chữ thanh xuân, của nguồn tri thức bạn đường, sẽ luôn được ghi nhớ.

“Điều tôi cảm thấy TT&VH làm được hơn chức năng cung cấp thông tin là sự bày tỏ một gu thẩm mỹ khá rõ rệt” (Nhà văn Nguyễn Trương Quý).

Nhà văn Nguyễn Trương Quý