Vụ 'khai thác đá trái phép ở Đắk Nông': Đùn đẩy trách nhiệm xử lý

03/11/2016 08:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù đơn vị khai thác đá vi phạm rõ ràng và kéo dài, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn lúng túng trong xử lý. Kết quả là sau 6 tháng, không có đơn vị, cá nhân nào bị xử phạt, trong khi hàng nghìn khối đá vẫn bị khai thác ngang nhiên.

Liên quan đến việc xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ đá Đắk Kút (thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa), ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, đến nay vẫn chưa có quyết định xử lý nào được cấp có thẩm quyền ban hành. Việc xử lý các sai phạm tại mỏ đá hiện nay vẫn rất khó khăn do… khó bắt được quả tang.

Theo đó, vào ngày 25/4, đoàn liên ngành của thị xã Gia Nghĩa do Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với đơn vị khai thác đá tại mỏ đá Đắk Kút. Biên bản kiểm tra ghi nhận đơn vị tiến hành khai thác đá là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Duy Quang (trụ sở tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).


Máy móc ngang nhiên hoạt động tại công trường khai thác đá không phép ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Công ty Duy Quang chưa được cấp bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến việc khai thác đá. Đại diện Công ty thừa nhận đang thực hiện việc khai thác đá tại đây và đang tiến hành lập hồ sơ để xin giấy phép khai thác. Biên bản kiểm tra cũng nêu rõ việc khai thác đá của Công ty Duy Quang là trái với các quy định của Luật Khoáng sản (tức khai thác trái phép).

Căn cứ trên biên bản này, ngày 27/4, Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Nghĩa có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đề nghị Sở xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, thẩm quyền xử phạt hành vi sai phạm của Công ty Duy Quang là của Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa.

Sở cũng có công văn hướng dẫn (ngày 5/5/2016) và đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã tham mưu để Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa ra quyết định xử phạt theo quy định.

Ông Trung thông tin thêm, mỏ đá Đắk Kut nằm trong quy hoạch quần thể khu du lịch thác Liêng Nung. Trước đây, mỏ đá nằm trong quy hoạch khoáng sản của tỉnh nhưng từ tháng 8/2012, UBND tỉnh Đắk Nông đưa mỏ đá ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Theo điều 18, Luật Khoáng sản năm 2010 thì việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn là của UBND cấp huyện (trong trường hợp này là UBND thị xã Gia Nghĩa).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Quân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Nghĩa, hành vi của Công ty Duy Quang đã vi phạm điểm b, khoản 3, điều 37 của Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thẩm quyền xử phạt trường hợp này là của UBND tỉnh Đắk Nông.

Do đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có công văn tham mưu và UBND thị xã Gia Nghĩa sau đó đã gửi tiếp công văn (ngày 2/6/2016) lên UBND tỉnh để đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông giải quyết.

Tiếp theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã chuyển công văn này cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có công văn (số 670/STNMT-KS ngày 27/6) gửi UBND thị xã Gia Nghĩa và yêu cầu UBND thị xã tiến hành các thủ tục xử phạt theo thẩm quyền.

Công văn cũng nêu rõ, trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm, nếu có vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền thì lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xử lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường gửi công văn này thì mọi việc lại “giậm chân tại chỗ” từ đó đến nay.

Thiếu sót của chuyên viên?

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa vẫn khẳng định: Việc xử lý các hành vi vi phạm của công ty Duy Quang tại mỏ đá Đắk Kut là thẩm quyền của UBND tỉnh Đắk Nông. Ông Dũng cho rằng, việc ra quyết định xử phạt là ngoài thẩm quyền của UBND thị xã, do mức phạt có thể từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.

Khi được hỏi tại sao UBND thị xã Gia Nghĩa không xử phạt khi phát hiện hành vi vi phạm từ tháng 4/2016 theo biên bản được lập ngày 25/4 đối với Công ty Duy Quang, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, nếu chỉ căn cứ trên biên bản kiểm tra thì không thể ra quyết định xử phạt được. Nguyên do là biên bản được lập ngày 25/4 chỉ là biên bản kiểm tra chứ không phải biên bản vi phạm hành chính.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao cơ quan chức năng của thị xã Gia Nghĩa không lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Duy Quang vào ngày 25/4 trong khi sai phạm đã rõ ràng, ông Dũng cho rằng, đây là một thiếu sót của chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Nghĩa (!?).

Theo ông Hoàng Văn Tẻn, Trưởng thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, việc khai thác đá tại đây đã được một nhóm người thực hiện từ tháng 4/2016, sau đó gián đoạn một thời gian và các đối tượng khai thác trở lại vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua. Việc khai thác đá trái phép tại đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân do tiếng ồn với công suất lớn, đường sá bị xe quá tải cày nát và các đối tượng khai thác đá không đăng ký tạm trú tạm vắng, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Còn theo UBND xã Đắk Nia, đơn vị này đã nhiều lần báo cáo lên UBND thị xã Gia Nghĩa và các ngành chức năng do việc xử lý các đối tượng khai thác đá nằm ngoài thẩm quyền của xã. Đến nay, lãnh đạo xã vẫn chưa biết đơn vị, cá nhân nào đứng ra tổ chức khai thác hàng trăm, hàng nghìn khối đá tại đây.

Còn theo báo cáo (số 45/BC-TNMT ngày 6/10/2016) của Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Nghĩa (xin trích nguyên văn - PV) “hành vi khai thác đá của các đối tượng tại mỏ đá Đắk Kút là rất tinh vi, nhanh gọn. Phòng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm, tịch thu tang vật để xử lý theo quy định thì gần như có sự thông báo của ai đó nên đơn vị khai thác đá ngưng hoạt động trước khi đoàn kiểm tra đến. Dẫn đến ảnh hưởng công việc của đoàn kiểm tra”.

Rõ ràng, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, mà đơn vị chịu trách nhiệm chính là UBND thị xã Gia Nghĩa đã rất lúng túng trước các sai phạm rõ ràng, kéo dài và nghiêm trọng của Công ty Duy Quang.

Không rõ tới đây các hành vi vi phạm này sẽ được xử lý như thế nào trong khi lượng đá bị khai thác trái phép tại mỏ đá Đắk Kút lên đến hàng trăm, hàng nghìn khối, trị giá hàng tỷ đồng và phá vỡ quy hoạch du lịch đã được tỉnh Đắk Nông phê chuẩn, chảy máu tài nguyên quốc gia. Dư luận đang chờ câu trả lời từ các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông.

TTXVN/Hưng Thịnh - Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm