Vĩnh Phúc thu ngân sách kỷ lục, đạt 14.000 tỷ đồng

20/06/2016 17:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 tập trung vào các nội dung chủ yếu như: thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tình hình đầu tư công và công tác tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Vĩnh Phúc...

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 14.000 tỷ đồng, đạt 54% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, thu nội địa đạt 12.606 tỷ đồng, tăng 17%; thu hải quan đạt 1.409 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ...

Một trong những yếu tố khiến nguồn thu ngân sách tăng cao hơn so với dự tính ban đầu là do sự chuyển biến tích cực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, sản phẩm phụ trợ, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay từ đầu năm, các đơn vị dự toán, các cấp, các ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.


Nghề làm chăn, ga, gối đệm đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Vĩnh Phúc cũng đã khai thác hiệu quả các nguồn thu, đôn đốc doanh nghiệp, người nộp thuế kê khai thuế đúng hạn, kịp thời nộp đúng hạn thuế phát sinh; phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng nợ đọng thuế để có giải pháp đôn đốc thu kịp thời... Theo báo cáo của đại diện các sở, ngành tại phiên họp, thu ngân sách năm 2016 tiếp tục có nhiều điểm sáng, với mức tổng thu ngân sách năm 2016 ước đạt xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn đáp ứng nhu cầu chi theo dự toán.

Cũng tại phiên họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã đánh giá tình hình đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm đã có 89 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng được thẩm định và phê duyệt, cùng với 114 dự án đấu thầu, 154 gói thầu với tổng trị giá 2.564 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân 2.168 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, bằng 33,5% kế hoạch và bằng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Đình Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài từ bước lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bảo vệ tài chính- dự toán, thẩm định, phê duyệt thiết kế đến bước lựa chọn nhà thầu thi công...

Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc các luật mới, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu.... Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu đề xuất từ UBND tỉnh để xây dựng cơ chế quản lý đầu tư mới, nhất là về cải cách hành chính trong đầu tư công.

Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nghiên cứu để có cơ chế phân cấp quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực, ngành. Chấn chỉnh công tác tư vấn, thẩm định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hạn chế tình trạng chồng chéo ở cấp sở, ngành. Tiếp tục rà soát lại tất cả các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, tập trung giải quyết dứt điểm xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục rà soát và xử lý tình trạng nợ đọng thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

TTXVN/Nguyễn Trọng Lịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm