Tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc

15/03/2013 13:48 GMT+7 | Thế giới


Ngày 15/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng trở về và tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc (15/3/1973-15/3/2013), tại Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Một hình thức tra tấn dã man được tái hiện tại Khu di tích ở tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Lễ kỷ niệm do Ban liên lạc tù binh Việt Nam và tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức với sự tham dự của 1.900 cựu tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước - những người đã từng bị kẻ địch giam cầm, tra tấn dã man tại nhà tù này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ôn lại những kỷ niệm hào hùng và anh dũng của các chiến sỹ cựu tù binh cộng sản 40 năm về trước. Lúc đó tuổi đời của các chiến sỹ chỉ trên dưới đôi mươi nhưng dưới sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của đảng ủy, chi bộ của từng phân khu giam, các cựu tù binh cộng sản đã đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên cường chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh.

Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng các cựu tù binh cộng sản hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng cần quan tâm hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn nữa về vật chất, tinh thần cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, cựu tù binh Việt Nam, trong đó có cựu tù binh Phú Quốc, nhất là những gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Cũng tại buổi lễ, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang bày tỏ lòng tri ân, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh tại đảo Phú Quốc trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ghi nhận, tôn vinh tinh thần kiên trung, bất khuất, đổ biết bao mồ hôi, xương máu của những cựu tù binh Việt Nam - Phú Quốc cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần cho hòn đảo ngọc Phú Quốc hôm nay ngày càng phát triển tươi đẹp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Căng Cây Dừa (1953-1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955-1957), Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (1967-1973) là nơi địch giam cầm, đọa đày các chiến sỹ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất ở Việt Nam.

Giai đoạn 1967-1973, nhà tù này đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng Dân-Chính-Đảng. Phần lớn những chiến sỹ cách mạng bị tù đày ở đây đã vượt qua cái chết, vượt qua mọi sự đọa đày, dã man của kẻ thù cho đến ngày chiến thắng trở về mang trên mình nhiều thương tật thì hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên cường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15/3/1973, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc và cũng là ngày đánh dấu “Địa ngục trần gian” tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa bỏ.

Chương trình giao lưu gặp gỡ, nhân chứng các cựu tù binh và sân khấu hóa “40 năm ngày chiến thắng trở về” tại buổi lễ kỷ niệm đã làm xúc động lòng người, nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, khí phách, bản lĩnh và nghị lực kiên cường của những tù binh cộng sản Việt Nam “giữa sự sống và cái chết” trong những năm tháng ở “Địa ngục trần gian” nơi hòn đảo ngọc này.

Những người cộng sản trung kiên đó đã giữ vững ý chí chiến đấu, góp phần làm nên ngày đại thắng lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất.

Ban liên lạc tù binh Việt Nam đọc văn tế thành kính tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cựu tù binh dâng hương tưởng niệm “đồng đội” không tiếc máu xương, đã ngã xuống nơi mảnh đất này trong niềm bùi ngùi, xúc động, biết ơn.

Nhân lễ kỷ niệm này, tỉnh Kiên Giang khánh thành giai đoạn I Khu trại giam B2, Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc khởi công tháng 11/2008 , nhằm lưu giữ các chứng tích lịch sử, giáo dục truyền thống, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, tôn vinh truyền thống cách mạng dân tộc và phục vụ khách tham quan du lịch.

Công trình Khu trại giam B2 được phục dựng nguyên mẫu tổng thể của 12 phân khu giam xây dựng trên diện tích 4,7ha, với tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Các hạng mục phục chế gồm: nhà giam tù nhân, pháo đài, cổng chính và hàng rào, nhà vệ sinh, chuồng cọp, nhà biệt giam, nhà ăn, nhà bếp, chòi canh, đường nội bộ, manocanh với hơn 200 bức tượng người tù và quân cảnh , cổng tiểu đoàn 7, 8 Quân cảnh, Ban chỉ huy trại giam.

Chỉnh sửa, sắp xếp lại các cụm tượng theo kịch bản của các Cựu tù Phú Quốc như: tái hiện cảnh đàn áp tù nhân trong trại, cảnh sinh hoạt của tù nhân tại trại giam, cảnh trí đấu tranh tuyệt thực của tù nhân, cảnh đàn áp trong và ngoài trại giam của kẻ địch năm 1972 làm 148 tù nhân hy sinh, tái hiện 30/45 hình thức tra tấn của giặc thời trung cổ và hiện đại.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012), Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sỹ cựu tù binh Nhà tù Phú Quốc.

Theo nguyện vọng của các cựu tù binh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đổi tên Di tích Lịch sử Địa điểm Nhà tù Phú Quốc thành Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc theo nguyên gốc tên gọi cũ.

Theo Lê Huy Hải
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm