Tổng thống Mỹ D.Trump đối mặt với sức ép ngày càng tăng trước các cuộc điều trần công khai

10/11/2019 09:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu bước vào giai đoạn mới của tiến trình điều tra theo nghị quyết được thông qua ngày 2/11 tại Hạ viện theo yêu cầu cầu của đảng Cộng hòa.

Mỹ: Tổng thống Trump kêu gọi công khai danh tính người tố giác ông

Mỹ: Tổng thống Trump kêu gọi công khai danh tính người tố giác ông

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/11 kêu gọi công khai danh tính người dấu mặt đã tố giác ông dẫn đến việc Hạ viện khởi động cuộc điều tra luận tội ông, sự việc mà ông gọi là "mưu đồ bất lương".

Theo đó, các ủy ban điều tra của Hạ viện sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai đối với các nhân chứng quan trọng cuộc điều tra luận tội về thỏa thuận qua lại giữa Tổng thống Trump và Ukraine.

Tính tới thời điểm này, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã tiến hành các cuộc điều trần kín và công bố 8 trong số 15 bản sao lời khai của các nhân chứng. Đây được coi là  giai đoạn tiền đề để các ủy ban điều tra Hạ viện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động điều tra tiếp theo.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Wshington. Ảnh TTXVN

Bước vào giai đoạn này, 3 nhân chứng đầu tiên sẽ tham dự các buổi điều công khai bắt đầu vào ngày 13/11, gồm nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine William Taylor (Uy-li-am Tai-lo), Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á George Kent và cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch.

Nhà ngoại giao Taylor được các nhà lập pháp đảng Dân chủ coi là một nhân chứng hết sức quan trọng trong cuộc điều tra này. Trước đó, tại một phiên điều trần kín, ông Taylor khẳng định ông hoàn toàn hiểu rõ rằng khoản tiền viện trợ trị giá 400 triệu USD của Mỹ cho Ukraine được sử dụng là điều kiện ép buộc Kiev tiến hành điều tra đối thủ chính trị của Tổng thống Trump là ông Joe Biden.

Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng George Kent mô tả một “chiến dịch nói dối” do ông Rudy Giuliani (Đu-đi Giu-li-a-ni), luật sư riêng của Tổng thống Trump, dẫn đầu được thực hiện nhằm "hạ bệ" Đại sứ của Mỹ tại Ukraine khi đó là bà Marie Yovanovitch. Ông Kent đã tham dự điều trần bất chấp sự ngăn cản của Bộ Ngoại giao Mỹ. Còn cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch đã đưa ra bằng chứng về một chiến dịch gây sức ép đối với bà.

Ngoài những nhân vật quan trọng trên, các ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ đã thực hiện các cuộc điều trần kín đối với Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland (Gô-đân Xôn-len), cựu chuyên gia Nhà Trắng về vấn đề Nga Fiona Hill (Phi-ô-na Hin), chuyên gia cấp cao về Ukraine của Hội đồng an ninh quốc gia Alexander Vindman (A-lếch-xan-đơ Vin-man) và nhiều nhân chứng khác.

Tuy nhiên, nhiều quan chức trước đây và hiện nay trong chính quyền Tổng thống Trump đã từ chối tham dự các cuộc điều trần kín, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry (Rích Pe-ri), cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (Giôn Bôn-tơn), quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney (Mích Măn-va-nây) hay luật sư riêng của Tổng thống Trump Rudy Giuliani.

Trước sức ép ngày càng tăng từ đảng Dân chủ, Tổng Thống Trump và đảng Cộng hòa liên tiếp lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra là  “một chiều”, “không công bằng” và là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử của Mỹ”. Trong một động thái mới nhất, trên trang Twitter ngày 9/11, Tổng thống Trump kêu gọi tiến hành điều trần đối với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Nan-xi Pê-lô-xi), Hạ nghị sĩ Adam Schiff (A-đam Xchíp), cựu Phó Tổng thống Joe Biden, những người tố giác ông và một số nhân chứng khác.

Cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt nguồn từ cuộc điện thoại giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine, theo đó đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng khoản viện trợ quân sự nhằm gây sức ép với Ukraine để điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ chính trị của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

    Đặng Huyền (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm