Những nét mới của kỳ thi '2 trong 1' năm 2016 tới

26/09/2015 20:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới đó là tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Tại văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2015-2016, vừa được ban hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi.

Đồng thời, thực hiện tổng kết, chú trọng đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi để tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thí sinh theo dõi kết quả đợt xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2015

Quy chế kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được rà soát, bổ sung; đồng thời, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản liên quan khác. Tổ chức hội thảo, tập huấn về công tác đề thi, công tác coi thi, chấm thi, phần mềm quản lý thi để cán bộ, giáo viên nắm vững quy định của quy chế, thực hiện tốt các khâu của kỳ thi.

Bộ cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ma trận đề thi, đề thi minh họa theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ nhận biết, thông, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng các rủi ro và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức cho người học của các cơ sở giáo dục phổ thông và thí sinh tự do tại địa phương đăng kí dự thi đúng quy định; cùng với các trường đại học tổ chức coi thi, chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông cho thí sinh của địa phương; chủ trì cụm thi tại địa phương (nếu có) dành cho thí sinh đăng kí dự thi với mục đích chỉ để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông; tham gia công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bộ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi.

Tiếp tục chính sách tuyển thẳng các học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế

Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia và tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế. Trong đó, tích cực chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tốt Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 năm 2016 tại Việt Nam (IBO 2016).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, học sinh tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực, quốc tế và thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong nước và quốc tế.

Bộ yêu cầu tiếp tục triển khai Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức vào năm 2018; triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường Trung cấp chuyên nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.


Việt Hà (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm