Những bến sông làm giặc phương Bắc khiếp vía (4)

10/08/2012 10:17 GMT+7 | Thế giới

Kỳ 4 & hết: Về bến sông Thương tìm thành Xương Giang

(TT&VH) - Nằm án ngữ trên con đường "thiên lý Bắc- Nam", với địa thế sông, đầm bao quanh, dễ phòng thủ khó tấn công, thành Xương Giang (nay thuộc xã Xương Giang, Thành phố Bắc Giang) bên bờ sông Thương là cứ điểm trọng yếu khó công phá nhất mà giặc Minh chiếm đóng thời kỳ đó.

Năm tháng vẫn lững lờ trôi giữa đôi bờ sông Thương, chiến tích xưa dường như đã vùi sâu trong lòng đất. Trải gần 600 năm, phế thành Xương Giang gần như bị bỏ quên, nhiều dấu vết xưa đang có nguy cơ biến mất. Ngược con nước sông Thương, ngược thời gian đằng đẵng, chúng tôi tới Xương Giang tìm lại vết tích anh hùng của đoàn quân Lam Sơn ngày nào.

Chiến thắng Xương Giang

Thành Xương Giang do nhà Minh xây năm 1420 trong thời kỳ chiếm đóng nước ta. Thành nằm trên huyết mạch nối Lưỡng Quảng với Đông Quan. Quân Minh muốn án ngữ phía Bắc nhằm viện binh khi cần và làm một điểm chốt bảo vệ thành Đông Quan - Hà Nội. Xương Giang nguyên là một quân thành với chiều cao 5 mét, bề dày có nơi cả chục mét. Nội thành là một vuông đất rộng có thể đủ cho cả mấy nghìn quân đóng giữ.



Mô hình thanh kiếm Thuận Thiên trong Khu di tích thành Xương Giang

Để đánh thành Xương Giang, Lê Lợi đích thân cử hai vị tướng là Lê Sát và Lê Thụ đem quân tấn công. Vậy mà sáu tháng ròng không chiếm nổi. Lê Lợi đã phái tướng quân Trần Nguyên Hãn đem quân tiếp ứng bằng mọi cách phá thành Xương Giang để chặn đường viện binh của giặc. Nghĩa quân đắp đồi cao để bắn phá vào thành, giặc liều lĩnh xông ra chiếm trận địa. Ta đào hào xuyên thành áp sát.

Quân giặc bị hãm thành trong thế bị vây hãm và bị tiêu diệt dần cho đến một ngày Thu năm 1427, chúng phải bó tay chịu chết. Nhiều tướng giặc như Lý Nhâm, Phùng Trí, Lưu Tử Phụ, Thế Công đều đã phải tự tử. Kết quả thành bị hạ trước khi Viện binh của tướng Liễu Thăng kéo vào.

Năm 1427, trong lúc đạo quân của Vương Thông run lẩy bẩy trong thành Đông Quan trước sự bủa vây của nghĩa quân Lam Sơn, thì "thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng". Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hắn cử tới 15 vạn quân, chia hai cánh do Liễu Thăng 10 vạn quân và Mộc Thạnh 5 vạn quân tấn công Đại Việt hòng giải vây Đông Quan.

Khi viện binh giặc vừa kéo vào nước ta đã bị phục kích tại Ải Chi Lăng. Tổng binh Liễu Thăng tử trận ngay chân núi Mã Yên. Tướng chỉ huy Lương Minh cũng chết tại đây, Thượng thư bộ binh Lý Khánh đã phải tự tử.

Sau khi Liễu Thăng tử trận ở Chi Lăng, đoàn viện binh do tướng giặc là Hoàng Phúc và Thôi Tụ đã vội vàng thu thập quân lương tiến về Xương Giang trong khi chưa biết thành đã bị hạ ngày 28/9/1427. Giữa cánh đồng Xương Giang, giặc Minh bị bao vây chặt bốn bề buộc chúng tiến thoái lưỡng nan. Lê Lợi cho chặn đường rút lui và siết chặt vòng vây bắt sống Thôi  Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn ba vạn binh lính.

Đại thắng Xương Giang chỉ diễn ra trong chưa tròn một tháng. Và để bớt tốn thêm máu xương binh sĩ, Lê Lợi đã cho quân đưa những tên chỉ huy cùng  mấy tên thiên hộ bị bắt trong trận Chi Lăng - Xương Giang mang theo bằng sắc, ấn tín của Liễu Thăng đến trại của tướng Mộc Thạch, lúc đó đương kéo quân từ hướng Vân Nam sang. Thấy vậy Mộc Thạch kinh hãi quay đầu dẫn quân tháo chạy...

Có thể nói chiến thắng Xương Giang là chiến công lớn nhất trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn, nó góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống quân "cuồng Minh"…Tầm vóc vĩ đại của đại thắng Xương Giang hạ thành diệt viện đã làm ngỡ ngàng những nhà viết sử mọi thời đại. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi viết Đại cáo Bình Ngô đã ca ngợi chiến thắng mùa Thu năm Đinh Mùi lịch sử: “Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin hàng/ Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt/Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước… Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,/Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ …".



Cửa Bắc thành Xương Giang nay là quán bia hơi

* Dấu vết thành xưa     

600 năm trôi qua, thành Xương Giang nơi Phủ Lạng Thương ngày nào đã thành thành phố. Đô thị hóa chóng mặt, nhà cửa san sát, dấu xưa tích cũ chả còn được bao nhiêu.

Thành cổ rộng đến gần ba chục héc ta, từng kiên cố chiến luỹ hào sâu là thế cùng với uy nghi bốn cổng thành đồ sộ nay chỉ còn trong ký ức. Bốn góc thành còn những pháo đài. Bên ngoài thành còn những đoạn hào sâu, có nơi rộng gần hai chục mét. Chính quyền thành phố đã xây dựng mấy cái bia đánh dấu các cổng thành Nam - Bắc - Tây - Đông.

Lần mò cả nửa ngày giữa nhà cửa san sát ở xã Xương Giang, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một cột mốc bê tông vững vàng ghi chữ quốc ngữ: "Thành Xương Giang- Cửa Bắc". Đúng là con tạo quay vòng, cửa thành xưa giờ là một quán bia hơi giải khát.

Men qua bờ thành phía Bắc, người ta có thể dễ dàng quan sát thấy những bờ thành kiên cố ngày nào giờ đã bị san phẳng để làm nhà. Tìm kỹ vẫn còn một vài dấu vết của những bức tường thành đất sét. Một đôi chỗ còn vương sót lại gạch cũ của thành gọi là "Đá thước". Loại gạch này rộng độ 25 cm, cao 25 cm, dài xấp xỉ nửa mét. Tại góc thành Tây Bắc vẫn còn cả tấm bia đá xanh khá nguyên vẹn, ghi về thành cổ Xương Giang, trên trán bia đề các chữ Hán "Xương Giang cổ thành bi ký". Tấm bia ghi về việc đóng góp xây dựng ngôi đền phía Tây Bắc thành.

Lần theo dấu vết khe nước cổ và Giếng Phủ trên bản đồ Thành phố, chúng tôi đến thôn Đông Giang, xã Xương Giang. Ông Nguyễn Tiến Diệm, một người chuyên sưu tập và nghiên cứu văn hóa lịch sử Xương Giang còn giữ được những viên đạn đá to bằng nắm tay, được tạo tác công phu tròn vạnh. Theo ông Diệm, viên đạn này được nghĩa quân Lam Sơn dùng làm đạn bắn vào thành quân Minh.

Chúng tôi hỏi về địa danh Giếng Phủ, nơi có vị trí quan trọng về phong thủy đồng thời là nguồn cung cấp nước cho thành Xương Giang, người dân nhiệt tình đưa chúng tôi đến một cái ao, theo đúng dấu trên bản đồ. Đó là cái ao nhà ông Nguyễn Văn An, làng Đông Giang xã Xương Giang. Ông cho hay: "Có lẽ đây là Giếng Phủ huyền thoại xưa, bởi trước đây là một cái giếng cổ. Lúc đào ao, khi bổ nhát cuốc đúng mạch, nước phun mạnh, dâng nhanh thành cái ao này".

Ông khẳng định thêm: "Các cụ cao niên trong làng cũng kể về một cái giếng cổ bị vùi lấp ở quãng này. Nhưng tôi cũng chỉ đào đến đấy rồi làm ao thôi, không dám đào thêm nữa vì sợ "chạm long mạch".



Nơi người dân coi là Giếng Phủ cấp nước cho thành Xương Giang

* Dựng kiếm Thuận Thiên giữa trời

Năm 2008 chính quyền thành phố Bắc Giang đã lập quy hoạch chi tiết khu di tích lịch sử thành Xương Giang. Sau khi xem xét, thẩm định, năm 2010, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản đồng ý với quy hoạch này. Theo đó, sẽ tiến hành khai quật khảo cổ; tôn tạo giếng cổ; khe nước cổ, khai quật và phục dựng một đoạn thành cổ và hào nước. Xây dựng khu trung tâm lễ hội trên trục đường nối cổng thành Nam và Bắc, xây dựng sân hành lễ, và một khu vực mô tả toàn bộ chiến thắng Xương Giang - Cần Trạm bằng sa bàn, phù điêu ở phía Đông Nam.

Theo quy hoạch, Thành phố Bắc Giang sẽ xây đài chiến thắng với hình ảnh thanh kiếm Thuận Thiên chỉ lên trời. Đây là thanh kiếm được trao cho Lê Lợi đánh giặc và cuối cùng được trả lại Hồ Gươm. Thanh kiếm Thuận Thiên mang ý nghĩa vâng mệnh trời, giữ lấy non sông Việt.

Thanh gươm ấy dựng bên bến Sông Thương, giữa phế thành Xương Giang sẽ vạch lên trời xanh một vệt chói ngời về sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

Ngay gần vết thành xưa, bến sông Thương bên đục, bên trong vẫn êm đềm trôi từ miền chiến địa. Lúa đương thì con gái vẫn ngát xanh trên cánh đồng lịch sử. Những em bé Xương Giang vẫn rảo vội bước chân tới trường trên nền thành cũ của giặc. Ngẫm trước đến nay, kẻ thù đều hung hăng đến, rồi cũng đều bỏ xác ở bến sông này.

Mạnh Cường – Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm