Nghề làm đàn Đào Xá: Những người trẻ có gánh nổi mộng 'phục hưng'?

19/03/2015 21:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhờ sự tiếp nối của những người trẻ, Đào Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) làng nghề làm đàn duy nhất ở Việt Nam đang dần hồi sinh dù từng đứng trước nguy cơ thất truyền.

Tiếp lửa suốt hơn 200 năm nhờ thế hệ trẻ

Theo lời những người cao tuổi trong làng, nghề làm đàn đã có từ cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan sáng lập. Đã có thời kỳ, Đào Xá trở thành nơi cung cấp các loại nhạc cụ dân tộc, từ đàn tranh, đàn nhị đến đàn bầu, sáo trúc, đàn đáy... lớn nhất cả nước. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra nức tiếng gần xa, bán chạy đến nỗi sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, từ sau năm 1975, khi nước ta rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp. Những nghệ nhân làm đàn dần chuyển sang làm nghề khác. Phải tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá dần có những bước chuyển mình.

Hơn chục năm trước, anh Đào Ngọc Sửu (trái) cùng chú ruột Đào Văn Mạnh thành lập một xưởng chế tác đạo cụ truyền thống.  

Hiện nay, cả thôn Đào Xá còn khoảng 6 hộ mở xưởng làm đàn. Tuy nghề không còn hưng thịnh như xưa nhưng điều đáng nói là ngoài lớp người cao tuổi, nghề làm đàn đang tỏ ra có sức hút đối với thế hệ trẻ. Anh Đào Ngọc Sửu, một người thuộc thế hệ 8X nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: "Tốt nghiệp THPT, tôi liền theo học nghề làm đàn để mở xưởng riêng. Lúc đó nghề làm đàn đang trong tình cảnh bế tắc. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ làm những cái mình thích thôi. Bây giờ sau nhiều năm gắn bó với nghề, tôi nghiệm ra rằng công việc này thực sự rất thú vị".

Nghề làm đàn gắn bó với nhiều dấu mốc cuộc đời của anh Đào Ngọc Sửu, từ lúc sinh ra đến khi kết hôn, gây dựng sự nghiệp

Hiện nghề làm đàn ở Đào Xá đem lại cho các hộ gia đình mức thu nhập khá ổn định. Không chỉ bán buôn cho các cửa hàng nhạc cụ ở nội thành, các hộ làm đàn còn nhận được đơn hàng đặt riêng của khách hàng để đem biếu tặng hay xuất ra nước ngoài. Nhờ vậy, người thợ làm đàn, nhất là những người thợ trẻ có thể sống được với nghề truyền thống.

Có tuổi nghề làm đàn trẻ nhất ở Đào Xá, thợ làm đàn thuộc thế hệ 9X Đào Ngọc Tuấn Anh. Hiện Tuấn Anh đang chập chững vào nghề được hơn 1 năm. Nhờ sự hướng dẫn của cha, cậu đã có thể làm thành thạo nhiều khâu trong quá trình sản xuất một cây đàn hoàn thiện. Tuấn Anh cho biết: "Bố tôi là một trong số ít những thợ đàn ở đây biết chơi đàn. Hồi bé, tôi không thích bị bố bắt phụ làm đàn mà chỉ thích nghe ông kéo nhị. Lớn rồi cũng thấy nghề này cho thu nhập cao nên muốn duy trì".

Theo lời Tuấn Anh, mỗi tháng gia đình cậu xuất đi từ 50 đến 60 cây đàn đủ các loại, thu lãi khoảng 18 triệu. Số tiền này tuy không quá lớn nhưng so với điều kiện ở nông thôn, gia đình cậu vẫn được xếp vào hạng có thu nhập khá giả.

Những cây đàn Nguyệt được chế tác tinh xảo bằng các loại gỗ đắt tiền. Giá mỗi cây dao động từ 1,5 đến 5 triệu đồng tùy mức độ công phu. Mỗi sản phẩm bán ra, các tiểu thương thu lãi khoảng ½ so với giá thành sản phẩm.

Nhưng giấc mơ chấn hưng còn xa vời

Để làm ra được một cây đàn đẹp đòi hỏi sự khéo léo và tinh xảo cũng như rất nhiều công sức của người thợ. Theo anh Sửu, muốn trở thành một thợ làm đàn lành nghề, ít nhất cũng phải bỏ ra từ 4 đến 5 năm theo học đàng hoàng. Để cho ra một chiếc đàn thành phẩm cần trải qua rất nhiều công đoạn như: Chọn gỗ, làm khuôn đàn, điêu khắc, dán màu, đánh véc-ni, bào mặt, căng dây... Trong đó, khâu chọn gỗ và bào mặt là rất quan trọng vì nó quyết định đén chất lượng âm thanh của đàn. Các loại gỗ thường được sử dụng làm khung đàn là gỗ Trắc, mặt đàn là gỗ Ngô Đồng. 2 loại gỗ này đều đắt và khó mua. Vì vậy, khâu làm khuôn, bào mặt phải tính toán chi ly, tránh lãng phí mà vẫn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.

Để làm ra một sản phẩm chất lượng, người thợ cần 5 ngày để hoàn thiện tất cả các khâu. Trong ảnh là những cây đàn tỳ bà được chế tạo công phu từ chất liệu gỗ Trắc và được khảm trai mặt ngoài.

Vậy nên nhiều người trẻ tuổi trong làng dù cũng yêu thích nghề sản xuất nhạc cụ nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề vì tính phức tạp và sự gò bó của nó. Anh Phạm Ngọc Trung, một thợ làm đàn trẻ chia sẻ: "Nghề làm đàn hay ở chỗ nó không chỉ mang đạm tính văn hóa cổ truyền mà còn rèn luyện đức tính kiên nhẫn, tỉ mẩn, khéo léo của người thợ. Tuy nhiên, thời gian theo học nghề khá lâu. Vì thế dù thu nhập của một thợ làm đàn lành nghề rơi vào cỡ 6 - 7 triệu/tháng nhưng không phải ai cùng làm được".

Anh Phùng Văn Trung đang chuẩn bị làm công đoạn bào mặt cho chiếc đàn bầu

Hiện nay ở Đào Xá, ngoài Đào Ngọc Sửu và Đào Ngọc Tuấn Anh, còn có một số thợ làm đàn trẻ tuổi khác, tuy nhiên con số này không nhiều. Vì thế, khi nhắc đến chuyện phục hưng nghề làm đàn, nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn tỏ ra hết sức dè dặt.

Ông Đào Ngọc Soạn – một trong những nghệ nhân có thâm niên và kỹ thuật làm đàn tinh xảo nhất làng thừa nhận: muốn nghề làm đàn phát triển hưng thịnh như xưa là một điều rất khó khăn. Mấy năm qua, ngoài làm đàn, ông Soạn còn dành nhiều thời gian để mở lớp dạy nghề cho thế hệ kế cận. Tuy nhiên, chỉ một số ít bám trụ với nghề, số còn lại không đủ kiên nhẫn nên đã từ bỏ. Thêm nữa, do nhu cầu của xã hội hiện đại, các loại hình âm nhạc truyền thống cũng dần bị lãng quên, nghề làm đàn vì vậy cũng bị ảnh hưởng theo. "Tôi già rồi, chẳng sống được mãi, về sau nghề làm đàn suy vong hay thịnh vượng, phần lớn đều nhờ cả vào nhu cầu của xã hội " – ông Soạn nói thêm.

Đối với những người trẻ tuổi, nghề làm đàn không chỉ là chiếc "cần câu cơm" mà còn là một nét văn hóa truyền thống đáng trọng của cha ông. Tuy nhiên, tất cả đều chung một quan điểm khi cho rằng, hành trình duy trì lửa nghề qua các thế hệ vẫn là con đường gian nan. Việc khôi phục sự thịnh vượng của làng nghề làm đàn Đào Xá đối với họ vẫn là một ước mơ mà muốn hiện thực hóa, mỗi người sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Hoàng Minh - Thu Hường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm