Nghề đàn cũng sắp "đứt dây"

16/11/2011 10:46 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ít ai biết rằng ở rẻo đất cuối cùng của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) - làng Đào Xá, xã Đông Lỗ là nơi cho “ra lò” những cây đàn dân tộc, từ đàn bầu, đàn đáy đến nhị, sáo, hồ, tam thập lục… Thậm chí những nhạc cụ nước ngoài bán trên thị trường Việt Nam cũng được làm bởi đôi tay người Đào Xá.

Thế nhưng sau những âm vang của làng nghề độc đáo ấy là những “cung trầm” khắc khoải, đó là nỗi lo canh cánh của những nghệ nhân không có người để truyền nghề và đàn làm ra không có người mua.

Làng nghề độc đáo vào bậc nhất


Những chiếc đàn bầu ông Soạn làm chủ yếu theo đơn đặt hàng xuất khẩu

Thuộc trấn Sơn Nam Thượng xưa kia, Đào Xá nổi tiếng từ thời Nguyễn bởi là nơi duy nhất trong cả nước làm nhạc cụ. Khoảng 200 năm trước, ở làng có cụ Đào Xuân Lan vốn mang chí tang bồng đã ngao du nhiều nơi, riêng lần sang xứ Bắc cụ đã học được cách làm các loại đàn. Về làng cụ truyền dạy cho anh em trong họ, làm các loại đàn tam, tứ, tỳ bà, nhị... mà anh em họ hàng nhà cụ Đào Xuân Lan làm ra đến đâu là hết đến đấy.

Cuối thế kỷ 19, nghệ thuật chèo phát triển đến đỉnh cao, rồi các đoàn chèo, cải lương nở rộ; nghề làm đàn cũng từ đó mà phát triển khắp làng Đào Xá.

Sau kháng chiến chống Pháp, khắp làng vang tiếng đục, đẽo. Nghề làm đàn có mặt ở hầu khắp các gia đình; đi dọc đường làng, ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy tiếng so dây, thử phím. Những ngày ấy các loại violin, mandolin... cũng hình thành bởi những đôi tay tài hoa và sự cần mẫn của người Đào Xá. Dù nhà nhà làm đàn nhưng người Đào Xá không ai được đào tạo kiến thức nào về âm nhạc, nghệ nhân Đào Văn Soạn cười: “Tất cả đều bởi kinh nghiệm kỹ thuật mà ra chứ làng tôi có ai được học nhạc bao giờ”.

Để thạo nghề, làm được tất cả các loại nhạc cụ, người thông minh cũng phải học ngày học đêm trong suốt 3 năm. Với những loại nhạc cụ mới (nhạc cụ nước ngoài), người thợ lành nghề Đào Xá cứ “mổ” cái đàn ấy ra, tự mày mò, nghiên cứu, một tháng sau là đã có thể làm được. Ông Soạn bảo: “Nhạc cụ dân tộc phức tạp hơn mà mình còn làm được cơ mà”.

Để làm bất kỳ loại nhạc cụ nào, thứ gỗ tốt nhất vẫn là gỗ trắc. Gỗ trắc được chọn xong, người thợ làm đàn phải tiến hành bước làm của anh... thợ mộc: cưa, xẻ đúng kích cỡ và độ dày mỏng tùy theo từng loại nhạc cụ. Rồi ghép gỗ, đánh véc-ni, bịt da, căng mặt đàn, khảm trai... tất cả đều được làm thủ công đúng với từng bước kỹ thuật như những ngày đầu cụ Đào Xuân Lan truyền dạy.

72 tuổi, với kinh nghiệm 30 năm làm đàn, ông Soạn vừa bắt đinh vít vào chiếc đàn bầu vừa trò chuyện: “Làm được một cây đàn ưng ý cũng phải công phu lắm, không tỉ mỉ, kiên nhẫn thì không làm được đâu”.


Các sản phẩm của người thợ đàn Đào Xá

Nỗi lo “già” ngay khi mới khai sinh

Dù đã tồn tại trên dưới 200  năm, song năm 2009 Đào Xá mới được công nhận là làng nghề. Cũng bởi nghề làm đàn đã trải qua không biết bao nhiêu bước thăng trầm: từng có mặt khắp cả nước, trong các đoàn chèo, gánh hát; rồi bị chiến tranh làm gián đoạn suốt mấy chục năm, sau hòa bình còn có cả một xưởng chuyên sản xuất nhạc phẩm quốc doanh ở Ô Chợ Dừa, Xí nghiệp 1/5 ở Hàng Gai. Biết bao người thợ làm đàn Đào Xá đã lai kinh làm đàn cho Nhà nước. Nhưng rồi chẳng được bao lâu, xưởng nhạc phẩm và xí nghiệp phải dừng hoạt động.

Số lượng gia đình làm đàn ở Đào Xá co dần. Đến nay chỉ có khoảng mươi hộ còn theo nghề làm đàn, trong đó chỉ có gia đình ông Đào Văn Soạn và Đào Văn Khương là sống được bằng nghề. Không phải người Đào Xá không yêu nghề mà bởi sản phẩm họ làm ra không có nơi tiêu thụ, nhiều gia đình phải nhắm mắt bỏ nghề đi tìm việc khác.

Gia đình ông Soạn giờ chỉ còn hai vợ chồng già làm đàn. Mỗi tháng hai ông bà làm khoảng 30 chiếc, chủ yếu là trống, đàn nguyệt do cánh hát chầu văn đặt và đàn bầu (phần nhiều là xuất khẩu).

Ông Soạn cho biết, để làm được một chiếc đàn bầu, chi phí nguyên vật liệu khoảng 100 nghìn (chưa kể khảm trai), gộp cả công của cả hai ông bà, ông xuất buôn với giá 300 nghìn.

Khách hàng ở Hà Đông đã đến đặt hàng của ông mấy bận, tất cả đều là đàn bầu để xuất sang Bỉ. Ông Soạn cũng không biết sang bên đó, có mấy ai là người thực sự chơi đàn? Bởi từ trước tới giờ, những người chơi đàn bầu đến đặt hàng của ông thường đặt loại gỗ tốt, hộp đàn làm liền khối chứ không bắt vít, gập đôi lại được như thế này.

Bà Đoàn Thị Hiến ngày ngày đánh giấy ráp, véc-ni phụ việc cho ông Soạn. Bà bảo: “Nhà tôi làm đàn đều đặn thế này mà mỗi tháng cũng chỉ được 6 triệu đồng cho hai công thôi”.

3 triệu đồng một người mỗi tháng, ấy là với gia đình sống được với nghề. Còn những người trẻ, dù ông Soạn sẵn sàng dạy nghề miễn phí nhưng họ vẫn không chọn nghề của làng. Cũng bởi 3 năm mới học thành nghề, nhưng ra nghề rồi, làm đàn được rồi thì biết bán cho ai, sống thế nào? Thanh niên trong làng không một ai theo nghề, họ kéo nhau ra khu công nghiệp Đồng Văn làm việc, thời gian đào tạo nghề ngắn, thu nhập lại cao và ổn định hơn nghề làm đàn rất nhiều. Người trẻ nhất theo nghề đàn là ông Đào Văn Khương thì cũng đã ngoài... 40 tuổi.

Huyện Ứng Hòa đã nghĩ đến phương án đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho Đào Xá để nâng cao vị thế sản phẩm của làng nghề. Nhưng với một thực tế là những loại nhạc sôi động đang dần chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Việt Nam, nhạc cụ dân tộc cũng từ đó mà mất dần chỗ đứng thì phương án đó gần như vô hiệu. Những người theo nghề đàn còn sót lại vừa lo không có đầu ra, vừa lo không tìm được người để truyền nghề. Và làng đàn Đào Xá đang đứng trước thực trạng “già” ngay khi mới khai sinh.

Uông Ngọc


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm