Muốn con em giỏi, đừng gọi thần đồng

07/09/2014 16:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Muốn hại một em nhỏ, người ta chỉ cần tìm một điểm hơi nhỉnh hơn chúng bạn đồng trang lứa rồi gọi các em là "thần đồng". Chẳng mất nhiều thời gian, dần dà, áp lực "siêu phàm" sẽ chóng làm thui chột điểm trội đó của em nhỏ. Nhiều phụ huynh hiện giờ vẫn vô tình "hại" con em mình kiểu đó.

Đó là chia sẻ của TS Giáo dục Thụy Anh tại tọa đàm "Khơi dậy tiềm năng của trẻ" nhân dịp Trung thu và ra mắt thương hiệu sách thiếu nhi "Alpha Kids- Đọc là mê tít" tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam (36, Lý Thường Kiệt) sáng nay (7/9)  

TS Thụy Anh nói tiếp: "Trong những năm 80, khi ấy tôi có dịp theo bố đi gặp rất nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa được gọi là  "thần đồng" thủa đó. Ngày ấy, chính tôi cũng ngợp vì thấy các bạn đều có một điểm gì đó hơn mình. Song giờ điềm tĩnh nhìn lại, thực ra, thời đó, thần đồng là danh từ chung để chỉ tất cả các em trội hơn một chút so với chúng bạn ở một số điểm. Và quan niệm sai lầm này đã dẫn dắt theo muôn vàn hệ lụy khác về sự ảo tưởng".

Cũng theo TS Thụy Anh, sau những ngày "ra ngõ gặp thần đồng" ấy, một vài tờ báo đã tìm lại những người được coi là "thần đồng" rầm rộ trên truyền thông trước đó. Kết quả là đa phần các "thần đồng" trưởng thành là những người hết sức bình thường, thậm chí có cả những người kém cỏi. Có những người tận dụng những ưu điểm được tán dương ngất trời để vươn lên song không thành công. Nhiều người khác không sử dụng một chút năng khiếu xưa do bị thui chột quá sớm.

TS Thụy Anh (phải) trao đổi tại tọa đàm

Nguyên nhân chính là bởi áp lực quá lớn về "tài năng siêu phàm" mà họ bị ngộ nhận hoặc bị làm cho ngộ nhận. Giả như một cây viết nhỏ chưa thạo những câu từ, ngữ pháp cơ bản đã bị áp lực phải viết những thứ kiệt tác; một nhạc công mới chỉ xuất sắc ở dạng căn bản so với lứa tuổi đã phải nhảy vọt lên học những bản cổ điển khó chơi và khó cảm; một giọng ca tự tin, hấp dẫn hơn tuổi nhi đồng của em quay sang gắng "gào thét" những ca khúc khó của người lớn... Những kiểu đốt cháy giai đoạn này là muôn vàn con đường thất bại của những em nhỏ được/bị coi "thần đồng" thủa trước. Lỗi không phải tại các em, lỗi bởi người ta khoác cho các em chiếc áo quá khổ, chiếc áo "thần đồng".

TS Thụy Anh nói tiếp: "Tôi khẳng định, bất cứ ai trong con em chúng ta cũng có những năng lực trội ở một lĩnh vực nhất định (có những bé trội ở nhiều lĩnh vực). Nhưng việc của chúng ta là gắng quan sát, lắng nghe và khơi gợi cảm hứng của các bé với những tiềm năng ấy".

"Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích các bé trau dồi những mặt vượt trội đó theo một lộ trình khoa học. Dần dần, tôi tin con em chúng ta sẽ trở thành người có tài năng trong lĩnh vực các em thực sự hứng thú và nỗ lực ngày ngày. Nên nhân ngày của các bé, ngày trung thu, tôi muốn nhắc lại với các vị phụ huynh: Muốn con em giỏi, đừng gọi các em là thần đồng" - TS Thụy Anh nói.

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm