Mưa lũ lịch sử: Cuộc sống người dân đảo lộn

02/11/2008 09:52 GMT+7 | Thế giới

·        Ít nhất 23 người chết và mất tích
·        Mưa lớn còn tiếp diễn trong 2 ngày nữa

Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lớn kéo dài ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ những ngày qua đã làm ít nhất 23 người chết và mất tích, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Chỉ riêng trong ngày 31/10 đã có 9 người chết, 1 người mất tích tại Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội lúc 18h hôm qua.


Ông Bùi Văn Đức, GĐ Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết: Đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm, thậm chí còn lớn hơn lượng mưa lịch sử năm 1984. Trận mưa này còn tiếp tục trong vòng 2 ngày nữa do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được tại trung tâm thành phố Hà Nội đã đạt 420mm, vượt xa mức lịch sử năm 1984 (mức kỷ lục năm 1984 là 394mm). Đây là trận mưa rất bất thường và phức tạp trong vòng hàng chục năm qua, đặc biệt lại rơi vào trung tâm Thủ đô Hà Nội gây bất ngờ cho các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, bởi theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc.

Riêng tại Hà Nội đã có ít nhất 9 người chết, do sét đánh, chết đuối và mất tích, trong đó huyện Chương Mỹ 5 người, Mê Linh 3 người, Thạch Thất 1 người.


Cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn, đặc biệt là tại Hà Nội. Hàng chục tuyến phố bị ngập sâu đến bụng; ô tô chìm sâu trong gara các chung cư cao tầng; mất điện, mất sóng di động tại nhiều khu vực; tắc đường diễn ra trên diện rộng; nước đầy ứ trên các con sông – kênh thoát nước, tràn vào nhà hàng chục ngàn người dân.

Sáng qua 1/11, giá cả các loại thực phẩm và rau củ tại nhiều chợ bán lẻ lớn của Hà Nội đã tăng “đột biến” sau hai ngày mưa liên tục. Tại chợ các chợ Kim Liên, Thành Công, Hôm, Láng Hạ…  giá rau củ đã tăng từ 1,5-2 lần so với các ngày bình thường. Tăng mạnh nhất là các loại rau xanh, trong đó rau muống từ 4 lên 8 nghìn đồng/mớ, su hào từ 3 lên 5 nghìn đồng/củ, đỗ quả từ 12 lên 18 nghìn đồng/kg. Thịt bò thăn từ 120 lên 140-150 nghìn đồng/kg; thịt thăn lợn từ 80 nghìn lên 100 nghìn đồng/kg, gà ta nguyên con tăng từ 95 lên 120 nghìn đồng/kg. Những người bán hàng cũng cho biết: Giá cả sẽ còn tiếp tục tăng nếu tình hình mưa to vẫn xảy ra.

Cây đổ sáng qua trên đường Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội

Học sinh Hà Nội được nghỉ học đến hết ngày thứ hai 3/11
GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Hà Đông, TP Sơn Tây và các đơn vị trực thuộc tiếp tục cho học sinh các trường học trên địa bàn nghỉ học và ngừng mọi hoạt động trong các trường đến hết ngày thứ hai (3/11). Hồi 7h15' hôm qua 1/11, cháu Trần Tú Quyên, học sinh lớp 7A, trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trên đường đi học đã lọt xuống cửa cống thoát nước đường Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ, mất tích cùng xe đạp. Đến 8h30', CA phường Nam Đồng và gia đình mới vớt được xe đạp, chưa tìm được thi thể của cháu.

Tối qua 1/11 và hôm nay 2/11, TCty Đường sắt Việt Nam quyết định ngừng chạy 5 chuyến tàu Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và sẽ hoàn trả 100% tiền mua vé cho khách hàng. Theo đó, tối 1/11 ngừng chạy 3 chuyến tàu mang số hiệu SE7, NA1, SE3 (có giờ xuất phát tại Hà Nội lần lượt vào lúc 19h50, 20h40, 23h). Ngày 2/11, ngừng chạy 2 chuyến tàu mang số hiệu SE3, NA1 và tổ chức chạy các tàu TN1, SE5, SE1, SE7 có thời gian xuất phát lần lượt vào lúc 10h05, 13h05, 19h, 19h50.

Tại ga Giáp Bát, lượng nước ngập đo được ở ga này vào chiều qua cao khoảng 600 mm nên tất cả các chuyến tàu sẽ chuyển sang xuất phát từ ga Văn Điển, đồng thời các tàu chạy từ phía Nam ra Hà Nội cũng phải dừng tại ga Văn Điển, ngành đường sắt bố trí chuyển tải hành khách bằng ô tô từ ga Hà Nội xuống ga Văn Điển và ngược lại.

Tổng cục Thống kê cho biết: Trong tháng 10, thiên tai đã làm 97 người chết và mất tích; 121 người bị thương; hơn 20 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập và mất trắng; gần 2 nghìn ha nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng và 1,8 nghìn ngôi nhà bị sập và cuốn trôi. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra là trên 1.700 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm