Mưa lũ gây thiệt hại lớn

28/10/2008 04:01 GMT+7 | Thế giới

Tại Yên Bái:
 
Trong đêm 26 và rạng sáng 27/10, trên địa bàn thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có mưa to đến rất to. Đến 4 giờ sáng 27/10, 3 hộ dân sống dọc bờ sông Hồng là các hộ ông Võ Hồng Hải, Võ Văn Cần, Nguyễn Xuân Giang thuộc tổ 39, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái có nhà bị sập trôi xuống mép sông Hồng. Một cột điện cao thế và một đoạn đường điện hạ thế 0,4 KV bị đổ. Rất may do các hộ dân đã nhanh chóng di dời nên không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế là không nhỏ.
 
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để khắc phục hậu quả và di dời các hộ dân còn lại đang trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Theo quan sát của PV hiện vẫn còn khoảng 40 hộ thuộc tổ 29, 39, 40 phường Nguyễn Phúc nằm dọc bờ sông Hồng cũng đang trong tình trạng rất nguy hiểm, cần phải di dời để đảm bảo tính mạng và tài sản.
 
Tại Hà Tĩnh:
 
Mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to gây ngập lụt nhiều nơi làm chết 1 người; thiệt hại về nhà cửa, các công trình phúc lợi và hoa màu vụ đông, ước thiệt hại gần 12 tỷ đồng.
 
Mưa lũ đã cuốn trôi cháu Nguyễn Thị Hồng Thắm (11 tuổi) ở xóm 4 xã Bùi Xá huyện Đức Thọ khi cháu trên đường đi học về. Đức Thọ là địa phương thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, 7 xã ngoài đê La Giang và 4 xã vùng trũng đồng, mưa làm đồng ruộng bị ngập sâu trong nước, thiệt hại gần 500 ha ngô, 300 ha rau màu, 3 con trâu, bò bị nước cuốn trôi; hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng. Tại huyện Hương Sơn, hàng chục ngôi nhà ở các xã vùng trũng Sơn Hoà, Sơn Thịnh, Sơn Ninh bị nước ngập sâu hàng mét, nhiều địa phương phải di dời dân đến nơi an toàn để tránh lũ. Hương Sơn có trên 300 ha lúa mùa, gần 600 ha ngô và hàng trăm ha lạc, hoa màu bị ngập úng; có 35 ao, hồ nuôi cá với diện tích hàng chục hécta bị mất trắng hoàn toàn; đập Đồng Tráng ở xã Sơn Thủy bị sạt lở hàng trăm mét khối đất, đá, ước thiệt hại lên 6 tỷ đồng. Riêng huyện Thạch Hà và Lộc Hà nhiều đoạn đê sông Nghèn và các hồ, đập bị hư hỏng nặng, hàng trăm hécta hoa màu vụ đông bị hư hỏng hoàn toàn.
 
Tại Quảng Ngãi:
 
Đêm 26, ngày 27/10 có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to, nhất là các huyện đồng bằng với lượng mưa từ 150- 250 mm; các huyện miền núi lượng mưa trung bình trên 100 mm, mực nước các sông trong tỉnh đang lên. Các huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi các tuyến đường giao thông liên huyện, nhất là 6 huyện miền núi bị sạt lở nặng. Riêng tại thành phố Quảng Ngãi mưa lớn kéo dài liên tục, hệ thống thoát nước không đảm bảo khiến cho nhiều tuyến đường như: Hùng Vương, Lê Trung Đình, Trần Hưng Đạo và nhiều khu dân cư nội thành bị ngập sâu trên một mét, gây ách tắc giao thông và ảnh gướng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trên địa bàn huyện Tây Trà, tại km 51+200 thuộc xã Trà Lãnh trên tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà bị sạt lở nặng, gây ách tắt giao thông. Tại tổ 9, thôn Trà Ong, xã Trà Quân đang xuất hiện một vết nứt trên núi dài 100 m, sâu 1 m, rộng hơn 0,5m, uy hiếp tính mạng và tài sản của 18 hộ dân đang sinh sống trong vùng. Hiện tại, 5/9 xã trong huyện bị mất thông tin liên lạc, đường giao thông từ trung tâm huyện lỵ về 5 xã bị cắt đứt do sạt lở núi. Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Trà, toàn huyện hiện còn hơn 150 hộ dân với trên 800 nhân khẩu còn đang nằm trong vùng sạt lở, cần di chuyển đến nơi an toàn.
 
Tại Kon Tum:
 
Mưa lớn trên diện rộng và lũ cuốn trong mấy ngày qua đã gây nhiều thiệt hại ở huyện Kon Plông (Kon Tum). Giao thông về các xã vùng sâu hoàn toàn bị cắt đứt, khiến cho các xã này bị cô lập với bên ngoài.
 
Tỉnh lộ 676 đi vào các xã vùng sâu như Đắk Tăng, Măng Búk, Đắk Ring, Đắk Nên vốn chưa được nâng cấp, nay lại bị ảnh hưởng của mưa lũ nên đã bị ách tắc. Các xã vùng sâu Đắk Tăng, Măng Búk, Đắk Ring, Đắk Nên hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Mưa lớn còn gây sạt lở, cuốn trôi hàng nghìn mét khối đất đá trên nhiều tuyến đường khiến việc đi lại của nhân dân trong vùng, nhất là học sinh ở các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Mưa lớn cũng đã làm thiệt hại hơn 22 ha lúa, hoa màu và hàng nghìn mét vuông ao hồ nuôi cá của nhân dân địa phương.
 
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt huyện Kon Plông đã yêu cầu các địa phương thông báo và bố trí lực lượng, triển khai phương án bảo vệ người già, trẻ em, đưa tài sản đến nơi an toàn khi có thông báo lũ lớn.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 27/10, các tỉnh Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
 
Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định đang lên; các sông ở Thừa Thiên - Huế đang dao động trên mức báo động (BĐ) I.
 
Mực nước lúc 16 giờ ngày 27/10, trên một số sông như sau:
 
Sông Hương tại Kim Long: 0,70m, trên BĐI: 0,20m
Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 3,48m, dưới BĐII: 0,72m
Sông Vệ tại cầu sông Vệ: 2,90m, dưới BĐII: 0,20m
 
Dự báo, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua nam Biển Đông kết hợp với đới gió đông hoạt động mạnh, trong 2-3 ngày tới ở Trung bộ tiếp tục có mưa lớn. Lũ các sông tiếp tục lên và dao động ở mức cao từ báo động I đến báo động III, trong đó có sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc có khả năng lên mức 5,5m, xấp xỉ mức BĐIII; sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên mức 4,1m, ở mức BĐIII. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh Trung bộ.
Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm