Mái nhà chung ấm áp nghĩa tình của thương binh nặng

27/07/2010 07:06 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Những ngày tháng 7 này, chúng tôi về trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Không giống như những gì đã tưởng tượng về 1 nơi điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần, cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đây đó là một không gian thoáng mát và ấm cúng tình người.

Hiện tại, trung tâm đang quản lý 137 đối tượng bệnh nhân tâm thần, trong đó có 92 thương, bệnh binh nặng đặc biệt của 25 tỉnh, thành từ Quảng Nam trở ra.


Làm vườn thuốc nam tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan
Mái nhà đặc biệt...
   
Với đặc thù là đơn vị phục vụ thương, bệnh binh nặng mất khả năng tự chủ và tư duy, trong những năm qua, trung tâm đã có nhiều sáng kiến cải tiến phương pháp quản lý bệnh nhân theo mô hình quản lý mở. Với mô hình này, bệnh nhân được sinh hoạt trong không gian rộng, có vườn hoa, cây xanh, thoáng mát, có nhân viên quản lý hướng dẫn hoạt động liệu pháp.

Những buổi tập thể dục và vui chơi ngoài trời đã trở thành nề nếp đối với mỗi thương bệnh binh nơi đây, tạo cho thương bệnh binh có cuộc sống chan hòa cởi mở, gần gũi với nhân viên phục vụ.

Bởi vậy, trong những năm qua, nhất là 5 năm trở lại đây, trung tâm không có bệnh nhân nào bỏ trốn ra khỏi khu vực đơn vị, gây mất trật tự xã hội. Bên cạnh đó, trung tâm còn kết hợp có hiệu quả giữa điều trị, nuôi dưỡng, quản lý, phục hồi chức năng và các hoạt động trị liệu, tập cho thương bệnh binh sinh hoạt theo đúng giờ giấc quy định.     

Cùng với đó, trung tâm đã đầu tư mua sắm các loại máy phục hồi chức năng để giúp thương bệnh binh nhanh chóng phục hồi lại các chức năng về hành động, tâm lý, ý thức để đạt được phương châm đề ra là điều trị kết hợp với quản lý, phục hồi, nuôi dưỡng và chăm sóc, giúp thương bệnh binh ổn định bệnh tật và sức khỏe. Với những người không được tỉnh táo thì vui chơi tại khoa, xem tivi theo sự hướng dẫn của y tá, hộ lý.


Các y, bác sỹ Trung tâm Thương binh Nho Quan hướng dẫn các thương binh tập thể dục, phục hồi chức năng

Trong số những thương bệnh binh đang điều dưỡng tại trung tâm, nhiều người tuổi đã cao, sức khoẻ suy giảm, bệnh nội, ngoại khoa phát sinh, một số khác lại mắc bệnh hiểm nghèo nên mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ.

Luôn đầy ắp yêu thương

Trước những khó khăn vẫn còn chồng chất, những cán bộ, viên chức ở trung tâm đã vượt lên những trở ngại, mang tình yêu thương từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà cảm thông, chia sẻ và chăm sóc thương, bệnh binh. Họ không quản ngại khó khăn, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ… làm tốt công tác điều dưỡng, điều trị cho thương, bệnh binh.Và nhờ đó mà nhiều thương, bệnh binh nặng đã vượt qua nỗi đau về thương tật, kiên trì điều trị. Một số người đã dần ổn định bệnh tật, hòa nhập trở lại với cộng đồng, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế gia đình, điển hình như: thương binh 1/4 Lê Xuân Khải, thương binh 1/4 Lê Chí Viễn, thương binh mất sức 91% Đinh Công Truật… 100% thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm đều yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, tiếp tục sống vui, sống khỏe theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Hiện nay, trung tâm có 62 cán bộ công nhân viên, trong đó có 5 bác sĩ, 10 y sĩ, hộ lý, điều dưỡng. Giữa họ và thương bệnh binh luôn có sự đồng cảm sâu sắc như tình ruột thịt.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe, chữa trị vết thương, phục vụ chu đáo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của anh em, những cán bộ nhân viên trung tâm còn là chỗ dựa nâng đỡ tinh thần cho thương binh. Một nụ cười, một cử chỉ ân cần, một giọng nói dịu dàng… cũng đủ để sẻ chia biết bao nỗi niềm, làm dịu bao đau đớn thể xác của những người đã phải chịu quá nhiều mất mát, quá nhiều hy sinh...  


Bác sĩ chăm sóc, chữa bệnh cho thương bệnh binh

Ở Trung tâm, một số thương binh đã tìm được tình yêu, tìm được một nửa của mình và họ sống rất hạnh phúc. Còn những người độc thân sống tại trung tâm, hàng ngày, họ đến thăm nhau, chia sẻ ngọt bùi, chia sẻ cả những cơn đau khi trái gió, trở trời. Tình đồng chí, đồng đội đã giúp họ có nghị lực vượt qua đau đớn thể xác và những mất mát tưởng chừng không thể đong đếm. Sự yêu thương, gắn bó của đồng đội, sự chăm sóc tận tình của tập thể cán bộ và nhân viên y tế, sự quan tâm của cả xã hội luôn khiến những người thương binh nặng thấy ấm lòng.

Cũng trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. Do đặc điểm đối tượng là thương bệnh binh tâm thần không làm chủ được bản thân, mất khả năng tư duy và ý thức nên trung tâm đã thay mặt các đối tượng để đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ quyền lợi của thương bệnh binh đúng quy định của Nhà nước và pháp lệnh ưu đãi người có công.

Những ngày tháng 7 này, các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng đội, đồng chí lại đến với trung tâm. Những lời thăm hỏi, động viên chia sẻ, những món quà tình nghĩa đã được trao tặng, chứa đựng cả tình yêu thương, lòng biết ơn và sự trân trọng của xã hội dành cho họ, những người con ưu tú đã cống hiến máu xương cho độc lập tự do của Tổ Quốc thân yêu, những người đang mang trên mình vết thương chiến tranh và đang phải từng ngày, từng giờ chiến đấu với thương tật để sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Tháng 7, về trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, về với những thương bệnh binh nặng đang được điều dưỡng nơi đây, chúng tôi cảm thấy lòng mình lắng lại. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã sống trong hòa bình độc lập. Thế nhưng, tại đây, có những nỗi đau, có những mất mát vẫn đang hiện hữu từng ngày. Và những người thương bệnh binh này họ vẫn đang ngày đêm chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo, những nỗi đau dai dẳng để vươn lên.
                                    
                                   Bích Thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm