Lễ cúng giải hạn của người Dao Tiền ở Cao Bằng

07/02/2017 12:58 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cũng như đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Dao Tiền mong muốn khi bước sang năm mới gặp nhiều may mắn, tốt lành, thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Dao Tiền đều làm lễ cúng giải hạn, một hình thức "tống cựu nghênh tân".

Cơn mưa xuân từ đêm hôm trước khiến con đường vào các xóm làng người Dao tiền trơn trượt, lầy lội nhưng vẫn không làm "chùn chân" thầy tào Đặng Văn Nhất. Hôm nay là ngày đẹp, ông tào được gia chủ Bàn Văn Lý (Quang Thành, Nguyên Bình, Cao Bằng) mời đến làm lễ giải hạn, xua đi những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đón một mùa xuân mới.

Mâm lễ cúng giải hạn của người Dao Tiền gồm có: thịt gà, thịt lợn, cá... được kết bằng giấy dó thủ công và các sản vật địa phương. Đây là những thứ gần gũi với gia đình và cũng là những nông sản mà đồng bào Dao Tiền quan niệm do các vị thần trên trời ban tặng cho nhân gian. Trong đó, thịt gà là món quan trọng không thể thiếu. Con gà được lựa chọn làm lễ cúng phải khỏe mạnh, có bắp chân săn chắc, móng, cựa đẹp, có thế phượng chầu.


Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet

Theo tín ngưỡng cổ xưa, gà được coi như vật có khả năng kết nối 3 cõi: trời, dương gian và âm phủ. Cho nên khi thực hiện hình thức cúng tế này phải có sự tham gia của vật dẫn đường, đưa những ước mong của người trần gian đến với tổ tiên và các vị thần linh.

Ông Bàn Văn Lý, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết lễ cúng giải hạn đầu năm là tiễn đưa cái cũ, cái xấu để đón những điều mới tốt lành hơn đến với gia đình. Cuối năm, các gia đình nếu cảm thấy năm qua chưa làm ăn tốt có thể mời thầy tào đến nhà giúp gia chủ cúng lễ, cầu cho những điềm xui xẻo qua đi, năm mới mùa màng bội thu, trồng được nhiều ngô, chăm được nhiều trâu bò và có sức khỏe tốt.

Trong lễ cúng giải hạn, thầy tào mời gia tiên gồm có ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người; mời các vị thần bảo hộ mùa màng, sức khỏe về chứng giám, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà khỏe mạnh… Trong suốt quá trình hành lễ, thầy tào đội chiếc mũ có hình chiếc mào gà lớn, tượng trưng cho người kết nối 3 cõi.

Thầy tào Đặng Văn Nhất chia sẻ, truyền thuyết xa xưa kể rằng có một vị thần có phép thuật của mẹ tiên trên trời ban cho, thường xuyên đi chữa bệnh cứu người, được gà thần tặng cho mũ mào gà có khả năng đi lại trong 3 cõi, kết nối thiên đình, âm phủ, dương gian.

Sau khi được thần linh và các vị gia tiên chứng giám, thầy tào hành lễ, cùng con cháu trong nhà tiễn đưa những điều xấu, điềm gở ra khỏi nhà. Cả đoàn cùng rời khỏi vị trí hành lễ, xếp thành hàng đi ra khỏi nhà, ra đồng ruộng, rời khỏi địa phận gia đình quản lý để những điều xấu rời khỏi nhà. Cũng từ lúc này, khi cả đoàn quay về cũng là lúc mang theo những điều mới mẻ, may mắn về nhà.

Ngày nay, người Dao Tiền vẫn gìn giữ và bảo tồn được nhiều nghi lễ như lễ cúng giải hạn, lễ cấp sắc,…với các nghi thức ngày càng giản đơn, tiết kiệm mà không đánh mất bản sắc dân tộc mình. Thông qua các nghi lễ này, các thế hệ người Dao Tiền hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, cùng bảo tồn, phát huy những giá trị đẹp của dân tộc mình.

TTXVN/Quân Trang - Thanh Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm