Kỷ niệm 70 năm thành lập TTXVN: Từ phòng thu tin morse đến 'binh chủng' truyền thông hiện đại

15/09/2015 05:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến hôm nay, Thông tấn xã Việt Nam – hãng thông tấn duy nhất của cả nước - đã có 70 mùa Xuân đồng hành cùng dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Từ phòng thu tin morse tiếp quản của thời Pháp thuộc, giờ đây Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại, không chỉ ở tầm quốc gia mà vươn ra khu vực và thế giới.

Từ phòng thu tin đơn sơ...

Cách đây 70 năm, đồng chí Trần Kim Xuyến, một đảng viên trung kiên, một thanh niên trí thức được giao việc tiếp quản phòng thu tin bằng morse ở số 6 phố Pierre Pasquier (nay là nhà số 6 phố Ðiện Biên Phủ, Hà Nội) thuộc Sở Tuyên truyền báo chí Pháp và Ðài phát sóng Bạch Mai.

Ngày 23/8/1945, ngày làm việc đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) với việc thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Paris, nhận ngang các đài của quân đội Pháp chuyển tin về Pháp, đài Sài Gòn GZR liên lạc hai chiều với Paris...


Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã Tuệ Oanh (Ban Biên tập Tin trong nước) cách viết tin trong dịp đưa tin về bầu cử Quốc hội khóa III (1964). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày hôm sau, 24/8, bản tin đầu tiên được gửi tới Bác Hồ và các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương. Chính từ bản tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người khai sinh cho hãng thông tấn nhà nước non trẻ bằng việc đặt tên gọi Việt Nam Thông tấn xã với các chữ viết tắt ký hiệu cho cơ quan: Tiếng Việt là VNTTX, tiếng Pháp là AVI và tiếng Anh là VNA.

Kể từ đó, trung bình mỗi ngày VNTTX thu 20.000 từ tin tức để phục vụ Trung ương, Bác Hồ và công tác tuyên truyền. Hơn 20 ngày sau - ngày 15/9/1945 - những kỹ thuật viên của hãng thông tấn non trẻ mới lắp đặt xong máy phát sóng đủ công suất truyền tín hiệu chữ.

Bản tin đầu tiên (mang đầy đủ các ký hiệu VNTTX, VNA, AVI) được gửi cho các đài nhận tin trong nước và nước ngoài; nội dung chính là bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời (bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp).

Không chỉ có thế, “trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo – chiến sĩ. Họ có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân.

Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy. Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận, và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường...” – bài viết của Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi.

Sau giải phóng, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 24/5/1976, VNTTX và TTXGP thống nhất thành một hãng thông tấn với tên gọi: Thông tấn xã Việt Nam.

... đến “binh chủng” truyền thông hiện đại

Là hãng thông tấn duy nhất của cả nước, TTXVN luôn đảm bảo cung cấp những thông tin nhanh chóng, toàn diện và chính xác về tình hình trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn thông tin phong phú và tin cậy cho các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế, cũng như trực tiếp tới độc giả trên khắp thế giới...

Thông tin của TTXVN ngày càng vươn xa tới khắp năm châu, góp phần kết nối sức mạnh của thời đại với sức mạnh của dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tham gia kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác trên thế giới.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian hàng trưng bày và giới thiệu về 70 năm Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Cùng với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, TTXVN đã, đang và sẽ còn có những bước trưởng thành vượt bậc và vững chắc về mọi mặt. TTXVN đang vững tin trên con đường trở thành một tổ hợp truyền thông quy mô lớn, có đầy đủ các loại hình báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của xã hội với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên nền tảng công nghệ tiên tiến; với cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành khoa học theo nguyên lý quản trị hiện đại; với đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tha thiết yêu nghề, sẵn sàng dấn thân vì một TTXVN ngày càng lan tỏa, thuyết phục.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn diện, vai trò của báo chí cách mạng nói chung, của TTXVN nói riêng luôn luôn và ngày càng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong phát huy quyền làm chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân; trong xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong cổ vũ, tôn vinh điều thiện, cái đẹp, cái tiến bộ, lên án cái xấu, cái ác; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trì trệ… và tất cả những gì phương hại tới lợi ích quốc gia.

Hiện nay, TTXVN có gần 2.500 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên... thuộc 32 đơn vị và là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á – Thái Bình Dương, và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác... Đó là sự khẳng định vị thế không ngừng lớn mạnh của TTXVN tại các diễn đàn báo chí khu vực và thế giới.

Các phóng viên TTXVN tại 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục luôn nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới.

Trước xu thế phát triển không ngừng và nhanh chóng của thông tin, truyền thông thế giới, TTXVN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về mọi mặt, tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực để trở thành một tổ hợp truyền thông hiện đại không chỉ ở tầm quốc gia mà vươn ra khu vực và thế giới.

Trong bài viết Thông tấn xã Việt Nam, 70 năm đồng hành cùng đất nước, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi viết: “Mỗi thế hệ có những nhiệm vụ riêng, mỗi thời kỳ có những yêu cầu riêng, nhưng có thể khẳng định trải qua 7 thập kỷ, các “binh chủng” thông tin của TTXVN đã làm nên một “biên niên sử” báo chí về dân tộc Việt Nam anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù và sáng tạo trong phát triển đất nước, năng động và hòa hiếu trong hội nhập quốc tế ngày nay…

Trong những năm tới, TTXVN sẽ tiếp tục nỗ lực vượt bậc, đổi mới, phát triển. Trước hết, tiếp tục phấn đấu giữ vững vị trí, vai trò là cơ quan thông tin chính thống, chính thức của Đảng và Nhà nước với chức năng định hướng thông tin.

Để làm được điều đó, TTXVN sẽ tập trung nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn, tạo sự lan tỏa của thông tin trong hệ thống báo chí và dư luận xã hội nói chung; tiếp tục chú trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin đối ngoại, nhằm đáp ứng về nhu cầu thông tin về Việt Nam ngày càng cao của báo chí và công chúng nước ngoài, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái và chỉnh hướng những thông tin sai lệch, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Những dấu mốc trong lịch sử 70 năm TTXVN

15/9/1945: Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được phát đi toàn thế giới bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh - đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã, tên do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, hãng thông tấn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

1946: VNTTX đặt Phân xã (Cơ quan thường trú) tại Bangkok (Thái Lan). Đến năm 1952 tiếp tục đặt Phân xã đầu tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

1950: VNTTX bước đầu hình thành cơ cấu tổ chức một cơ quan Thông tấn gồm: Tin trong nước, Đối ngoại, Thế giới, Tham khảo và bộ phận Kỹ thuật, In ấn, Hành chính.

7/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ: Phóng viên VNTTX tường thuật trực tiếp từ chiến trường về chiến thắng vẻ vang này.

1955:Tết Ất Mùi, Bác Hồ chúc VNTTX: "Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật"

12/10/1960: Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập tại Chiến khu Đ (Đông Nam Bộ)

30/4/1975: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên VNTTX và TTXGP đưa tin, ảnh về Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến, VNTTX và TTXGP có hơn 260 người hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

12/5/1977: VNTTX và TTXGP hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Chính phủ

Những năm 1980: Ra đời các tờ Thể thao & Văn hóa (1982), Tin tức (1983), Khoa học & Công nghệ (1983)...

Những năm 1990: Xuất bản các tờ báo tiếng nước ngoài gồm: Vietnam News (1991), Vietnam Law (1994), Le Courrier du Vietnam (1994)

19/8/1998: Khai trương mạng VNANET, trở thành một trong những cơ quan báo chí đầu tiên hoạt động trên Internet.

13/11/2008: Khai trương trang VietNamPlus, báo điện tử chính thức của TTXVN với 5 ngữ gồm Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc.

25/8/2010: Truyền hình Thông tấn VNews lên sóng, trở thành kênh truyền hình thời sự chính luận chuyên biệt đầu tiên trong cả nước.

2/2/2012: Khánh thành tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc gia, "ngôi nhà chung" của những "nhà thông tấn".

15/9/2015: Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, ra mắt các sản phẩm, loại hình thông tin mới (đồ họa, phát thanh...).

Huy Phạm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm