Khủng hoảng hàng không, còn 1,4 triệu hành khách chờ Lufthansa bồi hoàn vé bị hủy

22/08/2020 11:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hãng hàng không Lufthansa của Đức phải hủy hầu hết các chuyến bay. Tuy nhiên, hiện rất nhiều hành khách chưa nhận được bồi hoàn tiền vé.       

Ngành hàng không toàn cầu hướng tới 'không tiếp xúc' hậu COVID-19

Ngành hàng không toàn cầu hướng tới 'không tiếp xúc' hậu COVID-19

Trong cuộc đua mở cửa trở lại, các sân bay đang chuyển sang công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và máy quét sinh trắc học được thiết kế để mang đến trải nghiệm “không tiếp xúc” cho cả hành khách lẫn hành lý của họ.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, việc Lufthansa chậm trễ trong việc bồi hoàn tiền cho hành khách hủy vé đã vấp phải sự chỉ trích của giới chính trị gia và bảo vệ người tiêu dùng trong những tháng qua. Thông báo chính thức của Lufthansa cho biết hiện còn khoảng 1,4 triệu hành khách vẫn đang chờ được bồi hoàn tiền vé và hãng đặt mục tiêu đến cuối tháng 8 này sẽ giải quyết tất cả các đơn yêu cầu bồi hoàn tính đến cuối tháng 6.

Cho đến nay, Lufthansa đã bồi hoàn cho 5,4 triệu hành khách, với tổng số tiền trên 2,3 tỷ euro (2,7 tỷ USD). Phần lớn các khoản bồi hoàn này là do các chuyến bay bị hủy do dịch bệnh COVID-19. Bộ Kinh tế liên bang Đức đã gây sức ép yêu cầu Lufthansa nhanh chóng bồi hoàn tiền vé cho hành khách, bởi trên thực tế hãng đã được Chính phủ liên bang giải cứu với gói cứu trợ lên tới 9 tỷ euro (10,6 tỷ USD).       

Cũng liên quan tới Lufthansa, Ủy ban châu Âu (EC) đã bật đèn xanh cho gói cứu trợ trị giá 290 triệu euro (342 triệu USD), phần lớn dưới dạng cho vay ưu đãi, nhằm giúp hãng hàng không Brussels Airlines, một công ty con của Lufthansa, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trước đó, Lufthansa đã bơm 170 triệu euro (200 triệu USD) nhằm hỗ trợ công ty này.       

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng tăng thời gian qua ở Đức, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW) đã gửi thư tới Thủ tướng Đức Angela Merkel để bày tỏ những quan ngại của hiệp hội trong trường hợp Đức phải áp đặt trở lại những biện pháp giãn cách xã hội như trước đây.    

Chú thích ảnh
 Máy bay của hãng hàng không Lufthansa. Nguồn: Internet

Trong thư, BVMW lo ngại rằng việc một lần nữa phải thực hiện giãn cách xã hội và ngừng hoạt động của doanh nghiệp sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn hơn đáng kể cho nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, so với những biện pháp đưa ra trước đây.

Theo BVMW, nhiều công ty đã sử dụng hết nguồn dự trữ tài chính và hàng loạt công ty đứng trước nguy cơ phá sản nếu lần thứ hai phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19. BVMW cũng cảnh báo trong trường hợp lần thứ hai phải áp đặt giãn cách xã hội, nhà nước cũng sẽ bị quá tải về tài chính, nền kinh tế trong tương lai của Đức sẽ gặp nguy hiểm và hàng triệu việc làm bị đe dọa.          

Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, ngày 21/8, thành phố Offenbach (bang Hessen) đã phải áp đặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội khi số ca nhiễm mới vượt mức giới hạn 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày. Theo quy định mới, người dân chỉ được tụ tập ở nơi công cộng tối đa 5 người, trừ trường hợp là những người trong cùng một nhà. Các sự kiện ngoài trời giới hạn tối đa 100 người, trong khi các sự kiện trong không gian kín giới hạn ở mức 50 người. Ngoài ra, các nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa vào ban đêm từ cuối tuần này. Cảnh sát sẽ tăng cường kiểm soát các quy định được áp đặt, trước mắt kéo dài tới ngày 3/9 tới.   

Trong khi đó, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết đã ghi nhận trên 1.400 ca nhiễm mới ở Đức trong ngày 21/8, nâng tổng số ca nhiễm ở Đức đến nay lên trên 230.000 người.   

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức cho biết đã ban hành khuyến cáo người dân không nên tổ chức các chuyến du lịch không cần thiết tới thủ đô Brussels và tỉnh Antwerp của Bỉ, nơi ghi nhận các ca mắc mới COVID-19 vượt quá "ngưỡng cảnh báo" 50 ca/100.000 dân trong tuần qua. Cảnh báo này cũng đồng nghĩa những người trở về Đức từ hai khu vực trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bắt buộc hoặc phải cách ly trong 2 tuần nếu họ từ chối xét nghiệm.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm