Hành hương Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam: Khách bị lừa đảo và giựt đồ

03/02/2009 01:00 GMT+7 | Thế giới

Những ngày đầu năm mới, khách hành hương các nơi đổ về khu di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (người dân quen gọi là chùa Bà), phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày càng đông. Nhiều du khách kêu trời vì bị lừa đảo và giựt dọc
 
Xe chúng tôi vừa trờ tới đã bị vây kín bởi hàng chục cò mồi chèo kéo. Từ chuyện nhang khói, trái cây, thuê heo quay để cúng bà đến xin sâm, coi bói đều có cò.
Mua chim phóng sinh ở chùa Bà dễ bị lừa

Mua ít phải trả nhiều

Đến khu vực chùa Bà, khách hành hương phải liên tục luồn lách, né tránh lực lượng cò để tìm đường đi. Vừa dừng trước một khách sạn, tôi bị một thanh niên nhảy bổ tới hỏi: “Có thuê heo quay cúng bà không anh, mấy chục ngàn hà. Một lần cúng nửa giờ hoặc một giờ tùy giá cả”. Tôi chưa kịp hiểu gì thì cả chục cò khác trên tay ôm, đeo đủ thứ nhang, vàng mã... vây kín. Vừa thoát khỏi vòng vây, tôi bị lôi ngược lại vì một chị bán “lộc bà” nắm chặt tay tôi gí vào. Vừa từ chối được người này, tôi bị cô bé bán nhang bám sát. Khổ sở lắm, tôi mới tìm được đường rút lui vào khuôn viên chùa Bà lẩn trốn.

Bà Phạm Thị Hai, ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang cùng người cháu gái bị chào mời mua chim phóng sinh ngay trước cổng. Người phụ nữ bán chim chào giá 5.000 đồng/chục (10 con chim). Thấy giá hời, bà Hai và cháu gái quyết định mua chim thả làm phước. Trong lúc hai bà cháu nhắm mắt, chấp tay khấn vái, người bán đã mở cửa lồng tung chim tứ tán. Cô gái chỉ kịp đưa tay thả được vài con chim yếu ớt thì lồng chim đã hết sạch. “Tổng số 50 con, giá 5.000 đồng/con, thành tiền 250.000 đồng” - người phụ nữ bán chim “hét”. Bà Hai và cháu gái sửng sốt vì giá cao hơn lúc thỏa thuận ban đầu rồi đôi bên cự cãi. Cả tốp cò hơn chục người liền vây kín hai người khách, còn người phụ nữ bán chim lớn tiếng với những lời thô tục. Cuối cùng, bà Hai phải cắn răng móc tiền trả đủ số họ đưa ra mới được yên.

Nhiều trò mê tín

Trung tá Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Công an phường Núi Sam, cho biết không thể dẹp bỏ triệt để đội quân cò mồi, vì đa phần đến mùa vía Bà là họ từ các địa phương khác đổ về rất đông. Chính những thành phần này làm cho quang cảnh khu di tích trở nên bát nháo. Nhưng nói dẹp bỏ hẳn thì không thể, vì khi lực lượng tuần tra đi khỏi, tình trạng mua bán, chèo kéo khách lại tái diễn.

Quá mệt mỏi với cảnh bát nháo dưới đường, tôi và người bạn men theo lăng Thoại Ngọc Hầu lên núi. Vừa đi được mấy bậc thang, cô bé bán nhang lại bám sát đuôi mời mọc. Cô còn xởi lởi: “Chú có xin sâm, coi bói không, mua giùm con bó nhang đi, con chỉ cho”. Tôi và anh bạn đi cùng gật đầu, cô bé dẫn chúng tôi đến một căn nhà lợp tôn u tối nằm bên hông lăng. Cô bé vừa đi vừa quảng cáo: “Đây là thầy Kiệt, bà năm Cùi”. Vừa tới nhà, cô bé gọi: “Bà Năm ơi có khách coi bói”. Một người phụ nữ hơn 50 tuổi bước ra mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà đã có sẵn cặp vợ chồng đang được “thầy” bói bài. Người thanh niên khoảng gần 30 tuổi, mặc chiếc áo đạo màu xám như tu sĩ ngồi giải thích từng con bài. Với giọng nhỏ nhẹ đều đều, “thầy” phán: “Gia chủ còn gặp hạn lớn. Còn có một cái vong (ý nói hồn ma) theo phá. Muốn làm ăn thì “thầy” giúp đỡ, chứ không thì khó lắm”. Đôi vợ chồng tái mặt, vợ nhìn chồng dò hỏi, trong họ mình có ai chết oan ức hay không? Rồi người vợ hỏi tiếp: “Vong này chết khoảng mấy năm rồi thầy?”. “Thầy” đáp: “Vong này là người trong thân tộc, chết khoảng 10 năm”. Cả hai vợ chồng im lặng một lúc rồi lắc đầu, không biết và xin về. “Thầy” nhắc nhở: “Xem không lấy tiền, tùy lòng hảo tâm quý vị cúng tổ bao nhiêu thì cúng”. Người chồng bỏ vào chiếc chuông 10.000 đồng, “thầy” nhanh mắt nhìn và nhắc “mỗi quẻ 20.000 đồng”. Người chồng phải bỏ thêm 10.000 đồng rồi biến mất.

Còn người bạn tôi được một “thầy” khác tận tình chỉ dẫn, đang làm thủ tục lắc lon xin sâm. Lắc mãi mà chẳng có cây sâm nào rớt ra, “thầy” bảo: “Anh rút đại một cây đi cho lẹ, lắc hoài chừng nào rớt?”. Bạn tôi rút cây sâm số 39, “thầy” kêu đưa “thầy” giải giúp. Vẫn giọng nhỏ nhẹ, “thầy” bảo đây là sâm thượng thượng, tốt lắm, làm ăn may mắn. Nhưng “thầy” cũng không quên phán thêm: “Nhưng cậu cũng gặp hạn tam tai. Muốn làm ăn thuận lợi phải tìm thầy cúng giải hạn. Tôi biết một thầy rất giỏi việc cúng giải hạn. Cậu sang am kế bên hỏi thầy Nhân hay thầy Thạnh, các thầy sẽ hướng dẫn cách cúng, nhưng đừng nói là tôi giới thiệu. Tôi không biết mấy thầy đó, chỉ nghe tiếng thầy giỏi thôi”. Trước khi đi, “thầy” cũng nhắc nhở tiền quẻ sâm 20.000 đồng.

Dọc theo các con đường lên núi, chúng tôi được rất nhiều cò mồi bán nhang, sách số, tử vi quảng cáo và dẫn đường đến gặp các thầy coi bói, làm phép, làm bùa. Nhiều tên tuổi được nhắc đến như Phật sống: Năm Ngoan, bà Năm Bốc, bà Năm Pháo Binh, bà Năm Hòa Bình...

Làm từ thiện cũng bị giựt đồ

Một cặp vợ chồng mới cưới quê ở tận Cần Thơ đi viếng chùa Bà. Người chồng bị một phụ nữ níu kéo gí một túi lộc bà (giống như bao lì xì màu đỏ, bên trong chỉ có 1 đô la âm phủ và thỏi vàng bằng nhựa) vào tay. Anh vừa cầm lấy đã bị người bán đòi tiền với giá 50.000 đồng. Chê giá cao, cặp vợ chồng này liền bị sừng sộ. Để yên thân, người chồng bấm bụng móc tiền ra trả. Đang loay hoay tìm tờ giấy bạc 50.000 đồng, người chồng bị một thanh niên đứng kế bên giựt phăng cái bóp chạy biến vào chân núi. Trước đó, trong những ngày đầu năm mới, một đoàn cứu trợ đến phát gạo từ thiện cho người nghèo tại cổng chùa Bà, có người bị giựt mất điện thoại.
 
Theo NLĐ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm