Hà Nội lo cho 500 nhà cao tầng

17/12/2011 10:02 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau vụ cháy tòa tháp đôi EVN, ngày 16/12 Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các Sở và một số ban, ngành. Thành phố hiện có tới 500 tòa nhà cao trên 10 tầng, trong khi đó trang thiết bị cứu hoả rất thiếu thốn, đặc biệt nước cho chữa cháy lại thiếu trầm trọng.

Nguyên nhân do hàn xì

Về nguyên nhân gây ra vụ cháy, đại tá Nguyễn Đức Nghi, GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đang làm rõ. Tuy vậy, đại tá Nguyễn Đức Nghi nhận định: “Tôi nghiêng về khả năng do hàn xì, vì khi tiếp xúc với một số công nhân, họ cho biết, khu vực bắt nguồn đám cháy ở khu vực các công nhân đang hàn xì, xung quanh lại tập kết rất nhiều vật dễ bắt lửa như xốp, ống nhựa, dây điện... Theo quy định khi hàn xì đơn vị thi công phải di chuyển những vật liệu này ra khỏi khu vực đó”.

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, người trực tiếp chỉ đạo chưa cháy tại hiện trường cho biết, trong quá trình thi công, công tác phòng cháy của tòa nhà EVN không đảm bảo. Khi đám cháy xảy ra hệ thống cứu hỏa của tòa nhà vẫn chưa hoạt động, nước không có, chỉ có một số ít bình xịt được trang bị đã được công nhân đưa ra chữa cháy nhưng không thể khống chế được mồi lửa. Tòa nhà không có nội quy phòng cháy, không có hệ thống bình bột, cát. Đặc biệt, trong vụ cháy, hệ thống cầu thang thoát hiểm và hệ thống hộp kỹ thuật lại trở thành ống hút khói độc lên khắp tòa nhà, công nhân không xuống được. Lực lượng PCCC đã huy động toàn bộ bình thở và mặt nạ phòng độc được trang bị, sau đó phải yêu cầu Bộ Công an hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu bổ sung khẩn cấp thiết bị PCCC

Mua gấp thiết bị cứu hỏa

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: “Phải xác định nguyên nhân để xử lý chứ không đơn thuần rút kinh nghiệm. Các Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, Sở LĐTB&XH phải thanh tra sai phạm về quy định PCCC, quy định xây dựng và an toàn lao động. Nếu nguyên nhân do nhà thầu thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm, do công nhân thì công nhân phải chịu trách nhiệm”.

Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện thành phố có 3 xe thang chữa cháy, nhưng thực tế thiết kế xe thang không phù hợp với giao thông hiện nay của Hà Nội: xe thang dài, cao, cần giá chống rộng… trong khi đường Hà Nội vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè; mạng lưới dây điện chằng chịt, chùng, võng, dễ gây chập cháy…

Thành phố hiện có tới 500 tòa nhà cao trên 10 tầng, trong khi đó, nước cho chữa cháy lại thiếu trầm trọng, áp lực nước yếu, nhiều tuyến phố chính, khu phố cổ và nhiều địa bàn chưa có các trụ cứu hỏa. Với quy chuẩn 150m dọc các trục đường phải có một trụ cứu hỏa, Hà Nội cần 6.000 trụ nhưng hiện chỉ có hơn 1.000 trụ. Xe cứu hỏa thiếu, phải phụ trách địa bàn bán kính rộng, cách xa cơ sở từ 40-50km.

Công nhân mắc kẹt khi vụ cháy xảy ra Ảnh TTXVN

Ngay tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Cảnh sát PCCC lên danh sách các trang thiết bị cần thiết, trên cơ sở đó, Sở Tài chính cấp ngay kinh phí, không cần phải qua đấu thầu. Đồng thời, các Sở Xây dựng, Sở PCCC, Sở Công thương kiểm tra tất cả các nhân lực thi công xây dựng các công trình cao tầng hiện nay. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: “Phải kiểm tra trước khi xảy ra những vụ cháy lớn, bởi nếu cháy, thiệt hại không tính được”.

Giải pháp chữa cháy bằng trực thăng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Trong trường hợp cháy như hôm qua, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn”. Đại tá Tô Xuân Thiều cho rằng phương án này không đơn giản. Không phải chỗ nào trực thăng cũng đỗ được và việc cứu người bằng thả thang dây rất khó.

Tử Yến - Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm