GS Hoàng Tuỵ: Tham nhũng “sống” khoẻ vì tiền lương bất cập

20/06/2009 21:04 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 19/6, Viện nghiên cứu phát triển (IDS) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tham những dưới góc độ khoa học: Vì sao tham nhũng ở Việt Nam kéo dài và ngày càng khó chống” dưới sự chủ trì của GS Hoàng Tuỵ. Ông là nhà toán học hàng đầu của Việt Nam và cũng là một trong những thành viên sáng lập IDS - một viện nghiên cứu tư nhân hoạt động phi lợi nhuân đầu tiên tại Việt Nam.

Theo quan điểm của GS Hoàng Tuỵ thì nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng tại Việt Nam là do cơ chế tiền lương và thu nhập của công chức, cán bộ bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc duy trì cơ chế chi tiêu thanh toán phổ biến dùng tiền mặt, khiến cho việc ăn cắp công quỹ khá dễ dàng. Và sau nữa - nhưng quan trọng không kém là cơ chế đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến việc mua quan bán chức. Mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để chống tham nhũng nhưng chưa xác định đúng bệnh dẫn đến chưa “bốc đúng thuốc” nên tình hình biến chuyển không nhiều.

Đói phải bò

 Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, tham nhũng tại Việt Nam có đặc điểm riêng
“Ai cũng kêu lương thấp nhưng rất nhiều người vẫn sống sung túc, vì sao vậy” - GS Hoàng Tuỵ mở đầu buổi thuyết trình các nghiên cứu của mình bằng một câu hỏi. Tiền lương thấp không đủ sống thì người ta phải xoay xở mọi cách để kiếm sống. “Ví dụ, lương của một giáo sư hiện nay chỉ khoảng 4 triệu đồng thì làm sao mà chuyên tâm nghiên cứu khoa học được. Lương thấp như vậy thì người ta phải tìm cách khác. Chẳng lẽ nhà khoa học mà lại phải ngồi chịu đói” - GS Hoàng Tuỵ nhận định.

Để “nhận diện” cơ chế sinh ra tham nhũng từ những bất cập cơ chế tiền lương, GS Hoàng Tuỵ lấy ví dụ trong ngành giáo dục. Dù là “một ngành tương đối ít tai tiếng tham nhũng” nhưng kết quả khảo sát của GS Hoàng Tuỵ cũng cho thấy tham nhũng hiển hiện ở nhiều nơi. “Khi tôi tìm hiểu chế độ lương, phụ cấp các loại trong ngành giáo dục thì nhận được một tập dày cộp không biết bao nhiêu thông tư, chỉ thị, chỉ đọc cho hết cũng phải vài ngày. Mà thực tế rất đơn giản, đồng lương cơ bản quá thấp thì phải bịa ra nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao, nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Làm ngơ cho họ dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô, luyện thi tràn lan. Chưa kể nhiều hoạt động có bồi dưỡng, có phong bì: hội họp, kỷ niệm, viết báo cáo, tham luận, tham gia các dự án do quốc tế tài trợ hoặc cho vay tiền.v.v.. Rốt cục, hầu hết những người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập tương đối” - GS Hoàng Tuỵ khẳng định.

Để chứng minh những bất cập trong tiền lương hiện nay dẫn đến tình trạng “lậu” nhiều hơn “lương”, GS Hoàng Tuỵ lấy ví dụ trong ngành khoa học. Cụ thể, trong nghiên cứu khoa học đã đẻ cơ chế cấp phát kinh phí cho nghiên cứu “không giống ai”. Ở các nước, tiền lương của nhà khoa học đảm bảo cho họ không phải lo chuyện mưu sinh, còn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được phép dùng để trang trải các chi phí về phương tiện nghiên cứu, chứ không được trích ra để bổ sung thu nhập cá nhân. Ở ta thì trái lại, do tiền lương quá thấp, cho nên một tỷ lệ đáng kể (thường trên 50%) kinh phí cấp cho một đề tài được phép dùng để “trả công” cho các nhà khoa học tham gia đề tài. Có nghĩa là anh “chạy” được một đề tài với kinh phí lớn thì thu nhập của anh có thể cao gấp nhiều lần tiền lương.

Phương pháp sai

Theo GS Hoàng Tuỵ, tham nhũng có rất nhiều biểu hiện, hình thức khác nhau và khổ nỗi hầu hết đều thấy có ở Việt Nam. Bất cập của chế độ tiền lương là nguyên nhân chính nhưng sự thiếu minh bạch đã hỗ trợ “che chở” thêm cho tham nhũng phát triển. Trong khi lương là thứ dễ quản lý thì bắt người ta phải trả qua ngân hàng, nhưng nhiều khoản “lậu” khác thì lại chi trả bằng tiền mặt. Tại một số nước thì tham nhũng chỉ hạn chế ở một số nhân vật cấp cao của chính quyền nên người dân thường ít bị nhũng nhiễu. Còn ở ta, hình như nếu muốn thì ai cũng có thể nhũng nhiễu được cả. Từ anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ đến những cán bộ, nhân viên làm việc ở xã, phường vòi tiền “bồi dưỡng” của người dân để làm một số việc trong trách nhiệm thường ngày của họ. Điều nguy hiểm còn ở chỗ cấp dưới nếu có sai phạm ít nhiều để sống thì cấp trên phải thông cảm, phải làm ngơ. Còn cấp trên lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở. Và vì có quyền lực trong tay nên “cấp trên” tham nhũng lớn hơn. Trong bối cảnh như vậy, cấp dưới dù có biết những hành vi tham nhũng của cấp trên cũng phải im lặng, không dám đấu tranh, vì bản thân mình cũng “nhúng chàm”. Chính vì thế mới sinh ra nạn chạy chức chạy quyền nhiều như hiện nay.

GS Hoàng Tuỵ cho rằng cụm từ “tham nhũng” bắt đầu xuất hiện từ sau những năm bảy mươi của thế kỷ trước ở miền Bắc. Trước đó, người ta dùng từ “tiêu cực” để chỉ những biểu hiện trục lợi cá nhân không chính đáng. Mặc dù chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức để chống tham nhũng nhưng kết quả so với công sức bỏ ra và thực tế yêu cầu thì chưa được bao nhiêu. Hiện nay tham nhũng đã trở thành một mối đe doạ, lực cản cho sự phát triển của đất nước. Sở dĩ như vậy là ta đang thực hiện những biện pháp chưa phù hợp. Phần lớn các biện pháp mà ta đang thực hiện là kiểu truyền thống. Trong khi các nước tiên tiến sử dụng những biện mới và hạn chế được rất nhiều các hành vi tham nhũng. Đó là phải minh bạch hoá và công bằng. “Đáng lẽ từng đồng xu từ ngân sách đều phải thông qua tài khoản, ngân hàng, đều để lại dấu vết thì sẽ ngăn chặn được rất nhiều” - GS Hoàng Tuỵ khẳng định.

Đoàn Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm