Felix Baumgartner: Tan giấc mơ bay nhanh hơn âm thanh

28/12/2010 15:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Felix Baumgartner, một vận động viên thể thao mạo hiểm người Áo, đã gây chú ý khi công bố kế hoạch trở thành người dầu tiên trên Trái đất phá vỡ bức tường âm thanh trong một lần rơi tự do. Tuy nhiên nỗ lực ghi kỷ lục của Baumgartner đã gặp trở ngại do các rắc rối liên quan tới pháp luật.

Felix Baumgartner có kế hoạch nhảy từ độ cao 37km xuống sa mạc New Mexico, Mỹ, qua đó phá kỷ lục đã được thiết lập về cú nhảy tự do có độ cao lớn nhất. Kỷ lục trước đây do Joe Kittinger, một đại tá Không lực Mỹ, lập ra. Ông đã nhảy xuống từ độ cao  31,3km vào ngày 16/8/1960 và kỷ lục này đã đứng vững suốt 50 năm qua.

Bị kiện vì bản quyền ý tưởng

Theo kế hoạch ban đầu Baumgartner sẽ được đưa bằng khí cầu tới tầng bình lưu của Trái đất. Khi đạt tới độ cao 36.000m sau khoảng 3 giờ bay, bộ phận kiểm soát dưới mặt đất sẽ phát tín hiệu để anh biết và mở cửa khoang chứa nhảy ra ngoài. Baumgartner sẽ được mặc bộ quần áo giảm áp đặc biệt và sẽ mang theo camera ghi hình quá trình nhảy xuống.

Vận động viên mạo hiểm Felix Baumgartner

Baumgartner sẽ nhanh chóng đạt tốc độ siêu âm sau 35 giây, qua đó trở thành người đầu tiên trên Trái đất dùng cơ thể làm bằng xương bằng thịt phá vỡ “bức tường âm thanh”. Anh sẽ rơi tự do trong khoảng 6 phút và bật dù khi ở độ cao 1.500 m trước khi đáp trở lại mặt đất. Toàn quá trình rơi tự do và hạ cánh kéo dài khoảng 10 phút.

Kế hoạch ghi kỷ lục “hoành tráng” này của Baumgartner nhận được tài trợ từ hãng đồ uống Red Bull. Tuy nhiên  sự cố đã xảy ra khi một nhân vật tên Daniel Hogan xuất hiện và tuyên bố toàn bộ chuyện lập kỷ lục này là ý tưởng của anh ta. Hogan nói rằng anh ta đã mang kế hoạch chi tiết thực hiện cái gọi là “Cú nhảy vũ trụ” hồi năm 2004 tới cho Red Bull nhưng công ty đã từ chối tài trợ.

Vài năm sau, Red Bull lại đổi ý định nhưng họ lựa chọn Baumgartner thay vì Hogan. Vậy là anh chàng đâm đơn kiện Red Bull. Theo Hogan, màn trình diễn độc đáo có thể mang lại số tiền trị giá hàng trăm triệu đô la cho nhà tài trợ. Kết quả từ lá đơn kiện là Red Bull phải trì hoãn vô thời hạn kế hoạch biểu diễn của Baumgartner.

Red Bull thông báo Hogan đã đâm đơn kiện bản quyền trí tuệ lên một tòa án California hồi đầu năm nay. Công ty nói rằng họ “đã có các hành động phù hợp khi thương thảo với Hogan trong hợp đồng trước đây và sẽ thể hiện thái độ này trong quá trình theo kiện”. Tuy nhiên do lá đơn kiện nên công ty phải ngừng kế hoạch lập kỷ lục cho tới khi vụ việc được giải quyết.

Con người của các kỷ lục

Trong quá khứ, nhiều người có ý định thực hiện các cú nhảy từ độ cao lớn đã thiệt mạng. Nhưng Baumgartner bác bỏ thông tin nói rằng anh đang đùa giỡn với tử thần. “Tôi không có ý định đi tìm cái chết. Tôi thậm chí không nói rằng mình là kẻ tìm cảm giác mạnh. Tôi chỉ là người thích các thách thức” - anh nói.

Baumgartner (trái) và người giữ kỷ lục nhảy xuống
từ độ cao cực lớn trước đó, Joe Kittinger

Cá nhân Baumgartner không phải là người lạ lẫm với những chuyện mạo hiểm. Anh sinh ngày 20/4/1969 ở Salzburg, Áo, và đã có thời gian dài hoạt động trong lực lượng lính dù, nhiều lần tập nhảy xuống các điểm đổ bộ nhỏ hẹp. Năm 1999, anh ghi kỷ lục thế giới vì nhảy xuống từ nóc tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia và có thời gian ngắn để lượn trên không trước khi bung dù.

Ngày 31/7/2003, Baumgartner trở thành người đầu tiên thực hiện cú nhảy skydive (nhảy ra khỏi máy bay và lướt trên không) ngang qua eo biển Manche. Anh cũng đã nhảy ra khỏi một chiếc máy bay ở Dove và sử dụng một bộ cánh carbon dài 2m để lướt qua nước Pháp.

Baumgartner đã lập kỷ lục thế giới về thực hiện một cú nhảy BASE (nhảy từ vật thể cố định) ở độ cao thấp nhất (khoảng 30m), khi rời khỏi bàn tay Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil. Anh cũng là người đầu tiên thực hiện cú nhảy BASE từ cầu cạn Millau ở Pháp vào ngày 27/6/2004. Tháng 12/2007, anh trở thành người đầu tiên nhảy dù xuống từ đài quan sát ở tầng 91 của tòa nhà cao nhất thế giới khi ấy, tháp Taipei 101, nằm ở Đài Bắc, Đài Loan.

Ý định phục vụ mục đích khoa học bất thành

Được biết việc thực hiện những cú nhảy mạo hiểm như của Baumgartner, ngoài việc ghi kỷ lục còn chứa đựng nhiều ý nghĩ nghiên cứu khoa học. Cần biết rằng khi Joe Kittinger nhảy xuống cách đây 50 năm, ông đã cung cấp các dữ liệu quan trọng khiến người ta chế tạo được bộ quần áo phi hành gia phù hợp, giúp Neil Amstrong đặt chân lên Mặt trăng thành công sau đó nhiều năm.

Vì lẽ đó, kế hoạch lập kỷ lục của Baumgartner đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Họ muốn thu thập dữ liệu về phản ứng của cơ thể Baumgartner, muốn biết những gì sẽ xảy ra khi cơ thể anh di chuyển từ tốc độ dưới âm cho đến khi đạt tốc độ siêu âm và quay trở lại tốc độ dưới âm. Người ta đã lên kế hoạch gắn thiết bị đo điện tâm đồ, gia tốc, áp suất và tốc độ vào cơ thể vận động viên này trước khi anh thực hiện cú nhảy. Tuy nhiên lá đơn kiện đã khiến những dự định này không thể thực hiện.

Dù rất thất vọng nhưng Baumgartner vẫn bày tỏ mong muốn sẽ sớm được ghi kỷ lục. “Nếu công lý có tồn tại, chúng tôi sẽ thực hiện được nhiệm vụ nhảy xuống từ tầng bình lưu và ghi kỷ lục một cách an toàn” - Baumgartner nói.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm