Đường hạnh phúc mùa này đẹp lắm!

21/02/2015 07:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cữ đầu Đông, dân tình lũ lượt rủ nhau đi chụp hình hoa tam giác mạch. Trên facebook, bạn thấy ngập tràn những thảm hoa trăng trắng hoặc tim tím trải ra ngút tầm mắt, làm dịu đi màu xám lạnh như sắt nguội của những khối đá tai mèo lô nhô. Bloger “Nguu Ma Vuong” từng thốt lên một câu để đời: Ở đây, nhà nào cũng có vài hòn non bộ khổng lồ trước cửa!

Bạn lại thấy, những nương cải Mèo vàng rực, tận dụng mọi khe đá để mọc lên. Và xa xa trong mỗi bức ảnh đều thấy có một cây cổ thụ, độc tán, nổi bật lên giữa cánh đồng đá. Trông rất giống một cảnh canaval ở châu Phi.

Bạn tự hỏi, nơi ấy là nơi nào nhỉ?


Dốc chữ em-mờ-ngược (W) trên con đường hạnh phúc. Ảnh D.D.H

Lời kể của những kẻ “giang hồ vặt” có thể làm cho bạn chùn lại. Nơi ấy là cao nguyên đá hiểm trở nhất Việt Nam – cao nguyên đá Đồng Văn – dù đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu – nhưng đường lên đó chẳng giống đường vào… công viên tẹo nào. Núi cao vút, vực sâu hun hút, đường đi chênh vênh trên mép vực, ngồi trên xe tò mò hé mắt ngó xuống dòng sông Nho Quế bên dưới, qua mép ta-luy âm, chỉ thấy một sợi chỉ xanh ngoằn ngoèo, lại nghe chuyện những chiếc ô tô khách lăn xuống, đến khi tìm thấy chỉ còn tròn vo như cục sắt.

Nơi ấy, như cái chỏm đầu và hai cái tai của đất nước, thiếu áo ấm, thiếu những vành khăn trùm, rất dễ bị nhiễm lạnh bởi những trận gió mùa Đông Bắc (gió mùa Đông Bắc tràn qua đây sớm nhất, sau 1-2 ngày mới tới Hà Nội nên tôi đồ rằng trong mùa Đông miền Bắc luôn trộn lẫn khí lạnh của cao nguyên đá mà chẳng mấy ai nhận ra). Thỉnh thoảng, nơi đây có tuyết rơi…

2. Bạn tự hỏi rằng, đến nơi đó có an toàn?

Câu hỏi này tôi sẽ trả lời sau. Hãy theo một họa sĩ quê gốc Ninh Hiệp, Hà Nội nhưng đã tự buộc tâm hồn mình vào cao nguyên đá suốt bao nhiêu năm nay, và gần đây nhất, đã mang hơn 20 bức tranh vẽ cao nguyên đá của mình về quê đá triển lãm. Đó là họa sĩ Đỗ Đức.


Dân phượt lũ lượt đi chụp hoa tam giác mạch. Ảnh Sơn Hà

Chúng tôi đi cùng ông, vừa qua Km0 tại trung tâm thành phố Hà Giang, chúng tôi đã gặp ngay một sườn núi đá, và từ trong lòng núi, nước phun ra xối xả như những cái giếng phun tự nhiên. Cao nguyên đá là đây, sau một trận mưa, nước chảy tràn trên các mặt bằng, tạo thành các dòng suối tức thời. Cảm giác đầu tiên: cao nguyên đá khắc nghiệt, nhưng vô cùng hào phóng, vô cùng dư dả. Chỉ có đá và đá, chắt chiu được bao nhiêu hạt đất thì cỏ cây hoa lá, ngô, cải chen nhau bám rễ vào, nên đường đi không một hạt bụi. Dòng sông Miện xanh ngắt ẩn hiện hai bên đường, lúc thì hẹp lại như dòng suối trong các khu resort, lúc thì mở ra mênh mông giữa thung lũng toàn đá. Nước ở đây trong vắt như một thứ tinh thần thuần khiết được chiết xuất ra từ thực thể đá…Vào buổi sáng sớm, hay buổi chiều, đứng trên đỉnh núi, đỉnh đèo, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng mờ xanh, bạn có thể bắt gặp một cột khói xam xám ngoằn ngoèo bốc lên cao tới mức hòa lẫn vào mây, như một cái vòi rồng. Một cảm giác thương nhớ ngập tràn lòng bạn, cái cảm giác của Nguyễn Tuân “cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Dòng sông xanh ngắt như một thứ tinh thần thuần khiết chắt ra từ núi đá. Ảnh Sơn Hà.

Mùa hoa cải rất dài, mùa hoa tam giác mạch rất ngắn, còn mùa hoa đào thì lại muộn (muộn hơn đào Nhật Tân đến cả tháng), lây rây ra đến hết tháng Giêng. Nên du Xuân cao nguyên đá mùa này bạn sẽ liên tục phải “phanh gấp” trước những cây hoa đào đỏ rực bất ngờ lộ ra sau những khúc cua hoặc trên những triền cao nguyên đá chon von, bên bờ những nương cải Mèo vàng óng… Nó luôn tạo ra cảm giác ngỡ ngàng bất chợt, hệt như cảm giác giữa không gian vắng vẻ mênh mông toàn đá xám, bất ngờ gặp màu áo, màu khăn, màu váy sặc sỡ hay màu phớt hồng trên má của những cô thiếu nữ người Mông, người Tày, người Giáy…

Hoa đào ở đây mọc tự nhiên, nở tự nhiên, và thật bất ngờ khi biết rằng, nơi đây còn có một quy định đã thành “luật tục” bao năm, ấy là bất kể ai, kể cả chủ nhân của những ngôi nhà, nương rẫy cũng không được chặt, phá, vận chuyển những cây hoa đào của chính mình. Hoa đào mặc nhiên là một tài sản vật thể và phi vật thể của cao nguyên đá.

3. Mải vui, chúng tôi đã đi qua Núi Đôi Quản Bạ, qua Cán Tỷ, Bắc Sum, thăm Phó Cáo, thăm Nhà Vương, lên cột cờ Lũng Cú, lên phố cổ Đồng Văn…. Thậm chí cả đến khi chinh phục Mã Pì Lèng, qua Mèo Vạc, rồi lại từ Mèo Vạc vòng lại Yên Minh…, tôi mới nhận ra rằng, mình đã quên cảm giác sợ hãi từ lúc nào. Đúng là “đường đi khó”, nhưng “thiên đường” luôn mở ra sau mỗi khúc quanh, thôi thúc mình khám phá, bắt mình dừng lại và quên đi thời gian, quên đi là xe chỉ có thể chạy với tốc độ rùa bò (20km/h).

Cao nguyên đá là nơi người ta dù đi chậm, hay đi nhanh, cuối cùng đều gặp nhau: gặp nhau khi cùng dừng lại chụp ảnh ở một chỗ “không thể không dừng” giữa đường, gặp nhau khi Phố cổ Đồng Văn nhỏ xíu, đến nỗi ai cũng phải dạo qua chợ cổ và gặp nhau ở đó. Nhưng tôi quên đi cảm giác sợ hãi, còn vì một lẽ khác…. Phải, trên thế gian vốn làm gì có đường, chẳng qua người ta đi mãi mà thành. Cao nguyên đá Đồng Văn vốn không có đường, nhưng 60 năm trước, hàng vạn thanh niên, đoàn viên các dân tộc anh em trên cao nguyên đá đã làm một kỳ tích hơn cả người Ai Cập xây Kim Tự Tháp, đó là đục, đẽo từng cm3 đá bằng những phương tiện thô sơ nhất để làm nên 200km “Con đường hạnh phúc” vòng quanh cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay.

Với bàn chân đất, với cái choòng, cái cuốc chim, họ đã chinh phục được Cao nguyên đá, thì cớ gì, ngày nay, trên con đường họ đã mở ra, chúng ta lại ngại ngần không dám thả dốc chữ em-mờ-ngược (W). Tôi cứ nghĩ rằng, kỳ tích đục đá làm nên con đường 200km trên đá cùng khát vọng mang lại ấm no hạnh phúc cho đồng bào nơi đây - đúng như tên gọi Con đường Hạnh Phúc, cái tên mà Bác Hồ đã đặt - xứng đáng là một kỳ quan của thế giới. Con đường Hạnh Phúc - con đường máu và hoa đang chờ bạn mùa Xuân này.

50 năm “Con đường Hạnh Phúc”

Được Đảng và Nhà nước ta quyết định mở tuyến đường nối tỉnh lỵ Hà Giang với các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc từ năm 1959 và lấy tên là đường Hạnh Phúc dài gần 200km; chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, qua đỉnh Mã Pì Lèng. Tuyến đường Hạnh Phúc đi qua đèo Mã Pì Lèng cũng là đoạn đường nhiều khúc cua và khó đi nhất. Việc phá đá mở đường qua đoạn này cũng mất nhiều công sức, xương máu hơn cả, riêng đoạn Đồng Văn - Mèo Vạc dài 24km đường núi đá đã phải mất gần 2 năm (9/1963 – 3/ 1965) mới hoàn thành, trong đó để qua được “Vạn Lý trường thành bằng đá” này hơn 1000 thanh niên xung phong của bà con 16 dân tộc anh em thuộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà, Nam Định, Hải Dương phải treo mình 11 tháng trên vách đá để đục lỗ nổ mìn mở đường. Đây có thể coi là kỳ tích về tinh thần và sức mạnh khuất phục thiên nhiên của con người Việt Nam.

Nhân 50 năm khánh thành con đường (3/1965 – 3/2015), tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, trong đó có việc xây dựng Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong tại Mã Pì Lèng.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm