Đừng dạy trẻ tiết kiệm, hãy dạy trẻ cách tiêu tiền và đầu tư

11/04/2017 19:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đây chính là quan điểm của một tỷ phú nổi tiếng thế giới - Henry Ford.

Henry Ford là người sáng lập công ty Ford Motor nổi tiếng thế giới cho rằng: “tiết kiệm” chính là sự lo sợ. Và nếu lúc nào cũng lo lắng đến rủi ro thì sẽ không còn thời gian và đầu óc để nghĩ đến các cơ hội kinh doanh nữa. Chính vì thế, nếu phải lựa chọn, hãy dạy trẻ đầu tư và tiêu tiền chứ không phải là tiết kiệm.

Lẽ dĩ nhiên, tiết kiệm luôn tốt hơn là hoang phí. Thế nhưng, đừng để thói quen tiết kiệm đeo bám cả cuộc đời. Nhiều người tiết kiệm cho đến lúc chết. Và cũng vì thói quen tiết kiệm mà họ tiết kiệm luôn cả quà tặng và lời khen cho những người xung quanh. Và chính thói quen tiết kiệm đó khiến họ bị mất đi nhiều cơ hội phát triển bản thân. Và như thế, đó không phải là tiết kiệm nữa, mà là lãng phí, mà lại là lãng phí cái quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người: lãng phí “nhựa sống”.


Với Ford thì có hai loại lãng phí. Một là tiêu xài hoang phí tiền của. Hai là chậm chạp và để cho tiền của mình đứng im một chỗ không sinh lời. Như vậy, những người tiết kiệm quá sẽ có nguy cơ bị xếp chung với những người chậm chạp.

Theo quan điểm của ông, thực chất, việc tiết kiệm chỉ cải thiện tình hình được đôi chút chứ hoàn toàn không thể giúp ta thoát khỏi tình thế khó khăn được. Tiết kiệm là thói quen của những người chỉ mới sống có một nửa với tiềm năng của mình mà thôi.

Henry Ford cho rằng: chúng ta hay có thói quen dạy trẻ con tiết kiệm tiền nhằm ngăn không cho trẻ tiêu sài hoang phí và vị kỷ. Điều này cũng tốt, nhưng không tích cực lắm vì nó không giúp trẻ tự thể hiện mình và tự tính toán chi tiêu. Do đó, dạy trẻ cách đầu tư và tiêu tiền sẽ tốt hơn là dạy chúng tiết kiệm tiền vì như thế chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều hơn.


Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ tuổi. Bởi vì, thay vì để tiền tiết kiệm, chúng ta đầu tư cho bản thân thì sẽ có thêm khả năng sáng tạo, tư duy rộng mở, từ đó cơ hội kiếm thêm thu nhập sẽ nhiều hơn. Lúc này, nếu muốn tiết kiệm, chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều hơn.

Khi chúng ta không muốn phấn đấu để làm việc hiệu quả hơn thì điều này đồng nghĩa với việc ta không tiết kiệm. Khi đó, nó cũng có nghĩa là chúng ta đang lấy đi nguồn vốn cơ bản của chính mình. Và tự chúng ta đang làm giảm đi giá trị vốn có mà tạo hóa đã ban cho.

Nguyên tắc “sống là phải tiêu dùng” chính là một lời hướng dẫn thực tế trong cuộc sống. Và khoản chi tiêu khôn ngoan nhất, theo tất cả các doanh nhân trên thế giới, là đầu tư vào chính bản thân mình. Điều này luôn mang lại giá trị cuối cùng.

Xuân Phùng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm