Dịch COVID-19 ngày 26/8: Thế giới có hơn 24,1 triệu ca bệnh và hơn 824.000 người đã tử vong

26/08/2020 22:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 24,1 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó hơn 824.000 người đã tử vong. Hơn 16,65 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi, còn hơn 6,63 triệu ca đang được điều trị với khoảng 61.700 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Trường hợp mắc COVID-19 tử vong thứ 29 là bệnh nhân 827

Trường hợp mắc COVID-19 tử vong thứ 29 là bệnh nhân 827

Chiều ngày 26/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19. Đây là ca mắc COVID-19 tử vong thứ 29 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 15 ca mới đều là các ca “nhập khẩu", đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp nước này không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 25/8, Trung Quốc đại lục công bố tổng cộng 84.996 ca, trong đó có 347 người vẫn đang được điều trị, 80.015 người đã khỏi bệnh và 4.634 ca tử vong.

Hàn Quốc ghi nhận thêm 320 ca mới, nâng tổng số lên 18.265 ca. Số ca mới trong ngày tăng ở mức tăng ba con số đã 13 ngày liên tiếp kể từ ngày 14/8, thời điểm bùng phát lây nhiễm diện rộng ở Seoul và khu vực lân cận. Tổng số ca mới phát sinh từ ngày 14/8 là 3.495 ca. Xét theo nguồn lây nhiễm, số ca liên quan tới nhà thờ Sarang Jeil ở thủ đô Seoul đã tăng lên thành 915 ca. Vụ lây nhiễm tập thể ở nhà thờ này đã lây lan ra 22 địa điểm khác như cơ sở y tế, nhà trẻ.

Hiện số ca tử vong vì dịch bệnh tại Hàn Quốc là 312 ca. Quốc hội Hàn Quốc sẽ đóng cửa trong ngày 27/8 sau khi một phóng viên ảnh đến đưa tin về một phiên họp của đảng Dân chủ cầm quyền trong sáng 26/8 đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Chủ tịch Quốc hội Lee Hae-chan đã tự cách ly.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo đã xác nhận 236 ca mới, tăng sau khi đã giảm xuống hai con số hồi đầu tuần. Hiện thành phố này ghi nhận tổng cộng 19.846 ca. Trước đó, Tokyo đã ghi nhận số ca mới ở mức 3 con số trong hầu hết các ngày của tháng 8, ngoài trừ ngày 24/8. Tuy nhiên, số ca mới đang có chiều hướng giảm bớt kể từ giữa tháng 8. Chính quyền thành phố hiện vẫn giữ nguyên cảnh báo ở mức cao nhất trong 4 bậc.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia tiếp tục tăng
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia tiếp tục tăng

Cùng ngày, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 60.000 ca mới. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức này. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 3,2 triệu ca. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này đứng thứ 3 về số ca nhiễm, sau Mỹ và Brazil. Trong 24 giờ qua, đã có 1.059 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong của Ấn Độ lên 59.449 ca.

Tại Đông Nam Á, truyền thông Indonesia đưa tin tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng trong tháng 8. Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus hiện là 14%, tăng 0,7% so với hồi tháng 7. Phát biểu họp báo, ông Wiku cho hay tỷ lệ nói trên vượt xa mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5% để bước vào giai đoạn "mức bình thường mới".  Ngày 26/8, Indonesia ghi nhận thêm 2.306 ca mới, nâng tổng số lên 160.165 ca, trong đó 6.944 ca tử vong.  

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất mở cửa đối với khách du lịch quốc tế đến từ những quốc gia có số lượng người mắc bệnh COVID-19 thấp. Thủ tướng Thái Lan đưa ra tuyên bố trên để đáp lại lời kêu gọi từ các khu vực nhà nước và tư nhân. Ông Prayut Chan-o-cha cho biết ông đồng ý rằng Thái Lan nên mở cửa một cách có giới hạn cho du khách nước ngoài để cải thiện tình hình kinh tế đồng thời khẳng định chính phủ  sẽ nỗ lực hết sức để giảm bớt những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Thái Lan đã trải qua 3 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã sụt giảm do du lịch và xuất khẩu, hai nguồn thu chính, chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Bộ Y tế Campuchia thông báo không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 và vừa có thêm một trường hợp khỏi bệnh. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp Campuchia không ghi nhận ca mắc mới. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia mới đây đã “bật đèn xanh” cho các trường mẫu giáo và trường tiểu học ở nước này được mở cửa trở lại trong tháng 9 tới, sau hơn 3 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo chính phủ nước này tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới để đối phó với việc gia tăng số bệnh nhân COVID-19 "nhập khẩu". 

Chú thích ảnh
Nhân viên hàng không đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 5.277 ca nhiễm virus, mức cao nhất trong vòng 12 ngày qua, và có 99 ca tử vong. Theo bộ trên, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 202.361 ca, trong đó hơn 60% số ca được ghi nhận trong tháng trước. Tổng số ca tử vong đã lên tới 3.137 ca. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. Cùng ngày, Myanmar ghi nhận 70 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng cao nhất ở nước này, trong bối cảnh một đợt bùng phát mới sau nhiều tuần không có ca lây truyền trong nước.

Tại Iran, tổng số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 21.020 người sau khi Bộ Y tế nước này ngày 26/8 ghi nhận thêm 119 ca tử vong mới. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran, trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 2.243 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 365.606 ca.

Tại châu Âu, chính phủ Anh đã ban hành hướng dẫn mới về việc đeo khẩu trang tại các trường học theo đó khuyến cáo học sinh và nhân viên tại các trường trung học cơ sở đeo khẩu trang tại các không gian chung. Cho tới nay, Anh đã ghi nhận khoảng 41.500 người tử vong vì COVID-19, mức cao nhất tại châu Âu. 

Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, chuyên gia cố vấn của Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19, cảnh báo một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19 sẽ xuất hiện ở nước này vào tháng 11 tới. Đến nay, số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp đã ở mức cao thứ 7 thế giới, với 30.544 ca. Ngày 25/8, nước này ghi nhận 3.304 ca nhiễm mới, trong đó số ca là thanh niên tăng mạnh. Chính phủ nước này đang giám sát chặt các số liệu để cân nhắc việc áp dụng phong tỏa hay các biện pháp hạn chế phòng dịch khi cần.  

Bộ Ngoại giao Đức đã quyết định gia hạn cảnh báo đi lại đối với các nước ngoài châu Âu đến ngày 14/9, do lo ngại dịch bệnh. Cảnh báo nói trên lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 8. Đức cũng đã điều chỉnh chiến lược xét nghiệm với người trở về từ các vùng có nguy cơ cao, theo đó bãi bỏ yêu cầu  thực hiện xét nghiệm sàng lọc, và thay bằng quy định người trở về phải tự cách ly. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định cách ly.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm mẫu dịch để phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 tại Lund, Thụy Điển, ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Y tế cộng đồng (PCA) của Thụy Điển ngày 25/8 cho biết có khoàng 3.700 ca dương tính ở nước này là kết quả sai do bộ xét nghiệm bị lỗi, và 2 phòng thí nghiệm đã phát hiện lỗi này trong các cuộc kiểm tra chất lượng thường lệ. PCA cho biết bộ xét nghiệm lỗi đã được báo cáo với Cơ quan kiểm định dược phẩm của Thụy Điển và thông báo với nhà chức trách liên quan tại châu Âu và WHO. Ngày 25/8, Thụy Điển thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng 86.891 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.814 ca  tử vong.

Tại châu Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày đã có chiều hướng giảm bớt, với 43.000 ca/ngày, diễn biến mà giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng là hiệu quả của việc đeo khẩu trang thường xuyên hơn, nhưng cũng có thể do xét nghiệm chưa nhiều. Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết số ca nhiễm mới trong ngày ở Mỹ hiện là gần 43.000 ca, giảm 21% so với thời điểm đầu tháng 8. Trong khi Ấn Độ và Brazil vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất thế giới, xu hướng giảm bớt ở Mỹ được xem là đáng khích lệ. 

Tại châu Phi, WHO cho biết châu lục này có thể đã vượt qua đỉnh của đại dịch nhưng cũng cảnh báo sự nới lỏng, lơ là trong phòng chống dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho sự bùng phát làn sóng dịch thứ 2. Hiện châu Phi là châu lục ít bị ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, sau châu Đại Dương, với gần 1,2 triệu ca nhiễm và gần 28.000 ca tử vong. Trong đó, quốc gia Nam Phi chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm của toàn châu lục và đứng thứ 5 trên toàn cầu. Ai Cập, Nigeria và Maroc có số ca nhiễm trong khoảng từ 50.000 đến 100.000 ca.

Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm