Dịch COVID-19 ngày 19/3: 8.749 người chết trên thế giới, EU thừa nhận đánh giá sai mức độ nguy hiểm của dịch bệnh

19/03/2020 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận hơn 215.947 người mắc bệnh COVID-19, số ca tử vong đã lên tới 8.749 người.

Thế giới đảo lộn trong cú sốc COVID-19

Thế giới đảo lộn trong cú sốc COVID-19

Cuối năm 2019, giới chuyên gia đã dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020: sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt… thế nhưng, một cú sốc không thể lường trước - sự lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả.

WHO gọi COVID-19 là "kẻ thù của nhân loại"

"Virus corona đang đặt ra cho chúng ta thách thức chưa từng có tiền lệ", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 18/3.

Ông Tedros nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các nước trên thế giới trong việc "phối hợp cùng nhau thành một mặt trận để đối phó một kẻ thù chung: kẻ thù chống lại loài người".

Tuyên bố của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 214.000 người, trong khi số ca tử vong cũng lên tới hơn 8.700 người tính đến ngày 18/3. Dịch cho đến nay đã lan rộng ra hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Ngày càng nhiều người chết vì COVID-19 tại châu Âu hơn châu Á kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

EU thừa nhận đánh giá sai về mức độ nguy hiểm của COVID-19

Ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia thành viên sẽ tự quyết những lệnh giới nghiêm và các nước EU sẽ phối hợp rất chặt chẽ với nhau để chống dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp.

Gần 500 người chết, hơn 4.000 người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở Italia

AFP dẫn số liệu từ Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia cho biết, trong ngày 18/3, nước này ghi nhận 475 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp tại đây lên 2.978 người. Đây là ngày Italia có nhiều người tử vong vì COVID-19 nhất kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 2. Như vậy, hiện tại, Italia chiếm tới 34,2% số ca tử vong toàn cầu vì COVID-19, và đang trên đà vượt số người tử vong ở Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Brescia Poliambulanza ở vùng Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong vòng 24 giờ qua, Italia ghi nhận thêm 4.207 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 35.713. Trong đó, 4.025 người đã được chữa khỏi các triệu chứng, hiện vẫn còn hơn 2.200 người phải điều trị tích cực.

Trong bối cảnh số ca tử vong và mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh bất chấp lệnh phong tỏa và hàng loạt biện pháp ứng phó của chính phủ Italia, giới chức nước này kêu gọi người dân bình tĩnh và tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Tây Ban Nha có gần 600 người chết vì COVID-19

Số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng mạnh trong ngày 18/3, biến nước này trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.

Số ca mắc COVID-19 tại nước này hôm 18/3 đã tăng lên tới 13.716 trường hợp, trong khi số ca tử vong cũng tăng lên tới 558 người. Trước đó, con số thống kê được ghi nhận hôm 17/3 tại Tây Ban Nha là 11.178 ca nhiễm và 491 ca tử vong vì COVID-19.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nền kinh tế nước này sẽ bị đình trệ do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Pháp ghi nhận gần 90 ca tử vong mới trong 24 giờ

Trong 24 giờ qua nước Pháp đã ghi nhận thêm 89 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 1.404 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 264 người và số ca mắc lên 9.134 người. Ngoài ra, trong số 3.626 bệnh nhân phải nhập viện có 921 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.

Dịch bệnh lây lan nhanh đã buộc Hội đồng Bộ trưởng Pháp chiều 18/3 phải xem xét khả năng công bố "tình trạng y tế khẩn cấp," qua đó cho phép Thủ tướng ban hành các biện pháp mạnh như giới hạn tự do đi lại, cấm hội họp, hay trưng dụng bất kỳ tài sản và dịch vụ cần thiết nào để ngăn chặn thảm họa y tế.

Thủ tướng Đức: COVID-19 là thách thức lớn nhất

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tại Đức, trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhấn mạnh tình hình là rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh rằng cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức. Bà nêu rõ cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn."

Tính đến 19 giờ ngày 18/3 (giờ địa phương) trên toàn nước Đức đã ghi nhận 12.327 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 28 ca tử vong do virus này.

Nga ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Liên bang Nga cho biết trong ngày 18/3 nước này đã ghi nhận thêm 33 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa số bệnh nhân mắc bệnh này lên mức 147 người. 33 trường hợp mới là số lượng kỷ lục các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga trong một ngày. Kỷ lục trước đó vào ngày 16/3, khi có 30 trường hợp lây nhiễm mới được ghi nhận.

Trong 33 trường hợp mới, 31 trường hợp được ghi nhận ở thủ đô Moskva và 1 trường hợp ở mỗi tỉnh Tomsk và Novosibirsk. Tất cả các trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 đều từ nước ngoài trở về, hầu hết các bệnh nhân trở về từ các nước châu Âu.

Bộ Y tế Nga cho biết tại nước này tính đến thời điểm hiện nay có tổng cộng 17.904 người đang được giám sát y tế. Sau khi điều trị, 5 người được xuất viện về nhà và cho đến nay, tổng cộng Nga đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 122.854 người.

Thủ tướng Anh quyết định đóng cửa trường học toàn quốc

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 18/3 tuyên bố tất cả các trường học trên cả nước, từ phổ thông đến đại học, sẽ đóng cửa từ ngày 20/3 do dịch COVID-19 diễn biến ngày càng xấu.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Anh có 104 người tử vong vì COVID-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 2.626 người. Chính phủ Anh cho biết sẽ nâng gấp đôi số người được kiểm tra, xét nghiệm tại vùng England, nơi dịch diễn biến nghiêm trọng, với 25.000 ca/ngày.

2 người Mỹ gốc Việt đầu tiên chết vì COVID-19, Mỹ dừng cấp thị thực trên toàn thế giới vì Covid-19

Theo số liệu của CNN, hiện Mỹ đã ghi nhận hơn 7.900 ca mắc COVID-19, trong đó có 118 ca tử vong. Dịch đã lan ra tất cả các bang của Mỹ, trong đó 2 bang bị ảnh hưởng nặng nhất là Washington và New York.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt "luật thời chiến"

Tiểu bang Washington vừa có 2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì COVID-19. Thông tin về 2 trường hợp tử vong này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận. Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946 và đã tử vong do COVID-19 ngày 16/3 (giờ Mỹ) tại thành phố Seattle thuộc bang Washington. Người này được phát hiện có dấu hiệu nhiễm SARS-CoV2 trong một trại dưỡng lão ngày 9/3 và sau đó đã được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và đã có kết quả dương tính. Bệnh nhân đã tử vong sau một tuần nhập viện.

Trường hợp người Việt thứ 2 qua đời vì COVID-19 là người cao tuổi, bị mù, ở một Viện dưỡng lão cũng tại tiểu bang Washington. Bệnh nhân này, thứ 5 tuần trước bị sốt và được xét nghiệm và sau đó có kết quả dương tính với SARS-CoV2. Người này sau đó được chuyển đến bệnh viện nhưng đã qua đời sau 24 giờ sau đó.

Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng, cho phép chính phủ Mỹ đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, máy hô hấp nhân tạo và các thiết bị y tế cần thiết khác để hỗ trợ cuộc chiến ứng phó dịch Covid-19.

Chú thích ảnh
Nghị sĩ Mario Diaz-Balart là nghị sĩ Mỹ đầu tiên mắc COVID-19

"Chúng tôi sẽ kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng đề phòng trường hợp cần đến", ông Trump nói và cho biết thêm sẽ ký văn bản kích hoạt đạo luật này vào cuối ngày 18/3 theo giờ địa phương.

Luật sản xuất quốc phòng của Mỹ có từ thời chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, cho phép tổng thống có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả tư nhân, tăng tốc, mở rộng cung ứng các nguồn lực từ ngành công nghiệp của Mỹ để hỗ trợ quân đội, năng lượng, không gian, và các chương trình an ninh nội địa.

"Đây là một cuộc chiến. Tôi thấy mình trở thành một tổng thống thời chiến. Tình hình rất khó khăn... Chúng ta sẽ đánh bại kẻ thù vô hình này (COVID-19)", ông Trump nói.

CNN ngày 18/3 đưa tin, hạ nghị sĩ bang Florida thuộc đảng Cộng hòa Mario Diaz-Balart đã trở thành thành viên quốc hội Mỹ đầu tiên bị nhiễm virus corona mới.

Tính tới lúc này, ít nhất 14 nghị sĩ Mỹ đã công bố tự cách ly nhằm đề phòng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sau khi có tiếp xúc với người mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Mỹ dừng cấp thị thực trên toàn thế giới vì COVID-19

Reuters dẫn thông báo ngày 18/3 của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay chính quyền Washington đã dừng hoạt động cấp thị thực thông thường tại hầu hết các quốc gia trên thế giới vì virus SARS-CoV-2. Động thái này được xem là chưa từng có tiền lệ và sẽ ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người trên toàn cầu.

Phía Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ quốc gia nào hay bao nhiêu nước mà họ sẽ ngừng cấp thị thực thông thường, tuy nhiên, cơ quan ngoại giao của Washington tại hàng chục quốc gia đã thông báo về việc này trên trang web chính thức của họ như Hàn Quốc, Nam Phi, Đức hay Tây Ban Nha. Các thông báo nêu rằng Mỹ sẽ tạm ngừng việc cấp thị thực thông thường hoặc giảm bớt các dịch vụ mà họ cung cấp.

"Các đại sứ và lãnh sự quán ở những nước này sẽ hủy toàn bộ các cuộc hẹn phỏng vấn thị thực định cư và không định cư thông thường từ 18/3/2020", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Thông báo trên cũng cho biết các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục dịch vụ cấp thị thực khẩn cấp "nếu các nguồn lực cho phép" và họ vẫn sẽ hỗ trợ công dân Mỹ.

"Các đại sứ quán này sẽ nối lại hoạt động cấp thị thực thông thường sớm nhất có thể nhưng chưa thể đưa ra thời điểm chính xác vào lúc này", cơ quan ngoại giao Mỹ cho hay.

Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) lần đầu không còn ca nhiễm virus mới

Trong báo cáo sáng 19/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ngày 18/3 lần đầu tiên ghi nhận không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Chú thích ảnh
Trung Quốc lần đầu không xuất hiện ca mắc mới COVID-19

Điều đặc biệt là tỉnh Hồ Bắc và tâm dịch Vũ Hán, nơi ca bệnh đầu tiên xuất hiện, đã không phát hiện bất kỳ ca nhiễm mới nào, kể cả trong nước lẫn gốc nước ngoài.

Cũng trong sáng 19/3, báo cáo của Ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết tính đến ngày 18/3, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở toàn tỉnh Hồ Bắc là 67.800 ca, trong đó riêng thành phố Vũ Hán ghi nhận 50.005 ca. Trong ngày 18/3, tỉnh Hồ Bắc ghi nhận 8 ca tử vong. Tổng số ca tử vong trên toàn Trung Quốc đại lục đến nay là 3.245 ca.

Theo VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm