Đến Quảng Bình ăn cơm gà Lạc Sơn...

30/01/2014 08:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Không nằm trong những nhà hàng sang trọng, cũng chẳng phải những quán ăn bình dân, món cơm gà Lạc Sơn nằm ngay trong thúng cơm di động khắp các con phố Đồng Hới (Quảng Bình). Nghề làm và bán cơm gà Lạc Sơn được truyền từ đời này qua đời khác như nét văn hóa truyền thống và những người phụ nữ bán cơm là những “nghệ nhân” đem hồn quê ra phố.

Hồn quê giữa chốn đô thị

Cứ 10h30 mỗi sáng, bất kể trời nắng hay trời mưa, người ta luôn gặp hình ảnh những người phụ nữ đầu đội thúng cơm bước ra từ chiếc xe khách tuyến Tuyên Hoá - Đồng Hới, rồi toả đi bán ở nhiều nơi trong TP Đồng Hới. Đó là món cơm gà Lạc Sơn từ thôn Lạc Sơn thuộc xã Châu Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình), cách TP Đồng Hới hơn 70 Km.

Trước đây, cũng như bao vùng quê nghèo khác ở Quảng Bình, người dân thôn Lạc Sơn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng thời tiết thuận hoà thì chớ, những năm mưa lụt, hạn hán người nông dân hầu như mất trắng.


Cơm gà Lạc Sơn được bán trước ngã tư Bưu Điện

Thật may mắn,vào những năm 70 của thế kỷ trước, chuyến tàu chợ Vinh – Đồng Hới đi qua thôn như mở ra một luồng sinh khí mới. Từ đây nghề bán cơm gà trở thành vị cứu tinh cho những nông dân chân lầm tay bùn cải thiện thu nhập.

Không phải là những thế hệ đầu tiên bán cơm gà Lạc Sơn, nhưng chị Nguyễn Thị Hường (Xã Châu Hoá) đã từng được nghe những người đi trước kể về nguồn gốc cơm gà Lạc Sơn: “Ban đầu món cơm gà chỉ phục vụ cho những khách đi tàu lỡ bữa, rồi cơm gà theo chân những cô thôn nữ Lạc Sơn đi khắp nơi trong tỉnh Quảng Bình, bất kể là những người giàu có, người trung lưu hay những người nghèo, đều “ghiền” món cơm này”.

Kể từ đó đến nay, nghề bán cơm gà đã được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét văn hóa đặc trưng của thôn Lạc Sơn. Cả thôn Lạc Sơn có khoảng 240 hộ dân, nhưng hầu hết các hộ đều có người bán cơm gà. Có những gia đình đến nay đã có 2- 3 thế hệ bán cơm gà, như gia đình chị Như, chị Hương, chị Thắm: “Ở làng biết mần chi ra việc mà ăn, làm ruộng thì cũng không được mấy, với lại đây là nghề truyền thống của gia đình rồi, không bỏ được” – Chị Thắm chia sẻ.

Chị Thắm bán cơm gà từ trước khi chị lấy chồng, chị thường theo mẹ rong ruổi trên mỗi chuyến tàu, dần dà chị theo mấy chị em về Đồng Hới. Giờ mẹ chị đã già, không thể theo đuổi nghề được nữa, đứa con gái của chị cũng bắt đầu theo mẹ tập bán cơm gà như chị trước đây.


Cơm gà Lạc Sơn được đựng trong những chiếc thúng đơn giản

Chiếc thúng là hành trang đơn giản vừa được dùng để cơm gà lại vừa để giữ ấm. Nhờ vậy mà cơm được nấu từ sáng sớm cho tới tận trưa muộn vẫn không bị “nguội lạnh”.

Cơm gà Lạc Sơn ngon bởi hội tụ nhiều yếu tố. Gà ở Lạc Sơn được nuôi trên núi lại uống nước đầu nguồn Sông Gianh nên thớ thịt săn chắc, xương giòn. Còn gạo nấu cơm được lấy từ thứ lúa quê do chính tay người dân Lạc Sơn trồng. Chị Nguyễn Thị Như chia sẻ: “Mình dùng gạo lúa ngoài quê, lại nấu cơm bằng bếp củi nên cơm rất ngon, ăn miếng gà Lạc Sơn cùng cơm người ta thấy trong miệng vị bùi bùi của cơm và vị ngọt của gà cũng là nét đặc trưng không thể trộn lẫn của cơm gà Lạc Sơn”.

Cầm trên tay hộp cơm gà nóng hổi anh Nguyễn Văn Lân (Đồng Hới) vui vẻ nói: “Tôi đi cũng nhiều, thưởng thức nhiều món ăn ngon và lạ, nhưng vẫn không thể quên mùi vị của cơm gà Lạc Sơn”.

Khi được hỏi về bí quyết nấu cơm gà ngon chị Như cười tuơi: “Cũng chẳng có bí quyết gì cả, gà thì mình nuôi hoặc đi mua của các nhà khác trong làng nhưng nhất quyết phải là gà Lạc Sơn nhé. Gia vị thì có nghệ, ớt quả, hành lá... tất cả đem ướp rồi nấu lên thôi. Rồi măng, môn hoặc dưa cải làm rau”.

Nói thì đơn giản như vậy nhưng thật ra để nấu được một nồi cơm gà ngon là cả một quy trình đặc biệt mà không phải ai mới vào nghề cũng nấu được.

Những thân cò vất vả ngược xuôi

Theo chân các chị bán cơm gà ở Đồng Hới, mới thấy nỗi nhọc nhằn, vất vả mưu sinh với nghề. Đè nặng lên đôi vai các chị là tiền ăn học của con cái, tiền sinh hoạt phí của cả gia đình. Hầu hết gia đình của các chị đều đông con, như gia đình chị Như cớ tới 4 mặt con, đứa lớn nhất học lớp 9, đứa út mới học mẫu giáo lớn. Làm ruộng không đủ ăn, buộc chị đèo bòng thêm nghề bán cơm gà. “Có ai biết, để kiếm được đồng tiền nuôi con cái ăn học chúng tôi phải vất vả như thế nào đâu” - chị Như nhanh nhẹn gói cơm cho khách, vừa chia sẻ với chúng tôi.

Một ngày làm việc bắt đầu từ 4h sáng kết thúc khoảng 14h chiều: “4h sáng gọi chồng cùng dậy, bắc nước, cắt cổ gà, làm thịt gà, uớp gia vị rồi nấu cơm, dù sớm hay muộn thì 7h30 phút phải có mặt ở trên xe để đi vào Đồng Hới rồi. Nếu bữa nào bán hết sớm thì về sớm, còn không thì về chuyến xe muộn hơn”.

Chiều về nếu có thời gian các chị lại phụ giúp gia đình làm ruộng, đảm nhận các công việc nội trợ, nuôi dạy con cái. Vất vả ngược xuôi các chị cũng chỉ mong mình đóng góp thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, như lời chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Tùy theo thúng nhiều hay ít nhưng tính trung bình một thúng cơm bán được khoảng 600 nghìn đồng, trừ tất cả chi phí thì được khoảng 100 nghìn đồng, số tiền ấy không nhiều nhưng đối với vùng quê nghèo của chị thì biết làm gì ra một ngày được từng ấy tiền”.

Nhưng có những ngày ít khách, thì tiền lời lãi chẳng thấm vào đâu. Bởi số lượng cơm gà còn lại được các chị đưa về quê bán cho bà con chỉ cần lấy lại vốn. Cơm còn thừa thì đưa về ủ làm cơm rượu chứ tuyệt nhiên không để lại bán hôm sau.

Các chị không quy định mức giá cho 1 suất cơm, ai mua bao nhiêu các chị bán bấy nhiêu. Có khi là 50 nghìn, 30 nghìn, 20 nghìn. Nhưng có những vị khách chỉ mua 10 nghìn các chị vẫn vui vẻ bán hàng.

Làm ra đồng tiền vất vả là vậy, nhưng các chị bán hàng rất thương yêu, nhường nhịn nhau: “khách của ai người ấy bán, ở đây các chị không bao giờ tranh giành nhau. Nhiều khi ai bán hết thì còn bán giúp những người bán chưa hết. Mình là người cùng một thôn phải giúp đỡ nhau chứ” – chị Hoa chia sẻ.

Đi qua ngã tư Bưu Điện, chợ Nam Lý, hay cổng bệnh viện Việt Nam – Cu Ba...người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những phụ nữ bán cơm gà Lạc Sơn. Họ dầm mưa dãi nắng mưu sinh với nghề, tất tả ngược xuôi những mong giữ gìn cái nghề truyền thống mà cha ông để lại, và hơn hết là mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho gia đình.

Ngô Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm