Dâng sao giải hạn: 'Giải quyết nhu cầu tâm lý'

07/02/2017 12:26 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Các chuyên gia đều cho rằng việc dâng sao giải hạn là nhu cầu chính đáng. Thậm chí, dâng sao giải hạn ở chùa cũng có thể chấp nhận được do bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên, nghi lễ này đang có dấu hiệu bị trục lợi và lạm dụng.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) lược đăng ý kiến của người dân tham gia dâng sao giải hạn tại chùa Đ.Q (Hà Nội), TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và GS- TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản.

“Giải quyết nhu cầu tâm lý”

Chị Lê Thông (Long Biên, Hà Nội) đến chùa Đ.Q (trên đường Tây Sơn, Hà Nội) để cầu an cho gia đình. Theo lời chị Thông, chồng chị năm nay “bị sao La Hầu chiếu” nên cũng muốn dâng sao giải hạn. Quan niệm dân gian cho sao La Hầu là khẩu thiệt tinh. Cụ thể, sao này ảnh hưởng nặng cho nam giới về tai tiếng, thị phi, kiện tụng, bệnh tật, tai nạn…

Chị Thông chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi cảm thấy rất hoang mang và lo lắng. Sau đó, tôi có hỏi han bạn bè và người thân được biết nhà chùa có tổ chức cầu an và dâng sao giải hạn. Bởi vậy, tôi đến chùa để giải quyết nhu cầu tâm lý với mong muốn gia đình yên ấm vượt qua năm xấu”.


Hình ảnh người dân tràn ra lòng đường ở đình P.K đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội mỗi độ Xuân về. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

Theo tìm hiểu, người dân đăng ký làm lễ cầu an ở chùa Đ.Q thường “công đức” số tiền 100 ngàn đồng/ người, tiền dâng sao giải hạn cũng 100 ngàn đồng/ người. Để cầu an cho gia đình 4 người và dâng sao giải hạn cho chồng, chị Thông “công đức” 500 ngàn đồng.

Gần chùa Đ.Q, đình P.K có tiếng về dâng sao giải hạn. Từ đầu năm tới giờ, tối tối, đình thu hút hàng ngàn người ngồi tràn ra đường để cầu an và dâng sao giải hạn. Theo khảo sát của PV, cũng như “lệ” ở chùa Đ.Q, những người làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở đình P.K cũng thường “công đức” 100 ngàn đồng/ người cầu an và thêm 100 ngàn đồng/ người dâng sao giải hạn.

Để có một lá sớ có thể viết đủ tên các thành viên trong gia đình, người dân đăng ký cầu an và dâng sao giải hạn ở chùa Q.S thường “công đức” 500 ngàn đồng. Trong các chùa cũng ghi rõ ngày giờ tiến hành lễ cầu an. Một số chùa còn ghi cả bảng tham chiếu tuổi cùng sao chiếu mệnh.

Dâng sao giải hạn ở chùa, nên hay không?

Trong số báo trước, TS Nguyễn Văn Vịnh, chuyên gia về phong thủy, có chia sẻ rằng nghi lễ dâng sao giải hạn của Đạo giáo. Nghi lễ này hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật nên việc dâng sao giải hạn ở chùa là chưa thật đúng.

Song, ông Vịnh cũng chia sẻ, do đặc thù tôn giáo Việt Nam tồn tại ở dạng thức tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Đạo song hành, hài hòa tồn tại) nên dâng sao ở chùa cũng có thể chấp nhận được nếu không bị bóp méo, trục lợi.

Dâng sao giải hạn: Phong tục hay hủ tục?

Dâng sao giải hạn: Phong tục hay hủ tục?

Từ một phong tục, dâng sao giải hạn đang cuốn một số người cuồng tín theo những thái tiêu cực tới mụ mị.


Đồng tình với quan điểm của TS Vịnh, GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): Trước đây, việc dâng sao giải hạn diễn ra ở đình, đền. Hiện tại, do các chùa có không gian rộng, cùng phối thờ của các vị thần phật tại chùa nên việc dâng sao giải hạn tại chùa cũng không có gì quá đáng. Tôi nghĩ nghi lễ này cũng nhẹ nhàng nên chúng ta cần tiếp cận vấn đề đơn giản và thoải mái. Song, các hoạt động sinh lời thái quá từ nhu cầu tâm linh của người dân đều đáng lên án.   

TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cũng chia sẻ: Dâng sao giải hạn ở chùa cũng là một cách để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân khát khao có sự che chở của các vị Phật, Bồ tát… Tuy nhiên, thực tế đang có sự lạm dụng ở nhiều chùa, thậm chí đến mức thái quá. Sự việc một số chùa “ra giá” cúng sao xấu tùy theo mệnh, theo tử vi đã xảy ra. Cũng không tránh được tâm lý đám đông đồn thổi chùa này, chùa kia thiêng, khiến nghi lễ dâng sao giải hạn đầu năm ở một số chùa trở nên... quá tải và bị lạm dụng.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm